Để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, do buông lỏng quản lý hay quy định pháp luật chưa hoàn thiện?

Đình Việt Thứ bảy, ngày 16/09/2023 15:02 PM (GMT+7)
Sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), bạn đọc cho biết, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng hiện nay diễn ra phổ biến nhưng không được xử lý dứt điểm. Vậy nguyên nhân do đâu?
Bình luận 0

Quy trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng được quy định thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, quy trình, trình tự thủ tục xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng là một thủ tục hành chính pháp lý được quy định chặt chẽ, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành và cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo trình tự thủ tục luật định.

Để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, do buông lỏng quản lý hay quy định pháp luật chưa hoàn thiện? - Ảnh 1.

Tòa nhà bị cháy ở Hà Nội đã xây vượt phép, từ 6 tầng lên tận 9 tầng, 1 tum. Ảnh: Dân Việt

Trong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính có xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp hành chính khác, trong đó có đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ công trình, cưỡng chế tháo gỡ công trình vi phạm...

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều công trình vi phạm chưa bị xử lý kịp thời, có những trường hợp không bị xử lý hoặc chỉ bị phạt rồi cho tồn tại mà không xử lý dứt điểm bằng các biện pháp hành chính nghiêm khắc như cưỡng chế.

Theo ông Cường, về nguyên tắc chung, các công trình xây dựng nói chung, công trình xây dựng nhà ở nói riêng có sự quản lý của nhà nước liên quan đến quá trình xây dựng, sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, mua bán, chuyển nhượng, tháo dỡ...

Theo đó, khi tổ chức thi công xây dựng công trình là nhà ở, chủ đầu tư công trình phải tuân thủ quy định pháp luật về quản lý đất đai, về trật tự xây dựng, quy định pháp luật về nhà.

Trước đây, trình tự thủ tục, quy trình xử lý vi phạm đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng được thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Từ ngày 15/1/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng có hiệu lực thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP. Hiện nay việc xử lý áp dụng theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Nghi định này nêu rõ, trường hợp chủ đầu tư công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng sai với giấy phép đã được cấp có thẩm quyền cấp phép hoặc quá trình xây dựng không đảm bảo điều kiện thi công, không đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, không tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy hoặc có các hành vi vi phạm khác, chủ đầu tư công trình có thể bị đình chỉ thi công công trình, bị xử phạt vi phạm hành chính và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó có biện pháp khôi phục tình trạng ban đầu do hành vi vi phạm hành chính gây ra (buộc tháo gỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng).

Như vậy, pháp luật quy định rất cụ thể các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, các hình thức xử lý, mức xử phạt, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm lập phương án và tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Do buông lỏng quản lý và do pháp luật chưa hoàn thiện

Tuy nhiên, theo ông Cường, điều bất cập là pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời gian lập phương án tổ chức cưỡng chế là bao lâu, khi nào phải tổ chức xong việc thi hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, do buông lỏng quản lý hay quy định pháp luật chưa hoàn thiện? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Ngoài ra cũng không có quy định cụ thể nếu cán bộ, cơ quan có thẩm quyền không tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm khi đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ thì sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào.

Vì thế, muốn xử lý dứt điểm, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính, trong đó có xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phải quy định rõ về thời gian, thẩm quyền, trình tự thủ tục áp dụng các biện pháp hành chính.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc không phát hiện hoặc chậm phát hiện công trình vi phạm. Cũng chưa có quy định về chế tài cụ thể đối với hành vi không tổ chức thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

"Có lẽ do pháp luật chưa có quy định cụ thể về thời gian, thời hạn, chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cán bộ có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng nên nhiều trường hợp lập biên bản nhưng không ra quyết định xử lý.

Hoặc ban hành quyết định xử lý nhưng không ban hành quyết định cưỡng chế hoặc có ban hành quyết định cưỡng chế nhưng không tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm dẫn đến hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, phổ biến ở nhiều nơi, nhiều địa phương trong suốt một thời gian dài" – ông Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, việc không phát hiện kịp thời, không xử lý triệt để đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Việc chậm xử lý, chậm tổ chức thi hành các quyết định hành chính có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan.

Có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm của người có thẩm quyền, cũng có nguyên nhân từ cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tổ chức cưỡng chế chưa tốt, nguyên nhân từ thiếu cơ chế tổ chức thi hành, thiếu quy định pháp luật về trách nhiệm và các chế tài với hành vi chậm thực hiện quyết định hành chính.

Ngoài nguyên nhân thiếu quy định, thiếu chế tài với người chậm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế, còn có những nguyên nhân khách quan khác như nguyên nhân về xung đột pháp luật, vấn đề tồn tại lịch sử, về an sinh xã hội về đời sống của người dân, bất cập trong việc quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch về đất đai, về kiến trúc dẫn đến việc nếu tổ chức cưỡng chế xây dựng thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều hộ dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

"Để khắc phục tình trạng này cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về pháp luật, giải pháp về con người, giải pháp về quy hoạch và phải có tầm nhìn, hướng đến các mục tiêu chung về đảm bảo an sinh xã hội, an toàn cho cộng đồng, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ nhân dân" – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem