Để từ chức thành văn hóa: Cần luật hóa cụ thể thế nào? (Kỳ cuối)

Thành An Thứ bảy, ngày 02/11/2019 18:30 PM (GMT+7)
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến tình trạng gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; hay như vụ nước sạch sông Đà nhiễm bẩn ở Hà Nội khiến hàng vạn người dân lao đao, song cho đến nay, vẫn chưa có bất kì một quan chức của các cơ quan, đơn vị liên quan đứng ra nhận trách nhiệm hay chủ động xin từ chức...
Bình luận 0

Như đã đưa ở 2 kỳ trước trong loạt bài "Làm sao để từ chức thành văn hóa của quan chức?", hiện nay, quy định về từ chức đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các Dự thảo, các quy định xây dựng “văn hóa từ chức” vẫn chưa đồng nhất, vẫn chưa thể trở thành một văn bản nhất định. Bên cạnh việc đề xuất có Luật từ chức, để việc từ chức của quan chức trở thành văn hóa, cần phải lưu ý những điều sau.

Xóa bỏ quan niệm “cổ hủ”

Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, văn hóa từ chức phải đặt trong bối cảnh có văn hóa làm việc. Nhiều cán bộ nhận lương hàng tháng nhưng lại lười làm việc, thậm chí khi làm việc còn sách nhiễu người dân, không có tinh thần phục vụ, văn hóa công sở. Nhất là những cán bộ càng kém thì càng sợ phải rời khỏi “bầu sữa” ngân sách. 

Đồng thời, có một thực tế đang diễn ra cho thấy câu chuyện “chen chân” vào bộ máy nhà nước không hề đơn giản. Từ đây nảy sinh ra chuyện chạy chọt, ưu tiên người nhà, họ hàng,… tạo ra lợi ích nhóm khá phổ biến. Vì thế, khi đã là biên chế công chức nhà nước, có chức vụ thì không dễ gì mà họ từ chức, không thể nào tự nhiên có được văn hóa từ chức.

img

Ông Đoàn Ngọc Hải được thôi chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. 

Theo đó, để từ chức trở thành văn hóa cần phải vượt qua được quan niệm “cổ hủ” trên và lợi ích từ “ghế” của quan chức. Cần tạo ra văn hóa từ chức là một điều bình thường trong xã hội, đặc biệt là “giới quan chức”, cũng như một khâu trong quản lý lãnh đạo để họ cũng như người dân không phải “nhìn vào bình phẩm” rằng có sai sót thì mới phải từ chức, từ chức để chối tội…

Mặt khác, cần có văn hóa từ chức để tạo “đòn bẩy”, động lực cho cán bộ mạnh dạn từ chức khi nhận thấy mình không còn đảm đương được trách nhiệm mà tổ chức giao.

Khi đề cập đến văn hóa từ chức, ĐBQH Lê Thanh Vân đã từng trải lòng rằng: Văn hóa từ chức không phải là một hiện tượng pháp lý mà đây là một hiện tượng xã hội. Đã là hiện tượng xã hội thì phải do xã hội điều chỉnh. Văn hóa từ chức chưa diễn ra ở nước ta là vì mấy lẽ: Thứ nhất, đó là do lòng tự trọng của con người, do sự liêm sỉ ở trong mỗi cá nhân.

Thứ hai, đó là do bản tính tham quyền cố vị. Họ không có lòng tự trọng, không có liêm sỉ cá nhân, vì sự tham quyền, tham lợi nên không buông bỏ được, dù không xứng đáng. Nhưng ông kết lại: Quan trọng nhất của vấn đề là giáo dục lòng tự trọng của con người.

Gắn văn hóa từ chức với trách nhiệm nêu gương

“Chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín” là một trong những quy định được nêu trong Dự thảo tờ trình của Bộ Chính trị về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đã được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII. 

Đây là bước đi cụ thể thực hiện Nghị quyết 26, Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó yêu cầu: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

img

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã nộp đơn từ chức vì thấy có trách nhiệm trước thảm họa chìm phà Seoul khiến hơn 300 chết và mất tích năm 2014.

Điều đáng nói, vấn đề “từ chức” hay nói rộng ra là “có lên có xuống, có vào có ra” đã được đề cập đề cập đến hơn 20 năm về trước. Từ năm 1997, Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII đã chỉ ra yêu cầu: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”. 

Có một thực tế, thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến tình trạng gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; hay như vụ nước sạch sông Đà nhiễm bẩn ở Hà Nội khiến hàng vạn người dân lao đao. Song, đến nay không thấy bất kì một ai đứng ra nhận trách nhiệm rồi từ chức. 

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, các quy định của Đảng về từ chức hiện nay tương đối đầy đủ.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về công tác cán bộ nhấn mạnh đến việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; Nghị quyết trung ương 4 khóa XII quy định rất rõ “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ…”.

img

“Chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín” là một trong những quy định được nêu trong Dự thảo tờ trình của Bộ Chính trị. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, Quy định về trách nhiệm nêu gương nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Tuy nhiên, hơn 1 năm kể từ khi vụ việc gian lận thi cử xảy ra, đến nay chưa thấy có một cán bộ nào đứng ra nhận trách nhiệm và “tự xử”. Đây là điều rất đáng buồn. Nhiều người vi phạm nhưng lại không thấy xấu hổ. Trong khi đó, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch Quận 1 TP.HCM, từ năm 2018, đã gửi đơn xin từ chức vì “không thực hiện được lời hứa trước nhân dân” về lập lại trật tự vỉa hè.

“Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, song trong vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ. Những trường hợp này, nói thẳng ra là không còn đủ uy tín trước nhân dân thì nên chủ động từ chức”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Xâu chuỗi các vấn đề, có thể nói, để xây dựng được văn hóa từ chức, ngoài việc nêu cao tinh thần gương mẫu, dám tự nguyện từ chức của cán bộ lãnh đạo cần có những quy định mang tính pháp lý để bắt buộc những người không tự giác vẫn phải từ chức; Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo ở cương vị cao, phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động và sáng tạo, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. 

Đặc biệt, khi tự mình thấy không có đủ năng lực và uy tín hoặc để xảy ra vụ, việc nghiêm trọng thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý thì nên chủ động từ chức.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức. Phải xem đó cũng là một hoạt động thực thi công vụ bình thường. Đó là những người có văn hóa. 

Như vậy, với “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” được xây dựng công phu, cụ thể, dễ áp dụng, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành.

Ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Tại khoản 8 Điều 2 của quy định nêu: "Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm; chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem