Để "tấc vàng" giữ chân người ở lại

Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Thứ bảy, ngày 10/02/2024 09:14 AM (GMT+7)
Chuyện kể rằng, sau những năm tháng bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, khi trở về lần đầu tiên (28/1/1941, tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ đã nâng hòn đất bên cạnh cột mốc số 108 lên hôn. Một hình ảnh giàu cảm xúc lưu mãi trong tâm thức bao thế hệ người thời đại Hồ Chí Minh…
Bình luận 0

Người Việt mình có hình tượng "Đất Mẹ", hình như để nói lên "đất" không chỉ là vật chất hữu hình mà là điều gì đó thật thiêng liêng như người Mẹ Việt Nam cao cả đối với mỗi người. Tình yêu Tổ quốc đôi khi đơn giản chỉ là yêu mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành.

Có nhà nghiên cứu đúc kết rằng, hình như chỉ có người Việt chúng ta mới dùng từ "Đất Nước" để chỉ núi sông bờ cõi của dân tộc mình. Từ tuổi còn thơ cắp sách đến trường đã nghe câu ca dao: "Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu". Rồi, "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi. Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa…" mẹ thường hay kể". Một đất nước có diện tích lãnh thổ rộng 331.212km2, đã nuôi sống một dân tộc đang tiến đến 100 triệu người. Đất chật, người đông, "tam sơn tứ hải nhất phần điền", người Việt tự hào là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, có một nền nông nghiệp đang vươn tầm thế giới cũng nhờ vào hồn đất.

Để "tấc vàng" giữ chân người ở lại- Ảnh 1.

Nông dân sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL có một năm trúng mùa, được giá. Ảnh: T.L

Có câu dân gian "Hiền như cục đất". Khi con người đối đãi tốt với đất, đất sẽ tạo ra của cải cho con người. Khi đất nông nghiệp được giàu chất dinh dưỡng, đất sẽ đem lại dinh dưỡng cho con người. Khi ấy, tình yêu của con người đối với đất sẽ được tăng lên, con người sẽ hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình.

Nhưng rồi, đến một ngày chợt giật mình tỉnh thức trước những câu chuyện không khỏi chạnh lòng. Đây đó, ruộng bị bỏ hoang, nhiều người lẳng lặng rời bỏ làng quê thân thuộc tìm sinh kế nơi đất khách, quê người. Đây đó, những mảnh đất "bờ xôi ruộng mật" teo tóp dần. Đây đó, những người trẻ xa vắng trên những luống đất, nơi đã góp phần nuôi nấng bao thế hệ cha ông. Dẫu biết đó cũng là quy luật bình thường của các đất nước đi vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhưng vẫn có gì đó đè nặng trong lòng. Không lẽ, trong khi đất đã nuôi nấng con người, không bao giờ phụ người, mà người lại quay lưng với đất?

Tất cả, có lẽ một thời khó khăn nên cái "ăn cho no" được đặt lên hàng đầu, nếu không bị cho là "Ăn chưa no, lo chưa tới". Những trận đói trong lịch sử luôn ám ảnh bao thế hệ người. Vậy là con người đã vắt kiệt sự sống của đất để phục vụ mục tiêu "ăn cho no". Vậy là con người không cho đất đủ thời gian ngơi nghỉ để phục hồi, vụ nối tiếp vụ, mùa nối tiếp mùa. Vậy là con người từ sử dụng đến lạm dụng những tác nhân từ bên ngoài để có những mùa vàng bội thu.

Suy cho cùng, cơ cấu lại nền nông nghiệp là tư duy lại về đất nông nghiệp. Mục tiêu sâu xa của tiến trình này là tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần để đất nông nghiệp không còn bị rẻ rúng. Đất nông nghiệp phải được xem là của cải vô giá, là nguồn sống của một dân tộc bước vào kỹ nguyên mới. Giá trị đất nông nghiệp tăng cao phải làm tăng năng suất lao động. Giá trị đất nông nghiệp tăng cao dựa vào tư duy đa dụng, gắn sản xuất với chế biến, thương mại theo chuỗi ngành hàng. Giá trị đất nông nghiệp tăng cao nhờ chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, với du lịch. Giá trị đất nông nghiệp tăng cao khi những mảnh đất nhỏ được tập trung "mềm" lại với nhau thành đại điền và những người nông dân trở thành điền chủ.

Vui thay, đã có những tín hiệu lạc quan từ những mảnh đất từ vùng cao đến đồng bằng, từ đất liền đến hải đảo. Những vuông đất nhỏ không sử dụng đã được cho thuê lại làm ra của cải nhờ quy mô lớn hơn. Những người trẻ ngược đường trở lên miền núi, về các làng quê xa xôi khởi nghiệp nông nghiệp bằng tư duy mới mẻ. Những xu hướng tiếp cận nền nông nghiệp thông minh bằng chuyển đổi số, gắn với kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI). Những miền quê đạt chuẩn nông thôn mới trở thành nơi đáng sống, ruộng đồng, vườn tược như được bừng sáng.

Nhưng đó chỉ là những bước khởi đầu cho cuộc cách mạng nông nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh. Một không gian đa tầng giá trị chỉ ở những nấc thang đầu tiên. Những điều diệu kỳ vẫn còn ở phía sau nếu tiếp tục tư duy lại nền nông nghiệp, đất nông nghiệp. Phải tiếp tục lan toả tư duy kinh tế nông nghiệp. Phải kích hoạt tư duy đa tầng giá trị. Phải nâng cao năng lực, tri thức hoá, đặt người nông dân làm trung tâm trong tiến trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Câu tục ngữ "Người ta là hoa đất" như lời khẳng định con người là tinh tuý của đất trời. Con người càng biết chăm lo cho đất thì đất càng tạo ra của cải nhiều hơn cho con người. Con người càng có tình yêu với đất, thì đất càng trả lại cho con người niềm hạnh phúc. Con người biết chắt chiu từng giá trị nhỏ của đất thì đất sẽ mang lại cho con người những giá trị lớn hơn. Những tài nguyên bản địa từ đất đai là nguồn lực vô tận để con người làm giàu trên quê hương xứ sở của mình. Nghèo do đất hay giàu từ đất cũng do con người chọn con đường mình đi.

Rồi đây, mai này một màu xanh sẽ phủ khắp trên những mảnh đất khô cằn. Khi ấy, lời ca da diết ngày nào "Đất ơi! Có nhớ những ngày, đồng khô cỏ cháy" chỉ còn là hoài niệm chuyện ngày xửa, ngày xưa. Đất và Nước, hai yếu tố đầu vào cho nông nghiệp, sẽ được con người sử dụng một cách thông minh nhất, tiết kiệm nhất. Đất và Nước sẽ hoà quyện với nhau trở thành những nguồn lực, trở thành những di sản cho thế hệ tương lai. Đất và Nước, bằng trí tuệ siêu việt của con người, sẽ giúp nâng cao giá trị cho nền nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho người nông dân khi nông nghiệp không tách rời với sinh thái, tuần hoàn, hữu cơ, phát triển du lịch.

Có câu dân gian "Hiền như cục đất". Khi con người đối đãi tốt với đất, đất sẽ tạo ra của cải cho con người. Khi đất nông nghiệp được giàu chất dinh dưỡng, đất sẽ đem lại dinh dưỡng cho con người. Khi ấy, tình yêu của con người đối với đất sẽ được tăng lên, con người sẽ hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình.

Khi ấy, "quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày"!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem