Đề nghị lập ủy ban điều tra vụ Vinashin

Thứ ba, ngày 02/11/2010 05:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết để Quốc hội lập Ủy ban Lâm thời điều tra trách nhiệm thành viên Chính phủ khi để xảy ra sai phạm ở Vinashin.
Bình luận 0
 img
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết: Ngoài lãnh đạo Vinashin thì còn ai nữa phải chịu trách nhiệm?

Hôm qua 1-11, ngày thảo luận đầu tiên của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 “nóng bỏng” câu chuyện thua lỗ của Vinashin và trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước.

Phải có văn hóa từ chức để dân tin

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) “nổ phát súng” đầu tiên về sự thua lỗ của Tập đoàn Vinashin: “Vinashin sụp đổ đã trút lên vai người dân khoản nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng”.

Ông Thuyết cho rằng đó là món nợ mà người dân một tỉnh phải làm quần quật không mua sắm, không ăn uống, xây dựng gì trong suốt một thế kỷ mới có thể trả nổi dù cho tỉnh này có thu khoảng 1.000 tỷ đồng một năm.

Ông Thuyết đặt vấn đề: “Ngoài lãnh đạo Vinashin thì còn ai nữa phải chịu trách nhiệm. Các thành viên Chính phủ cũng phải nghiêm túc kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội".

Liên hệ lại vụ Lã Thị Kim Oanh gây thất thoát trên 100 tỷ đồng khiến một bộ trưởng đang được lòng dân phải từ chức và hai thứ trưởng hầu tòa, ông Thuyết khẳng định “Vinashin là một kiểu như vậy nhưng được phóng đại gấp 1.000 lần”.

Đại biểu này đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết để Quốc hội lập Ủy ban Lâm thời điều tra trách nhiệm thành viên Chính phủ khi để xảy ra sai phạm ở Vinashin. Cuối kỳ họp Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ liên quan.

Ông Thuyết nói: “Để tạo điều kiện cho công tác của Ủy ban Lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ các vị có liên quan”.

Còn đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) và Phạm Thị Loan (Hà Nội) có cái nhìn thiên về cơ chế - chính sách khi cho rằng Vinashin chính là “sản phẩm của việc thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước”.

Theo bà Loan, một mình Vinashin không thể làm trái pháp luật, vậy “Ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với khối lượng lớn? Ai cho phép họ phá luật, vay quá 15% vốn điều lệ ngân hàng? Trong khi đó đã có tới 11 đoàn thanh tra của Chính phủ nhưng không phát hiện sai phạm”.

Theo bà Loan, những người làm sai phải có lời xin lỗi với nhân dân và có văn hóa từ chức để dân còn có niềm tin.

Chỉ nhận một phần trách nhiệm

Liên quan đến các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã ấn nút xin giải trình. Theo Bộ tưởng Bộ GTVT được Chính phủ giao hai chức năng là cho ý kiến về các mục tiêu, phát triển, điều lệ và cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Vinashin. Thứ hai là cùng với các bộ ngành khác tham gia giám sát hoạt động của tập đoàn này.

Ở chức năng thứ nhất, ông Dũng cho rằng Bộ GTVT dù đã có ý kiến cụ thể và rõ ràng nhưng chỉ được quyền có ý kiến chứ không có quyền quyết. “Quyền quyết định là của Thủ tướng Chính phủ; cái gì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho tập đoàn thì tập đoàn quyết định, chứ bộ hoàn toàn không có được một quyền nào quyết định trong tất cả những nội dung này”, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói.

Về chức năng giám sát, Bộ trưởng Dũng cho rằng đây không phải là chức năng của Bộ GTVT mà của nhiều bộ ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ông thừa nhận Bộ GTVT không phát hiện hoặc phát hiện chậm nhiều vấn đề thậm chí tất cả những vấn đề cố ý làm sai trái ở tập đoàn này. Dù thấy khuyết điểm nhưng người đứng đầu ngành giao thông cũng cho rằng nguyên nhân chính là do… cơ chế.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền xuất hiện ngay sau đó để giải trình về công tác giám sát tập đoàn này. Về góc độ thanh tra, như đã nhiều lần phát biểu trên báo chí, ông Truyền cho rằng, lỗi chính do cơ chế thanh tra đang còn nhiều lỗ hổng.

Ít nhất 11 lần thanh tra nhưng không có lần nào thanh tra toàn diện vì không cơ quan thanh tra nào được giao thanh tra toàn diện. Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra toàn diện trong ba năm từ 2008 nhưng khi chuẩn bị thanh tra thì không thực hiện bởi Chính phủ ra nghị quyết hạn chế thanh tra tập đoàn khi đang gặp khủng hoảng kinh tế hoặc vướng các đoàn thanh tra của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Tài chính…Vì theo quy định của Chính phủ, mỗi đơn vị chỉ bị thanh tra 1 lần/năm.

Hơn nữa, trong nhiều lần thanh tra, phát hiện sai phạm ở Vinashin nhưng đơn vị này không chịu khắc phục, cơ quan thanh tra cũng không có quyền phúc tra, giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem