Đây là lý do dự án Nord Stream 2 có thể 'đắp chiếu' bất kể Putin làm gì

Phương Đăng (theo Guardian) Thứ năm, ngày 06/01/2022 19:30 PM (GMT+7)
Dự án Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD có thể sẽ phải "đắp chiếu" mãi mãi vì nhiều quốc gia lo ngại nó không chỉ giúp tăng thị phần khí đốt và sự kiểm soát của Nga đối với thị trường khí đốt châu Âu mà còn tạo cơ hội cho Tổng thống Putin đặt chân vào khí quản châu Âu, theo The Guardian.
Bình luận 0
Đây là lý do dự án Nord Stream 2 có thể 'đắp chiếu bất kể Putin làm gì - Ảnh 1.

Một công nhân xây dựng người Nga ở Vịnh Portovaya tham gia dự án Nord Stream 2. Ảnh: AP

 Theo Guardian, câu chuyện về Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Đức chạy dọc theo đáy biển Baltic vốn đã bế tắc từ lâu.

Nó được ví như một chiếc vali không có tay cầm ở sân bay - không thể bỏ đi nhưng cũng không thể mang tiếp. Hầu hết các nhân vật ban đầu khởi xướng dự án - Jean-Claude Juncker, Angela Merkel, Matteo Renzi, David Cameron, Petro Poroshenko - đều đã rời sân khấu chính trị. Chỉ có một chính trị gia vẫn ở lại sau toàn bộ câu chuyện đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Được công bố lần đầu tiên vào năm 2015, đường ống trị giá 11 tỷ USD do tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga sở hữu đã được xây dựng với kỳ vọng sẽ giúp vận chuyển khí đốt từ miền tây Siberia - tăng gấp đôi công suất hiện có của đường ống Nord Stream 1 và giữ cho 26 triệu ngôi nhà ở Đức luôn ấm áp với mức giá phải chăng.

Nhưng có một điều là đường ống này không phải là một dự án thương mại thuần túy. Nó bị đánh giá là sẽ tạo ra hậu quả địa chiến lược rộng lớn, với mỗi cm của đường ống là một trận chiến chính trị và pháp lý gay cấn.

Những người chỉ trích lập luận rằng, để Nord Stream - đường ống dài 1.200 km - vận hành là giao cho Putin đòn bẩy tiềm năng để khống chế an ninh năng lượng của châu Âu.

Nord Stream 2 bị cho là không giúp tăng thêm công suất khí đốt tới châu Âu mà thực ra là thay thế Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến châu Âu, chạy qua Ukraine.

Ukraine lo ngại rằng nguy cơ Nord Stream 1 bị thay thế bằng đường ống mới - một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nga nhằm cắt đứt liên kết với nước Cộng hòa thời hậu Xô Viết - sẽ tước đi phí vận chuyển tương đương 4% GDP mà Ukraine nhận được.

Kiev cũng lập luận rằng đường ống mới sẽ tăng cường kiểm soát và thị phần khí đốt của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu, đồng thời tạo cơ hội cho Putin đặt chân vào khí quản châu Âu. 

Ukraine đã tìm thấy các đồng minh ủng hộ mình ở Ba Lan, các nước Baltic, Ý, Anh và thậm chí cả Ủy ban châu Âu. Tất cả họ đều cho rằng Nga hoàn toàn có thể tắt các đường ống khí đốt khi muốn đảm bảo lợi thế địa chiến lược, như những gì Moscow từng làm.

Những lo ngại như vậy, cuối cùng, có thể khiến dự án này bị phong tỏa và đắp chiếu mãi mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem