Đặc sản tết ở Gia Lai là thứ trời nắng to nay phơi mai ăn là vừa miệng, bán đắt tiền

Hoàng Lộc Thứ năm, ngày 08/02/2024 05:51 AM (GMT+7)
Những ngày cận Tết Nguyên đán, các hộ dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang tất bật làm món bò một nắng để phục vụ cho thị trường Tết. Trời càng nắng to, dân phơi thịt bò một nắng càng đẩy nhanh sản lượng...
Bình luận 0

Bò một nắng ở vùng "chảo lửa

Huyện Krông Pa được mệnh danh là "vùng chảo lửa" của tỉnh Gia Lai. Lý do là bởi nơi đây có khí hậu nắng nóng khắc nghiệt quanh năm. 

Huyện này cũng có đàn bò lớn nhất tỉnh với khoảng 70.000 con, chủ yếu là giống bò cỏ địa phương.

Với những điều kiện tự nhiên như vậy, bà con ở đây đã làm nên đặc sản bò một nắng trứ danh.

Đặc sản tết ở Gia Lai là thứ trời nắng to nay phơi mai ăn là vừa miệng, bán đắt tiền- Ảnh 1.

Phần thịt bắp của con bò được người dân huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) sử dụng để làm món bò một nắng. Sau khi lọc hết gân, thái thịt bò thành từng miếng mỏng.

Vượt gần 200km về với huyện Krông Pa những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của các hộ dân ở đây khi họ đang tất bật làm thịt bò một nắng để kịp giao hàng dịp Tết nguyên đán.

Nếu như những năm trước, tại huyện Krông Pa chỉ có vài cơ sở chế biến bò một nắng thì nay đã có rất nhiều thương hiệu như: Mười Đức, Tuấn Hậu, Tý Vân, Quỳnh Ngân… 

Không những vậy, nhiều hộ gia đình nhỏ lẻ cũng đẩy mạnh chế biến bò một nắng để phục vụ khách hàng ở khắp mọi miền đất nước trong dịp Tết cổ truyền.

Bà Hồ Thị Mười, chủ cơ sở bò một nắng Mười Đức (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho biết, gia đình đã gắn bó với công việc sản xuất bò một nắng được 28 năm. Gia đình bà trước đây chủ yếu chế biến để sử dụng và bán cho người thân quen trong mỗi dịp lễ, Tết. 

Sau này, món bò một nắng đặc trưng của địa phương đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và đặt hàng.

Đặc sản tết ở Gia Lai là thứ trời nắng to nay phơi mai ăn là vừa miệng, bán đắt tiền- Ảnh 2.

Thịt bò sau khi được thái thành miếng mỏng thì đem ra ướp gia vị

Theo bà Mười, cơ sở của bà mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn sản phẩm chế biến từ thịt bò. Tính riêng trong dịp Tết này, do lượng đơn hàng tăng đột biến nên mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng hơn 1 tạ bò một nắng.

Được biết, cơ sở bò một nắng Mười Đức đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm bò một nắng, gầu bò một nắng, ba chỉ heo một nắng. Để đạt được thành quả này, đơn vị không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào (thịt bò, các loại gia vị, muối kiến vàng…), cho đến việc đầu tư máy móc, giàn phơi, kho đông lạnh. Ngoài cơ sở chính ở thị trấn Phú Túc, Mười Đức còn mở một cơ sở tại TP.Pleiku. Sản phẩm bò một nắng của Mười Đức cũng đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như: TP. HCM, Đăk Lăk, Hà Nội, Đà Nẵng.

Trong khi đó, tại cơ sở chế biến bò một nắng Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc) những ngày này, các nhân viên đang tất bật làm việc hết công suất để đáp ứng đơn hàng cho khách ở khắp các tỉnh thành.

Đặc sản tết ở Gia Lai là thứ trời nắng to nay phơi mai ăn là vừa miệng, bán đắt tiền- Ảnh 3.

Từng thớ thịt bò một nắng được đưa ra phơi nắng ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).

Bà Đinh Thị Hậu, chủ cơ sở cho biết, mỗi ngày nơi đây chế biến khoảng hơn 1 tạ thịt bò tươi, tương đương 60-70 kg bò 1 nắng để mang ra thị trường. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho thị trường, cơ sở này cung đã ký hợp đồng liên kết với các hộ chăn nuôi bò và thuê thêm nhân công thời vụ để đảm bảo đủ hàng sản xuất ra.

Tính từ cuối tháng 11 đến nay, sản lượng tiêu thụ bò một nắng của cơ sở đã tăng gấp 3 - 5 lần so với các tháng bình thường. Sản phẩm của cơ sở làm ra luôn được các khách hàng ở thành phố lớn đặt mua với số lượng ổn định.

Đặc sản tết ở Gia Lai là thứ trời nắng to nay phơi mai ăn là vừa miệng, bán đắt tiền- Ảnh 4.

Để có miếng bò một nắng ngon, thịt bò được phơi trực tiếp dưới ánh nắng trực tiếp từ 4-6 tiếng. Cách 2-3 tiếng, người làm phải trở bề thịt để thịt được khô đều.

"Để sản phẩm bò một nắng Krông Pa được nhiều khác hàng trong cả nước biết đến thì khâu chế biến rất quan trọng. 

Bò một nắng phải được làm từ thịt bắp của bò tơ, chăn thả trong tự nhiên. Khi đó, thớ thịt mới săn chắc lại có vị ngọt tự nhiên. Sau khi lọc hết gân, thái thịt bò thành từng miếng mỏng rồi ướp với bột ngọt, hạt nêm, sả, xì dầu và một ít mật ong. 

Công đoạn chế biến bò một nắng không quá phức tạp nhưng yêu cầu người làm phải dậy sớm khoảng 4-5h sáng để kịp phơi bò lên giàn trước 7h để đón ánh nắng buổi sáng", bà Hậu giải thích.

Xây dựng thương hiệu cho đặc sản bò một nắng

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cho hay, trên địa bàn huyên hiện có 35 cơ sở kinh doanh, chế biến các sản phẩm thịt bò được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiên an toàn thực phẩm. 

Hàng năm, các cơ sở này cung cấp hàng chục tấn sản phẩm từ thịt bò cho thị trường trong cả nước. Đồng thời, sản phẩm "Bò Krông Pa-Gia Lai" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Đặc sản tết ở Gia Lai là thứ trời nắng to nay phơi mai ăn là vừa miệng, bán đắt tiền- Ảnh 5.

Sản phẩm bò một nắng của cơ sở Tuấn Hậu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được nhiều khách hàng trên cả nước đặt mua, đặc biệt là vào dịp lễ Tết.

Theo ông Châu, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng nhìn thực tế từ các cơ sở chế biến thì thấy lượng tiêu thụ bò một nắng trên địa bàn trong dịp Tết đang rất lớn. Không chỉ các cơ sở mà ngay cả hộ gia đình cũng chế biến bò 1 nắng để bán trong dịp Tết.

"Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các cơ sở kinh doanh tham gia xây dựng thương hiệu OCOP, cấp nhãn mác chứng nhận thương hiệu sản phẩm. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu bò một nắng huyện Krông Pa ngày càng vươn xa", ông Châu nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem