Đầu năm, rau quả, hạt tiêu tấp nập xuất ngoại, nhiều loại trái cây lên đường sang Trung Quốc

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 16/02/2024 09:37 AM (GMT+7)
Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 54 - 55 tỷ USD trước dự báo xuất khẩu nông sản sẽ có thêm nhiều điểm sáng.
Bình luận 0

Rau quả, hạt tiêu tấp nập xuất ngoại

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 15 ngày đầu tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 7.616 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,9 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu 15 ngày đầu tháng 1 bao gồm: Nedspice Việt Nam 897 tấn, Phúc Sinh 660 tấn, Gia vị Sơn Hà 563 tấn, Harris Freeman 548 tấn và Pearl Group 502 tấn.

Đầu năm, rau quả, hạt tiêu tấp nập xuất ngoại, nhiều loại trái cây lên đường sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL

Đầu năm, rau quả, hạt tiêu tấp nập xuất ngoại, nhiều loại trái cây lên đường sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Kết thúc năm 2023, ngành hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu gần 270.000 tấn hạt tiêu, giá trị đạt 912 triệu USD. Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam đã vượt Ấn Độ, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp hàng đầu hạt tiêu vào thị trường Mỹ với hơn 54.000 tấn, chiếm 21%.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York cho biết, có nhiều yếu tố dẫn tới thành công của Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ nhưng nhìn chung có hai yếu tố cơ bản: Thứ nhất, chất lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu. Thứ hai, giá cả của hạt tiêu Việt Nam cũng tương đối cạnh tranh so với các cường quốc xuất khẩu hạt tiêu khác.

Dự báo năm 2024, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đây là cơ hội để hạt tiêu Việt Nam tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới. Tuy nhiên theo ông Hùng, để giữ được vị thế đứng đầu tại thị trường Mỹ, ngành sản xuất chế biến hạt tiêu cần giữ vững chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn xanh, sạch và phát triển bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hạt tiêu Việt Nam như một thương hiệu quốc gia để người tiêu dùng Mỹ khi nói đến hạt tiêu là nghĩ ngay đến Việt Nam.

Trong khi đó, năm 2023 Trung Quốc là nước mua hạt tiêu Việt Nam nhiều nhất, với hơn 60.000 tấn, tăng 174% so với năm 2022, chiếm 22,8% tổng sản lượng hạt tiêu xuất khẩu. Một số địa phương ở Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam có thể kể đến như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc. 

Sang năm mới, dự báo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại Trung Quốc vẫn ở mức cao; du lịch nội địa phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ ăn uống gia tăng, trong đó hồ tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu. Chưa kể, tại thị trường hơn 1,4 tỷ dân này, dư địa dành cho hồ tiêu của Việt Nam vẫn còn lớn khi mà hạt "vàng đen" chưa thâm nhập sâu vào nội địa nước này.

Một dấu ấn không thể không nhắc tới, đó là lĩnh vực rau quả khi đến ngày 18/1/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng 459 triệu USD, tăng trên 89% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 12% so với tháng liền kề trước đó là tháng 12/2023. Trái sầu riêng sẽ vẫn là "át chủ bài" trong năm 2024, đặc biệt là nếu Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết thành công thì loại trái cây này sẽ có thể đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD, gần bằng với tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả hàng năm của thời gian trước.

Chuối, thanh long, dừa lên đường sang… Trung Quốc

Cùng với sầu riêng, các mặt hàng chuối, thanh long, dừa cũng là những loại trái cây đang vào cao điểm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trao đổi với Dân Việt, ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người được mệnh danh là "vua chuối" miền Tây cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay ông vẫn bán chuối đều đặn cho khách hàng Trung Quốc, giá không tăng nhưng sản lượng tiêu thụ khá tốt. Trung bình mỗi tuần, ông Huy xuất khẩu từ 20 - 30 container chuối tươi, chưa kể tiêu thụ tại thị trường trong nước. 

"Trung Quốc có nhu cầu rất lớn đối với chuối và các loại trái cây khác, quan trọng là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không mà thôi. Chuối của Việt Nam trồng ở nhiều nơi, chất lượng tốt nhưng không đồng đều" - ông Huy nói.

Thêm một "điểm sáng" xuất khẩu rau quả là từ cuối năm 2023, Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.

"Tổng kim ngạch xuất khẩu dưa hấu hàng năm khoảng 50 triệu USD, khi có Nghị định thư có thể xuất khẩu dưa hấu sẽ tăng lên đạt 70-80 triệu USD" - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem