Đâu là giới hạn lòng kiên nhẫn của VFF dành cho HLV Troussier?

Trần Oánh Thứ hai, ngày 22/01/2024 18:10 PM (GMT+7)
Có vẻ như chưa bao giờ có nhiều sức ép lên HLV Troussier, lên VFF như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại cần một VFF bản lĩnh như bây giờ.
Bình luận 0

Thua 0 – 1 trước ĐT Indonesia ở lượt trận thứ 2 bảng D, ĐT Việt Nam bị loại khỏi Asian Cup 2024. Đây là 1 đòn mạnh giáng vào lòng tin của người hâm mộ dành cho HLV Troussier. Đã có nhiều ý kiến đòi hỏi phải sa thải vị HLV này. Hợp đồng kéo dài 3 năm của HLV Troussier với VFF ở cương vị HLV trưởng ĐTQG đã có hiệu lực được gần 1 năm. Qua 1 năm đó, HLV này đã làm được gì cho bóng đá Việt Nam?

Đâu là giới hạn lòng kiên nhẫn của VFF dành cho HLV Troussier?

Chúng ta sẽ cùng xem xét thành tích thi đấu của các cấp độ đội tuyển mà ông dẫn dắt trong năm qua.

Đầu tiên đó là đội U23. Sau khi thắng trận trước U23 Lào 2 - 0, U23 Singapore 3 - 1, U23 Malaysia 2 – 1, U23 Việt Nam hòa 1 – 1 với U23 Thái Lan để tiến vào Bán kết. Tại đây, U23 Việt Nam thua tức tưởi trước U23 Indonesia ở phút bù giờ cuối cùng, trong thế hơn người và có cả 2 hiệp phụ để giải quyết trận đấu. Tiếp theo, đội thắng U23 Myanmar 3 – 1 và giành huy chương đồng. Ở vòng loại U23 châu Á 2024, U23 Việt Nam có 2 trận thắng trước U23 Guam 6 – 0, U23 Yemen 1 - 0 và hòa trước U23 Singapore 2 - 2.

Với cấp độ ĐTQG, ông có 7 trận giao hữu, thắng 3 trận trước Hong Kong 1 - 0, Syria 1 - 0, Palestine 2 - 0. Thua 4 trận, trước Trung Quốc 0 - 2, Uzbekistan 0 - 2, Hàn Quốc 0 - 6, Kyrgiztan 1 - 2. Các trận đấu chính thức, ĐTQG thắng Philippines 2 - 0, còn thua 3 trận, trước Iraq 0 - 1, Nhật Bản 2 - 4, và gần đây nhất là thua Indonesia 0 - 1. Tóm lại, đội U23 và ĐTQG Việt Nam dưới tay HLV Troussier trong năm qua có thành tích thi đấu nhạt nhòa. Những chiến thắng của đội bóng đều là có trước các đối thủ được đánh giá là yếu hơn.

Về mặt lối chơi của đội bóng, rất khó để thuyết phục rằng lối chơi kiểm soát của ông đang áp dụng cho U23 và ĐTQG là phù hợp, là tốt, khi kết quả thi đấu của cả 2 cấp độ đội tuyển đang không sáng sủa gì. Về xây dựng lực lượng cho ĐTQG, có người cho rằng, trong khi ông Troussier chưa kịp xây dựng được một lứa cầu thủ đủ năng lực gánh vác đội tuyển, ông lại không sử dụng hết những tài năng bóng đá của Việt Nam đã được phát hiện, thi đấu thành công và đã mang về những thành tích cho bóng đá Việt Nam mấy năm trước dưới thời HLV Park Hang-seo. Hoặc nói cách khác, việc chuyển tiếp thế hệ cầu thủ trong ĐTQG của ông đang gặp vấn đề, không hợp lý và không đem lại kết quả mong muốn.

Như vậy, xét trên những khía cạnh căn bản đó, dường như HLV Troussier chưa làm được gì cho ĐTQG Việt Nam cả.

Quay trở lại với bản hợp đồng mà ông đã ký với VFF, chúng ta thấy với thời hạn 3 năm, đây là bản hợp đồng dài kỷ lục mà VFF đã ký với 1 HLV ĐTQG trong lần ký đầu tiên. Giải thích cho điều này, ở thời điểm công bố hợp đồng, Phó Chủ tịch VFF - ông Trần Anh Tú cho biết: "Vấn đề này chúng tôi cũng đã chia sẻ, đó là mục tiêu lâu dài chứ không phải chỉ giải quyết trước mắt 1 hay 2 năm. Mục tiêu dài là World Cup 2026. Các vấn đề khác về chuyên môn, kinh nghiệm của HLV Troussier chúng tôi cũng đã nói rõ, nhưng về cơ bản là hướng tới Vòng loại World Cup".

Rõ ràng mục tiêu được thống nhất giữa HLV Troussier với VFF là xây dựng nền tảng lâu dài cho bóng đá Việt Nam, mà biểu hiện về mặt kết quả của quá trình xây dựng đó là thành tích ở Wolrd Cup 2026. Cụ thể hơn, đó là lọt qua vòng loại thứ 3. Hoặc chi tiết hơn nữa, đó là giành chiến thắng trước đối thủ trực tiếp là Indonesia sau 2 trận lượt đi và về. Và như vậy, chuỗi thành tích nếu không gọi là kém cỏi thì cũng là không đạt được kỳ vọng của cả U23 và ĐTQG VN chưa bị tính là không đạt được mục tiêu.

Vậy HLV Troussier đã làm được gì trong quá trình 1 năm chuẩn bị cho mục tiêu lâu dài của bóng đá Việt Nam?

Nhớ lại thời gian cho tới khi VFF kết thúc hợp đồng với HLV Park Hang-seo, cả VFF, truyền thông và người hâm mộ Việt Nam chưa ai nhắc tới một xu hướng của bóng đá hiện đại, đó là lối đá kiểm soát. Chúng ta chỉ đi tìm 1 HLV với 1 kỳ vọng luôn đúng, nhưng đầy mơ hồ, đó là "chiến thắng". Ai đó cũng được, miễn là đem về chiến thắng.

Chúng ta đã chứng kiến các cầu thủ ĐTQG Việt Nam thi đấu vất vả thế nào, phải đá kiểu lăn xả ra sao trước lối đá kỹ thuật, phối hợp, cầm bóng rất khó chịu và hiệu quả của ĐT Thái Lan. Thực tế, những trận đấu từ thời đó, ĐT Thái Lan đã thực hành lối đá kiểm soát. Chỉ có điều, khi đó, chúng ta chưa biết gọi tên lối đá đó thôi. Ở Đông Nam Á, Thái Lan là đội bóng đầu tiên đi theo xu hướng này, và họ đã có những thành công vững chắc. Bằng khả năng kiểm soát bóng, kiểm soát thế trận, chứ không phải kiểu đá chém đinh chặt sắt hay lăn xả, đã giúp Thái Lan có ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Kể cả vào thời kỳ hoàng kim của ĐT Việt Nam với thế hệ cầu thủ vàng dưới tay HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam cũng chưa bao giờ thắng được ĐT Thái Lan ở một trận đấu chính thức.

Đâu là giới hạn lòng kiên nhẫn của VFF dành cho HLV Troussier?- Ảnh 1.

HLV Troussier. Ảnh: VFF.

Chính HLV Troussier là người đầu tiên đưa khái niệm "lối đá kiểm soát" đến với bóng đá Việt Nam. Tuy thực tế là nếu không có HLV Troussier, rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta phải tiếp cận với khái niệm này, đơn giản vì nó là xu hướng của bóng đá hiện đại, xu hướng của những đội bóng tham vọng. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Thái Lan, chính đối thủ đánh bại chúng ta ở vòng loại Asian Cup 2024, ĐT Indonesia là 1 minh chứng cụ thể nhất cho việc đi theo xu hướng này. Chúng ta đã thấy Indonesia sử dụng lối đá kiểm soát ra sao trước ĐT Việt Nam. Kể cả trước Iraq, Indonesia cũng đá theo kiểu kiểm soát. Họ cầm bóng phối hợp, pressing và cướp bóng ngay trong chân hậu vệ Iraq.

Đành rằng "lối đá kiểm soát" là xu hướng của bóng đá hiện đại, là lối đá của mọi đội bóng có tham vọng sử dụng, nhưng việc áp dụng lối đá đó cho thực tế bóng đá Việt Nam của HLV Troussier ra sao?

Không bàn đến thành tích thi đấu có thể coi là kém cỏi của U23 và ĐTQG Việt Nam đã liệt kê ở trên, chúng ta không thể phủ nhận rằng, các cầu thủ Việt Nam đã có những tiến bộ rõ ràng trong việc vận hành lối đá này trong thực tế thi đấu. Việc các cầu thủ của chúng ta cầm bóng, phối hợp trước các đối thủ Iraq, Nhật Bản… ở những trận gần đây là khác hẳn với những gì các cầu thủ thể hiện trong những trận đầu tiên khi HLV Troussier mới dẫn dắt đội bóng. Thế hệ cầu thủ kế cận cũng được phát hiện và đào tạo, tuy chưa đủ. Trước đây, chúng ta gần như không nghe tên Đình Bắc, Phan Tuấn Tài, Thái Sơn, Minh Trọng… Nhưng nay các cầu thủ này đã thi đấu rất hay trong màu áo của ĐT Việt Nam. Họ còn được giới chuyên môn nước ngoài chấm điểm, đánh giá rất cao qua sự thể hiện của mình ở các trận đấu ýij Asian Cup.

Để lứa cầu thủ trẻ mới phát hiện này được chín hơn, để lối đá kiểm soát bóng được vận hành nhuần nhuyễn hơn, hiệu quả hơn, HLV Troussier và các cầu thủ cần có đủ thời gian luyện tập, thực hành. Điều này đòi hỏi lòng kiên nhẫn của VFF và của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nhưng bao nhiêu thời gian là đủ? Một năm có vẻ là quá đủ để chứng minh năng lực của 1 HLV?

Nhân nói về lòng kiên nhẫn, chúng ta cùng xem xét một ví dụ về lòng kiên nhẫn và kết quả của nó. Không phải từ đâu xa, từ chính đối thủ vừa đánh bại chúng ta, ĐT Indonesia.

Đâu là giới hạn lòng kiên nhẫn của VFF dành cho HLV Troussier?- Ảnh 2.

HLV Shin Tae-yong của ĐT Indonesia. Ảnh: AFC/

Năm 2019, LĐBĐ Indonesia ký hợp đồng với HLV Shin Tae-yong với chiến lược dài hạn và bản hợp đồng 4 năm. HLV này bắt tay vào chiến lược trẻ hóa lực lượng, thay đổi lối chơi của đội bóng, nhằm tới mục tiêu lâu dài. Và như chúng ta đều biết, trong suốt gần 4 năm, cho tới năm 2023, trước khi U23 Indonesia đánh bại U23 Việt Nam, sau đó chiến thắng U23 Thái Lan trong trận chung kết giành HCV SEA Games 32, U23 hay ĐT Indonesia không có nổi 1 thành tích đáng kể nào. Họ không bao giờ thắng nổi Thái Lan hay Việt Nam. 

Trong 4 năm đó, người Indonesia nghĩ gì? Thực tế là trước kết quả kém cỏi của đội tuyển nước nhà, ở Indonesia đã có rất nhiều tiếng nói, nhiều áp lực yêu cầu thanh lý hợp đồng với vị HLV Shin Tae-yong. Đến mức chính người hâm mộ Việt Nam cũng không hiểu nổi, tại sao Indonesia thua nhiều thế mà vẫn thấy ông này tại vị. Nhưng LĐBĐ Indonesia đã rất kiên nhẫn, rất kiên định bảo vệ con đường của mình. Họ tin vào chiến lược đã đề ra cũng như tin vào HLV Shin Tae-yong. Và như chúng ta đã thấy, Indonesia bây giờ đã là đội bóng hùng mạnh ở Đông Nam Á. Giả sử sau 1 hay 2 năm không có kết quả tốt, LĐBĐ Indonesia không chịu nổi áp lực của dư luận, họ sa thải Shin Tae-yong, liệu Indonesia có kết quả như ngày hôm nay?

So sánh với ví dụ về lòng kiên nhẫn và kiên định đó, 1 năm qua của HLV Troussier dường như chưa hề dài. Thực tế, cả VFF và HLV Troussier đều đã lường trước được những khó khăn trên con đường thay đổi để phát triển, đặc biệt là nếu trước mắt không có những thành tích để làm vừa lòng dư luận. Và thất bại ở Asian Cup 2024 này cũng không có gì là quá bất ngờ cả. Nhưng không ai lạ gì bóng đá Việt Nam, cũng không ai lạ gì cách yêu bóng đá của người Việt Nam cả. Có vẻ như chưa bao giờ có nhiều sức ép lên HLV Troussier, lên VFF như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại cần một VFF bản lĩnh như bây giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem