Đau đầu khi xoay xở vốn đầu tư cho những dự án logistics quy mô lớn

Tường Nguyên Thứ ba, ngày 26/09/2023 13:26 PM (GMT+7)
Gần đây xuất hiện dồn dập các kế hoạch sẽ xây dựng những trung tâm logistics quy mô lớn ở Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế. Ngoài các vấn đề như bảo đảm pháp lý và đánh giá tác động đến môi trường, việc thu xếp vốn để thực hiện dự án cũng là vấn đề "hóc búa".
Bình luận 0

Điển hình là YCH của Singapore, tập đoàn lớn về phát triển logistics ở Đông Nam Á.

Tháng 2/2022, tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển ký biên bản ghi nhớ với YCH về nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư và triển khai dự án logistics có quy mô 71,2ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là bước kế tiếp sự kiện khởi công dự án Siêu cảng - Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc quy mô trên 83 ha được T&T Group và YCH tổ chức cuối năm 2021.

Đau đầu khi xoay xở vốn đầu tư cho những dự án logistics quy mô lớn - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Siêu cảng - Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Nguồn: T&T Group

Tổng vốn đầu tư ban đầu là hơn 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, "siêu cảng" tại Vĩnh Phúc là cái tên đầu tiên của Mạng lưới Logistics Thông minh ASEAN (ASEAN Smart Logistics Network - ASLM) có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng khô ICD để cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Song song đó, T&Y SuperPort Vĩnh Phúc (liên danh giữa T&T và YCH để thực hiện dự án Vĩnh Phúc) và Công ty Tài chính Quốc tế IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới) ký kết thỏa thuận hợp tác tại Singapore để thu xếp vốn cho ICD Vĩnh Phúc.

Theo đó, IFC với thế mạnh đầu tư toàn cầu được ủy thác từ T&T và YCH để thu xếp vốn lên tới 75% tổng mức đầu tư cho ICD Vĩnh Phúc, gồm khoản vay từ IFC và các khoản vay khác do IFC huy động.

Khi khởi công ICD Vĩnh Phúc cuối năm 2021, T&T và YCH cho biết kế hoạch là đưa vào vận hành giai đoạn 1 vào cuối năm 2022 và giai đoạn 2 vào cuối năm 2024. Thực tế hiện nay, liên danh T&Y SuperPort Vĩnh Phúc vẫn đang xây dựng giai đoạn 1. Trong khi đó, IFC chưa công bố khoản cho vay nào từ họ và cũng chưa có các khoản vay khác do IFC thu xếp.

Bên cạnh đó, YCH và T&T đã ngưng theo đuổi dự án logistics tại huyện Cần Giuộc, Long An, từng được liên danh này kỳ vọng sẽ bổ trợ cho dự án ICD Vĩnh Phúc nhờ phân bổ đều về địa lý: Một ở miền Bắc sát với Hà Nội và một ở miền Nam ngay cạnh TP.HCM.

Tại buổi làm việc giữa bà Chan Yoke Ping, CEO của T&Y SuperPort Vĩnh Phúc, và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành ở Vĩnh Phúc ngày 7/9/2023, bà Chan cho biết tập đoàn công nghệ và máy tính Dell (Mỹ) là khách hàng đầu tiên ký kết hợp đồng sử dụng dịch vụ logistics của ICD Vĩnh Phúc, và dự án đã kết nối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn khác. Tuy nhiên, thông tin về thời gian vận hành giai đoạn 1 đến nay chưa được cập nhật.

Trước đó, ngày 12/8/2022, thỏa thuận hợp tác chiến lược nhiều bên gồm T&T Group, YCH, ngân hàng SHB, Vietnam Airlines và Tổng Công ty đường Đường sắt Việt Nam (VNR) được ký kết với mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng quy mô toàn diện cho dự án ICD Vĩnh Phúc.

Tại sự kiện, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của T&T Group, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB cho biết các bên liên quan hướng tới việc phát huy tối đa sự kết nối trong các lĩnh vực có thế mạnh.

Cần 6,7 tỷ USD cho trung tâm lớn nhất Việt Nam

Nếu so với dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu), ICD Vĩnh Phúc kém xa về quy mô lẫn vốn đầu tư.

Theo thông báo từ Nhà Trắng ngày 11/9/2023 nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, công ty điều hành cảng SSA Marine tại thành phố Seattle (Mỹ) và công ty Gemadept của Việt Nam sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ 6,7 tỷ USD với diện tích hơn 2.200ha.

Quy mô này sẽ đưa Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trở thành trung tâm logistics lớn nhất Việt Nam sau khi hoàn thành xây dựng.

Đau đầu khi xoay xở vốn đầu tư cho những dự án logistics quy mô lớn - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Nguồn: Công ty tư vấn thiết kế PortCoast TP.HCM

Dự án nằm tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ với 2 phân khu chính là trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào tháng 9/2020, điều chỉnh cục bộ vào tháng 4/2022.

Đến nay, SSA Marine và Gemadept chưa công bố ý định hợp tác như Nhà Trắng thông báo. Ngoài Gemadept và SSA Marine, được biết, có 7 nhà đầu tư khác đang quan tâm đến dự án.

Đó là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco; Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế - ITC (Liên doanh Geleximco - ITC); Liên danh Việt Nam - EU giữa Besix - Boskalis - Hateco; Công ty Cổ phần IMG Innovations; Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời; Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.

Theo một số chuyên gia, tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD cho dự án không phải là con số nhỏ và tổng diện tích hơn 2.200ha phải đòi hỏi nhiều khâu liên quan.

Ally Logistic Property ì ạch

Tháng 1/2022, Ally Logistic Property (ALP), nhà phát triển hạ tầng logistics ở Đài Loan, cho biết đang nhắm vào thị trường Việt Nam và Đông Nam Á tiếp theo khoản đầu tư 1 tỷ USD vào Malaysia vào cuối năm 2021. Theo kế hoạch của ALP, Việt Nam sẽ là thị trường lớn nối tiếp Malaysia.

Ông Charlie Chang, CEO của ALP, khẳng định lúc ấy: "Malaysia mới chỉ là khởi đầu. Chúng tôi muốn đầu tư vào Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Bây giờ, dự án ở Malaysia đã bắt đầu, chúng tôi sẽ mở rộng đến 3 thị trường này".

Ông cũng cho biết ALP chuẩn bị công bố kế hoạch mở rộng sang Việt Nam vào năm 2022. Tuy nhiên, đến bây giờ, ALP chưa công bố gì liên quan đến đầu tư tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem