Đạo diễn Phi Tiến Sơn dựng khu phố 6000m2 để tái hiện Hà Nội xưa trong "Đào, Phở, Piano"

Thủy Vũ Thứ sáu, ngày 23/12/2022 09:30 AM (GMT+7)
Dân Việt có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phi Tiến Sơn về bộ phim "Đào, Phở, Piano" lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm mở màn cho toàn quốc kháng chiến.
Bình luận 0

Phim Đào, Phở, Piano là câu chuyện về tình yêu Hà Nội và phẩm chất nghĩa khí của người Hà Nội được đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn ấp ủ kịch bản trong 10 năm qua và hiện đang bấm máy những cảnh quay đầu tiên.

Lâu lắm rồi mới có một bộ phim chiến tranh lấy bối cảnh phố cổ Hà Nội. Khán giả yêu điện ảnh nói chung và người Hà Nội nói riêng có thể trông đợi gì ở bộ phim này, thưa đạo diễn Phi Tiến Sơn?

- Chúng ta đều biết, cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội cuối năm 1946, đầu năm 1947 trong 60 ngày đêm rất đặc biệt. Đối lập với quân đội Pháp có vũ khí hiện đại thì người dân Hà Nội với vũ khí thô sơ, chiến đấu theo kiểu dàn trận đánh nhau.

Nhưng ở trong cuộc chiến đó, chất người Hà Nội được thể hiện nổi bật, đậm nét. Họ yêu thành phố của mình, mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau và cùng đồng lòng bảo vệ nó. Đào, Phở, Piano tuy là phim chiến tranh nhưng không phải nói về người Hà nội dũng cảm mà nói về chất Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình yêu Hà Nội. Tôi hy vọng khán giả có thể thấy được những điều đó.

Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn dựng khu phố 6000m2 tái tạo Hà Nội xưa trong "Đào, Phở, Piano" - Ảnh 1.

Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Được biết, phim Đào, Phở, Piano chủ yếu xảy ra trên một chiến lũy thuộc Liên khu phố 1 (phố cổ Hà Nội) trong một ngày đêm sau Tết Đinh Hợi 1947. Đây sẽ là thử thách cả về bối cảnh và "chất" Hà Nội (ở thời điểm đó) cho những người làm phim?

- 70 năm đã qua, thành phố đã thay đổi rất nhiều. Vì thế, chúng tôi sẽ dựng một khu phố trên mặt bằng diện tích gần 6000m2 với những ngôi nhà nguyên mẫu còn tồn tại ở Hàng Bè, đảm bảo vừa đúng là góc phố Hà Nội xưa, vừa tái tạo không khí của chiến tranh.

Các nhân vật trong phim cũng rất điển hình: Một cô tiểu thư Hà Nội, một ông họa sĩ già, một ông bán phở, có một ông Tây học nhà giàu… Mỗi nhân vật có một xuất thân, tính cách khác nhau và có cách hành xử khác nhau. Và trong bối cảnh đặc biệt của bộ phim này, họ là những người ở lại thành phố, hết lòng, hết sức bảo vệ tình yêu với Hà Nội mặc dù biết rằng điều đó có thể phải trả giá bằng cái chết.

Trong số các nhân vật trên, có nguyên mẫu nào ngoài đời được đưa vào phim không, thưa đạo diễn?

- Tất cả các nhân vật trong phim đều hư cấu. Sở dĩ có nhân vật họa sĩ là vì thời điểm đó, chúng ta có những gương mặt nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... Các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ thì luôn có mặt ở Hà Nội từ xưa đến nay, các tiểu thư Hà Nội thì khá điển hình.

Hình ảnh ông giáo cũng thế. Cậu bé đánh giày thì thời đại nào cũng có, thành phố nào cũng có. Nói chung đó là những nhân vật điển hình. Tuy nhiên, vấn đề không phải là họ chính xác là ai mà là họ sống như thế nào trong hoàn cảnh đó.

Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn dựng khu phố 6000m2 tái tạo Hà Nội xưa trong "Đào, Phở, Piano" - Ảnh 2.

"Mỗi nhân vật có một xuất thân, tính cách khác nhau và có cách hành xử khác nhau...",đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ với Dân Việt về bộ phim "Đào, Phở, Piano". (Ảnh: NSX)

Tại sao anh lại đặt tên cho một bộ phim có chủ đề chiến tranh là Đào, Phở, Piano vì nghe rất lãng mạn và dường như "không liên quan"?

- Đây là những khái niệm về Hà Nội ở các khía cạnh: Thưởng thức, ăn. Thật ra, tất cả các nhân vật trong phim này đều như đang trong cuộc dạo chơi. Chất của người Hà Nội là không có gì quan trọng cả. Bố tôi cũng là một trong những người tham gia vào cuộc chiến đó. Ông kể lại ngày ấy đi đánh nhau mà tìm mãi vẫn không thể mua đâu được khẩu súng đành phải kiếm một con dao to nhất ở nhà mang đi.

Chúng ta cứ nghĩ lý tưởng là cái gì đó to lớn nhưng qua câu chuyện bố tôi kể lại, tôi lại thấy lý tưởng cao đẹp của con người chính là lòng yêu nước, và cũng chỉ có dân Hà Nội mới dám làm điều đó. Họ chỉ muốn bảo vệ mảnh đất nơi họ đã và đang sinh sống, nơi có gia đình, người thân của họ.

Anh đặt mục tiêu gì khi thực hiện bộ phim này? Tri ân Hà Nội, dành tặng cho chính mình – một người Hà Nội hay vì lý do gì đạo diễn Phi Tiến Sơn làm phim Đào, Phở, Piano?

- Tôi được sinh ra trên mảnh đất này. Hà Nội đã cưu mang, bao bọc và chứa đựng nhiều kỷ niệm về gia đình, người thân, bạn bè của tôi. Và tôi nghĩ vậy thì tại sao mình lại không làm một phim về Hà Nội. Từ ý tưởng đó, tôi tìm kiếm những điều hay, một đặc trưng của Hà Nội. Và cuối cùng ra được chất của Hà Nội – chất chơi, được thể hiện ở tính cách các nhân vật trong bộ phim này nhưng phải đặt đúng trong bối cảnh và thời điểm. 

Như câu chuyện ca sĩ Tuấn Hưng hát trên ban công nhà anh ấy. Tôi cho đó chính là cách thể hiện tình yêu với Hà Nội của Hưng: hồn nhiên, tự do, không phải vì tiền, cũng không phải để nổi tiếng vì anh ấy đã nổi tiếng rồi. Khán giả nghe rất đông vì họ yêu anh ấy, yêu cái cách thể hiện tình yêu của anh ấy. Mà tôi nghĩ, chỉ có ban công nhà ở Hồ Gươm thì anh ấy mới hát được chứ ra nơi khác, chắc chắn không thể nào hát được. Cho nên có những thứ phải đặt đúng chỗ thì mới trở thành đáng yêu đáng nhớ, đáng trân trọng.

Cảm ơn đạo diễn Phi Tiến Sơn đã chia sẻ thông tin!



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem