Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đề nghị loại trừ Đài Truyền hình ra khỏi đối tượng phổ biến phim trên không gian mạng

Thủy Vũ Thứ tư, ngày 28/09/2022 06:47 AM (GMT+7)
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến trong Hội nghị - Hội thảo Triển khai Luật Điện ảnh nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và Dự thảo Nghị định sửa đổi.
Bình luận 0

Cần làm rõ tỉ lệ 30% thời lượng phát sóng phim Việt 

Đạo diễn Thanh Hải cho biết, hiện nay chắc chỉ có duy nhất Đài Truyền hình Việt Nam mới có đủ nguồn lực để sản xuất phim, đạt mức 30% thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam. Các đài truyền hình khác như: Đài Truyền hình Vĩnh Long, Đài Truyền hình TP.HCM đều rất khó để đạt tới tỉ lệ này.

"Quy định phát sóng 30% phim Việt Nam cần được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam trong nước. Điều này để đảm bảo tính khả thi của quy định, tránh trường hợp cung không đủ cầu, tránh tăng giá bản quyền phim trong khi chưa chắc phim có chất lượng đủ tốt", NSƯT Đỗ Thanh Hải chia sẻ.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đề nghị loại trừ Đài Truyền hình ra khỏi đối tượng phổ biến phim trên không gian mạng - Ảnh 1.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tại Hội nghị - Hội thảo Triển khai Luật Điện ảnh. Ảnh: Thủy Vũ

Cụ thể, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đưa ra ý kiến: Cần làm rõ yêu cầu phát sóng phim Việt Nam trên hệ thống truyền hình trong các trường hợp đặc biệt như nêu tại Điều 11 là quy định có tính chất bắt buộc tự động hay không? Và cần định nghĩa ngày lễ của đất nước là những ngày nào, hay sẽ chỉ theo yêu cầu cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại từng thời điểm. Bên cạnh đó, đề nghị nhóm soạn thảo xem xét bổ sung giải pháp xử lý thay thế trong tình huống không tồn tại các phim với thể loại và chủ đề như được yêu cầu. Các đơn vị biên tập kênh và phát sóng cũng cần có thời gian báo trước để có thể chuẩn bị các phim Việt Nam theo yêu cầu.

Với quan điểm nêu trên, ông Đỗ Thanh Hải chia sẻ thêm, Khoản 2 nêu Thời lượng phát sóng phim truyền Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình. Ông đề nghị cần xem xét lại trong bối cảnh hiện nay ở một số khía cạnh như sau như: Cần làm rõ tỉ lệ 30% sẽ chỉ áp dụng đối với các kênh truyền hình quảng bá hay cả các kênh truyền hình trả tiền, các gói dịch vụ VOD (trong bối cảnh đài truyền hình đang cung cấp cả các kênh truyền hình trả tiền với nhiều kênh chuyên biệt theo đối tượng khán giả, đặc biệt kênh chuyên phim nước ngoài và VOD).

Theo ông Hải, quy định về tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam là 30% theo quy định tại Dự thảo cần phải được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam. Trên thực tế, tỷ lệ phát sóng 30% phim Việt Nam là tỷ lệ rất khó khả thi với các đài truyền hình trong nước, đặc biệt là những đài có quy mô vừa và nhỏ cũng như các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền. 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng cho rằng, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc mua bản quyền phim Việt Nam đến từ các hạ tầng OTT và các hạ tầng streaming xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Với tiềm lực tài chính mạnh cho phép mua độc quyền nội dung trong thời gian dài hạn (5-10 năm), những hạ tầng này hiện giữ quyền 80% tổng số phim Việt chiếu rạp trong vòng 4 năm trở lại đây.

Với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT, các công ty sản xuất phim cũng xây dựng app OTT của riêng mình và giữ quyền độc quyền những phim do mình sản xuất để phát trên hạ tầng của mình mà không chia sẻ bản quyền với các đơn vị phát sóng như trước đây. Đây cũng là xu hướng của ngành nghe nhìn toàn cầu (trường hợp của Disney, HBO...) và sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong thời gian sắp tới tại Việt Nam. Khó khăn trong việc mua bản quyền sẽ buộc các kênh truyền hình trong nước đầu tư sản xuất phim để đảm bảo tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhận định, để đảm bảo tính khả thi của quy định về tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam và sự đồng bộ với chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh trong nước, Đài Truyền hình Việt Nam đề xuất: Dự thảo quy định tỉ lệ phát sóng phim truyện Việt Nam là 10% thay vì 30% (trong trường hợp quy định này áp dụng đối với toàn bộ hệ thống các kênh truyền hình, bao gồm truyền hình trả tiền và tổng thời lượng phát sóng phim được hiểu là tổng thời lượng phát sóng phim truyện).

Dự thảo quy định các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam; Dự thảo đồng thời quy định lộ trình cho việc tuân thủ tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam đối với các đài truyền hình, các nền tảng nội dung số trong nước và các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới chứ không ấn định ngay tỉ lệ 10%; Dự thảo cũng cần đưa ra những chính sách phù hợp với các Đài truyền hình có quy mô nhỏ và kênh truyền hình phát trên hệ thống truyền hình trả tiền.

Về lộ trình áp dụng tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, VTV đề xuất nghiên cứu xây dựng phương án tỉ lệ tăng dần theo thời gian, có lộ trình theo từng giai đoạn và tính đến tình hình sản xuất phim Việt Nam tại thời điểm đó. Đơn vị nào đạt hoặc vượt tỉ lệ theo quy định trước thời hạn sẽ được hưởng ưu đãi như thuế...

Về các biện pháp khuyến khích sản xuất phim Việt Nam, ông Đỗ Thanh Hải cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu bài học một số nước, VTV đề nghị xem xét có thể quy định ưu đãi thuế và các ưu đãi khác như: Hoàn một phần chi phí sản xuất phim đối với các dự án phim sản xuất trong nước (từ các nhà sản xuất trong nước hay các nhà đầu tư và sản xuất nước ngoài) đạt những tiêu chí nhất định như sử dụng lượng lao động lớn, quảng bá cho du lịch địa phương, đạt chất lượng tốt, phim xuất khẩu... để khuyến khích đầu tư từ nguồn vốn trong và ngoài nước cho chất lượng và số lượng phim Việt Nam; chính sách ưu đãi thuế cho những đơn vị có tỉ trọng phát phim Việt Nam lớn trong tổng thời lượng phát sóng...

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đề nghị loại trừ Đài Truyền hình ra khỏi đối tượng phổ biến phim trên không gian mạng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông tại Hội nghị - Hội thảo Triển khai Luật Điện ảnh. Ảnh: Thủy Vũ

Đài Truyền hình - Phát thanh nên loại trừ khỏi đối tượng, phạm vi áp dụng về phổ biến phim trên không gian mạng

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng đưa ra ý kiến của mình liên quan đến phân loại và phổ biến phim trên không gian mạng. 

Theo ông Hải, Điều 13 quy định: Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên mạng phải sử dụng tài khoản do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) cấp quyền truy cập để đăng tải hoặc cập nhật thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim thông qua Hệ thống dữ liệu về phân loại phim của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh).

Ở góc độ của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Hải cho biết điều này đang gây vướng mắc trong thực tế. Hiện nay, nhiều đài truyền hình, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam với chức năng là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, ngoài các kênh truyền hình đều có hệ thống phân phối chương trình trên internet. Ví dụ: Các báo điện tử, chuyên trang báo điện tử, các nền tảng ứng dụng... được tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và Nghị định về phát thanh, truyền hình.

Điều 20 Luật Điện ảnh quy định cơ quan báo chí được phép phổ biến phim trên hệ thống truyền hình khi có giấy phép hoạt động truyền hình và có Quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình Việt Nam hoặc phổ biến phim trên gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu, trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng. Việc cấp và thu hồi Quyết định phát sóng do người đứng đầu cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình quyết định theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu từ Điều 20 Luật Điện ảnh và căn cứ tình hình hoạt động báo chí của Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị cần loại trừ các Đài Phát thanh - Truyền hình ra khỏi đối tượng, phạm vi áp dụng của Điều 12 và 13.

Với Điều 14 Khoản 3 điểm c, quy định: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của người sử dụng dịch vụ; tạm khóa hoặc gỡ bỏ các nội dung bị phản ánh, khiếu nại, báo cáo nếu phản ánh, khiếu nại, báo cáo là đúng.

Ông Đỗ Thanh Hải cho rằng: "Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc tranh luận, bất đồng quan điểm dẫn đến các phản ánh, khiếu nại, báo cáo rất đa dạng. Do đó, nên xem xét bổ sung: phải tạm khóa hoặc gỡ bỏ nội dung bị phản ánh, khiếu nại, báo cáo nếu các phản ảnh, khiếu nại, báo cáo có căn cứ xác đáng, hợp pháp hoặc có phân xử của cơ quan có thẩm quyền".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem