Đào đất ăn như kẹo... chuyện kỳ lạ ở nhiều vùng quê

Đỗ Lăng Quân Chủ nhật, ngày 11/02/2024 16:00 PM (GMT+7)
Ở nhiều vùng tại Việt Nam, ở nhiều quốc gia, người dân còn có thói quen lạ… là ăn đất theo đúng nghĩa đen.
Bình luận 0

Mỗi lúc đến một vùng đất mới sinh sống, mỗi lần chuyển nhà mới, hoặc mỗi lần "rũ áo phong sương trên quán trọ" ở vùng xa xôi nào đó (có thể tít bên kia bán cầu)… - tôi - hay bạn hẳn đều tự hỏi: Đã bao nhiêu người đã sinh sống rồi chia tay cái chỗ mình đang gắn bó lúc này đây? 

Các cụ dạy: "Đất trăm người ở, ruộng trăm người cày", có thể nơi bạn ở vốn là một nghĩa địa hoặc là cù lao ở giữa một con sông nước xiết, hoặc là cả hai "bãi bể nương dâu" ấy trong các giai đoạn khác nhau của nghìn năm, nhiều vạn đến cả triệu năm lịch sử...

Khi ông thành hoàng đi theo "dòng trôi" của đất bồi lở

Dòng sông Hồng đỏng đảnh bồi lở, đến mức: các ngôi đình làng cứ mang tên trùng nhau ở hai tỉnh, dọc hai bờ con sông lớn nhất châu thổ Bắc Bộ. Là bởi vì sông chảy từ vùng Vân Nam của Trung Quốc, kéo đến cửa Ba Lạt ở Thái Bình đã có chiều dài 1.100km, trong đó hơn 500km uốn khúc trên đất Việt Nam. Sông Cái đến quê tôi sau khi thôn tính cả sông Đà vào bụng nước của mình ở ngã ba trên phía Trung Hà rồi. 

Ngoạm ít năm thôi, sông ăn hết làng mạc bên hữu ngạn, dân mất đất cày cấy, mất nhà cửa đình chùa. Họ kêu than, vua xưa bảo: đất của các ngươi, trước ở bên này, giờ ụp xuống sông, thì kiểu gì nó cũng quẩn sang bên kia để bồi lắng. Chứ nó chạy đi đâu được. Sang đó mà lập ấp, dựng một toà đình mới, ta có sắc phong ngay.

Đào đất ăn như kẹo... chuyện kỳ lạ ở nhiều vùng quê- Ảnh 1.

Câu chuyện của bà Lạc tại Bảo tàng Dân tộc học sau khi trình diễn chế biến đất ăn và ăn đất khiến tôi (trái) bật cười. T.G

Vài đời sau, chắc đến ông vua khác rồi, bên kia lại bị sông ngoạm (lở) mất làng mạc, nhà cửa, đình điếm - thế là họ lại di sang bên bồi để ở và xây dựng đình làng. Từ bấy, lúc vào nghề báo năm 1998, tôi đã đi viết về những ngồi đình, các cái xóm có tên trùng nhau ở hai bên bờ sông, các cộng đồng dân cư vốn có chung huyết thống, thờ chung một ông thành hoàng, (đôi khi) cứ zích zắc "nhân bản" trùng tên dọc hai bên bờ sông Hồng…

Hành trình đất lở đất bồi, hành trình người dân đi tìm và gắn bó với đất là như thế. "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Sống lâu thì người ta "về với đất", giờ hoả táng thì chung quy, cơ bản vẫn là đem "yểm" xương cốt hoặc bột xương cốt xuống đất mẹ bao dung. Cánh đồng làng là nơi cho mùa vàng, cũng là nơi nương náu của mọi linh hồn sau hành trình kiếp phận trên trần gian. Người quê tôi gắn bó với nhau, có khi đôi trai gái không lấy được nhau khi trai trẻ, họ hẹn nhau khi góa bụa về già ở chốn quê sau cái đời đi bạt gió. Rồi lại hẹn nhau trên cánh đồng làng. Nơi vĩnh viễn không có sự chia xa nào nữa.

Đào đất ăn như kẹo... chuyện kỳ lạ ở nhiều vùng quê- Ảnh 2.

Hình ảnh đầu tiên về tục ăn đất ở miền núi A Pa Chải được tôi công bố trên báo chí. Đ.D.H

Ở các vùng sông nước mênh mông như ĐBSCL, bao đời trù phú. Hồi mới tập tễnh khám phá miền Tây Nam Bộ, khi vẫn còn tuổi đôi mươi, tôi thắc mắc: sao mỗi đô thị xứ này cứ đều đặn cách nhau sáu bảy tám chục cây số nhỉ? Sài Gòn - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Sa Đéc - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau… Tôi thử đi, tôi thử đo, tôi hỏi các nhà nghiên cứu, thì hoá ra: xưa, hồi "bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền", lưu dân giong thuyền từ xứ nọ sang xứ kia, đi từ sáng đến tối phải nghỉ ở một vở đất, một khu tá túc ăn ngủ nào đó (sau này là khu tiếp nhiên liệu, giải trí, giao lưu, mua bán nữa). Thế thì tốc độ thuyền hồi đó, đi một ngày được khoảng sáu, bảy, tám chục cây số. Họ nghỉ, thì phải có dịch vụ, thế là hình thành một khu thị tứ, phình ra tí nữa là một thị trấn, quy mô thêm chút đỉnh lại thành một huyện, tiến tới là một tỉnh.

Đào đất ăn như kẹo... chuyện kỳ lạ ở nhiều vùng quê- Ảnh 3.

Làm đất cấy lúa ở huyện Giang Thành, Kiên Giang. Ảnh: Cao Kỳ Nhân

Ba chữ "cánh đồng làng" bao giờ cũng vang lên trong những người con xa xứ cùng với sự ấm áp và nỗi niềm "ta về với mẹ ta thôi". "Gió đồng rửa mặt tha hương /Ta về quê chữa vết thương giang hồ".

Tương tự, ở miền núi phía Bắc, chúng tôi cứ đi bộ từ tinh mơ, cơm đùm cơm nắm, vừa đi vừa phát đường đuổi vắt, lúc tối giời là y như có một cái chòm dân cư hiện ra. 

Tôi ào ra suối tắm, bỏ cái ba lô, cái áo khoác ở vai ghế nhà nào đó. Là tự khắc bà con sẽ nấu cơm, dọn giường, bữa đến ra suối hú gọi cán bộ về ăn và kin lẩu (uống rượu). "Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường", là hành trình và phong cách của những kẻ leo núi như tôi lúc bấy giờ. Và tôi hiểu, "đất quê ta mênh mông", từ sự gắn bó với đất đai, với không gian sống của mỗi thành viên, mỗi nhu cầu trong cộng đồng; mà mọi thứ ra đời theo một quy luật vừa dễ hiểu vừa kỳ thú như thế.

Ở đất, ăn đất

"Đất chăng dây, cây dựng sào", đó là quy định "dân gian" trong xử lý các vấn đề đất đai, tranh chấp, chia tài sản. "Về với đất" là bà con ta ấm áp nói về sự chia xa cõi trần gian tục lụy.

Ở nhiều vùng tại Việt Nam, ở nhiều quốc gia, người dân còn có thói quen lạ… là ăn đất theo đúng nghĩa đen. Tôi phát hiện điều này tình cờ vào năm 2002, khi đi bộ dọc biên giới Việt Trung, có mặt ở nga ba biên giới A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vợ của ông Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải, cùng cô cháu gái tên là Pó Sờ gùi đồ giúp tôi khi đi bộ vượt núi băng rừng nhiều ngày trời. Lúc ngồi nghỉ, bà và Pó Sờ cứ moi các viên đất từ vách núi ra ăn ngon lành. Như người ta ăn bánh bao hay kẹo lạc vậy. Tôi phỏng vấn, về mở rộng tìm hiểu, hoá ra ở Hà Nội có chuyên gia đã nghiên cứu ban đầu về chuyện này, với huyền tích từ thời Hùng Vương.

Sau bài báo đầu tiên, tôi đón tiếp nhiều chuyên gia ở các viện nghiên cứu, chúng tôi tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề này, có chuyên gia văn hoá, lịch sử, dân tộc, có cả các nhà dinh dưỡng học... Hóa ra, trong một số hoàn cảnh và ở nhiều vùng quê đặc trưng, đất ăn cũng "tốt cho sức khoẻ" và bổ sung nhiều vi chất cho cư dân.

Có nhiều nhà báo cùng vào cuộc phân tích, đặc biệt, VTV3 làm chương trình "Chuyện lạ Việt Nam" xung quanh cuộc trình diễn nghề "nướng" (hun khói cho thơm) đất bằng lá mua, lá sim để ăn tại Bảo tàng Dân tộc học. Tôi lái xe đưa bà Lạc (người ở tỉnh Vĩnh Phúc) về Hà Nội trình diễn ăn đất và chế biến đất ăn. 

Sau này, nhiều công trình nghiên cứu ra đời, họ mở rộng tìm hiểu, hóa ra, ở Đức, họ còn sản xuất đất ăn, đựng vào những cái lọ rất đẹp, bán trong siêu thị sang trọng. Tôi cũng chứng kiến nhiều cảnh ăn đất trên cả nước. Ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, gần đây tôi gặp lại bà con có nghề dịch vụ "chế biến đất ăn". Họ đào vườn thành những giếng sâu, sau khi moi hết đất màu trăng trắng, ăn mềm mềm bùi bùi lên để hun khói thơm tho, bán ra chợ như một món quà quê có từ thời thượng cổ… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem