Vị trạng nguyên nước Việt từ chối lấy công chúa là ai?

Trần Hưng Thứ năm, ngày 27/02/2020 20:31 PM (GMT+7)
Đặng Công Chất đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, Vĩnh Thọ thứ tư (1661), ông là đồng tác giả Trùng san Lam Sơn thực lục và Đại Việt sử ký tục biên, ông còn có nhiều công lao về nội trị, ngoại giao đối với đất nước. Nhưng từ trước đến nay một số sách chép về ông và dòng họ Đặng còn sơ sài, có những điểm chưa đúng…
Bình luận 0

Đặng Công Chất sinh ngày 28 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1622) ở làng Phù Đổng huyện Tiên Du (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông vốn họ Trần, dòng dõi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đến đầu đời Lê sơ có ông Trần Văn Huy hiệu là Đặng Hiên (1410-1475) đỗ nhị giáp Tiến sĩ đình nguyên năm Đại Bảo thứ ba (1442), làm quan tới Thượng thư bộ Hình di cư đến ở làng Quang Bị, huyện Bất Bạt, phủ Thao Giang, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Đến đời thứ ba có Trần Tuân (là cháu nội Trần Văn Huy) nổi dậy khởi nghĩa chống lại vua Lê Tương Dực (1509-1516). Nhưng cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Trần Tuân bị tướng của triều đình là Trịnh Duy Sản giết, quân tan vỡ. Vì sợ triều đình bắt tội nên “dòng dõi của Trần Tuân dời đến xã Yên Quyết Thượng, huyện Từ Liêm (nay là xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội), đổi họ đi để tỏ ra là khác biệt”.

img

Tranh vẽ trạng nguyên Đặng Công Chất.

Theo Thế phả thì người chạy ra Thượng Yên Quyết là Trần Công Du gọi Trần Tuân bằng chú. Đến đời con ông Du chính thức đổi thành họ Đặng (vì ông tổ Trần Văn Huy có hiệu là Đặng Hiên) nên gọi là “Đặng Công Toản”. Đặng Công Toản (1487-1547) đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1520), làm quan Tham Chính xứ Kinh Bắc, đóng trụ sở ở làng Phù Đổng; sinh người con trai thứ bảy là Đặng Công Khuê (1538-1600) ở đấy. Sau ông cho Khuê ở lại trú cư ở Phù Đổng, nên Công Khuê là người được suy tôn là tổ chi họ Đặng ở Phù Đổng.

Đặng Công Khuê thi đỗ thủ khoa Hương cống, làm quan tới chức Viên ngoại lang Bộ Lại, con trưởng ông Khuê là Đặng Công Sắt cũng đỗ giải nguyên Hương cống khoa Tân Sửu (1603), làm quan tới chức Tham chính xứ. Ông Sắt có 4 người con trai là Đặng Công Toại, Đặng Công Nghi (đều là nho sinh), con thứ ba là Đặng Công Chất, con thứ tư là Đặng Công Trác đỗ giải nguyên Hương cống khoa Tân Mão (1699).

Đặng Công Chất là người có tài kiêm văn võ, nội trị, ngoại giao và cũng là người có đạo đức, trung trực, liêm khiết. Theo Thế phả thì sau khi đỗ Trạng nguyên, có khả năng lấy công chúa, nhưng ông Chất cố chối từ vì ở quê đã có vợ. Việc này làm cho vua chúa không hài lòng nên tuy biết ông có tài văn học nhưng năm sau (1662) chúa liền bổ ông vào chức quan võ đi dẹp loạn ở Nghệ An rồi được cử làm Đốc thị xứ ấy. Sau đó ông được triệu về kinh cử làm Hàn Lâm Viện thị giảng, chính trong thời gian này ông tham gia biên soạn Đại Việt sử ký tục biên do Tham tụng Phạm Công Trứ chủ biên. Tháng ba năm ất Tỵ (1665) ông được thăng chức Hữu thị lang Bộ Công, có lẽ từ năm này ông cùng các ông Hồ Sĩ Dương và Đào Công Chính biên tập cuốn Trùng san Lam Sơn thực lục.

Tháng 5 năm Nhâm Tý (1672), Đặng Công Chất về quê làng Phù Đổng chịu tang mẹ, bất ngờ có việc Kiêu binh nổi loạn giết chết Bồi tụng (phó Tể tướng) Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, triều đình liền sai Tuyển Quận Công đến nhà triệu Đặng Công Chất về Thăng Long dẹp loạn. Ông Chất về kinh đô phủ dụ Kiêu binh, quân lính đều phục tùng. Sau đó tháng 7 năm ất Mão (1675), ông được thăng Tả thị lang bộ Lại, rồi được cử làm Bồi tụng nhập thị kinh diên. Năm Đinh Tỵ (1677), được cử làm trấn thủ Cao Bằng đánh dẹp Mạc Kính Vũ ở biên giới, sau đó lại được triệu về Kinh “quản thống 5 viên đại tướng”.

Năm Tân Dậu (1681), Đặng Công Chất được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc đàm phán với nhà Thanh. Quan hệ giữa hai nước lúc này rất thân thiện nên vua Thanh đã cử quan đại thần là Đàm Bất Miện ra đón và tiễn đoàn sứ bộ của ta rất chu đáo. Khi đoàn sứ bộ ta ra về, Đàm Bất Miện tiễn đến bến sông Hoàng Hà cùng Đặng Công Chất làm thơ xướng họa quyến luyến không rời nhau.

Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1682) đoàn sứ bộ về đến Thăng Long, Đặng Công Chất được vua chúa khen ngợi, thăng Binh bộ Thượng thư, tước Khánh Xuyên Tử, ba ngày sau gia tăng Tham tụng (tể tướng). Nhưng chưa được bao lâu, ngày 7 tháng 2 năm Quý Hợi (1683), ông mất, vua lấy làm thương tiếc, đặt tên hiệu là Trung Túc, tặng chức Lại bộ Thượng thư, Thiếu Bảo và tước Khánh Xuyên Bá. Thế phả cho biết “ông khẳng khái có chí lớn, không làm dinh thự và để của. Làm quan chẳng thiết lợi lộc, bao nhiêu bổng lộc đem cấp cho người thân thuộc, nhà không có của thừa… Lúc bé thường ăn canh mướp đến khi phú quý vẫn ăn canh mướp”.

Đặng Công Chất còn có công đứng ra trùng tu đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở quê nhà. Dòng họ của ông sau này có nhiều người khoa bảng: cháu nội ông (con Đặng Công Cơ) là Đặng Công Diễn (1709-1769) đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1728) làm quan tới chức Tế tửu (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám, thăng công bộ hữu thị lang, Bồi tụng (phó tể tướng) Thư Vũ Hầu.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem