“Thần Siêu” và chuyện xây tháp bút viết lên trời xanh

Thứ hai, ngày 13/05/2019 20:31 PM (GMT+7)
Hơn một thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về “Thần Siêu” vẫn còn được nhân dân truyền tụng. Ông là người cho xây tháp đá hình ngọn bút lông hướng lên trời bên đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Bình luận 0

Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) tự là Tống Ban, hiệu Phương Đình. Ông sinh ra tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), nhưng từ nhỏ đã chuyển tới sống ở thôn Cổ Lương, phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương (nay thuộc phố Nguyễn Văn Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo sách Những tấm gương hiếu học xưa và nay, từ nhỏ, Nguyễn Văn Siêu đã có tư chất thông minh. Mới 7 tuổi, cậu bé Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách. 12 tuổi, người sau này được gọi là "Thần Siêu" tự làm bức hoành phi và đôi câu đối dán ở buồng học.

img

Tượng Nguyễn Văn Siêu. Ảnh: Thư viện Lịch sử Việt Nam.

Bức hoàng phi gồm 2 chữ “Lạc Thiên”, nghĩa là vui với đạo đời; câu đối có nghĩa “Ai xưa nay học đạo không có đường tắt / Nhà tranh vẫn hay có người tài”. Nội dung của câu đối và bức hoành phi đã bộc lộ ý muốn thành người tài đức của Nguyễn Văn Siêu.

15 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học thầy hương cống Trần Công Tiến. Đây chính là thời gian quan trọng, giúp ông rèn luyện những kỹ năng cần thiết, để sau này trở thành nhà văn, thơ nổi tiếng.

Sau đó, Nguyễn Văn Siêu tìm đến những người thầy danh tiếng lúc bấy giờ để “bái sư học đạo”. Năm 20 tuổi, ông theo học tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Hải Dương, dành rất nhiều thời gian để chép sách. Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng học giỏi, vượt qua nhiều bậc danh nho đương thời.

Dù vậy, ông không vội đi thi để tìm đường quan lộ, mãi tới năm 26 tuổi mới lều chõng thử sức mình. Ông đậu Á nguyên ở trường thi Hà Nội.

Đến năm 1838, ông tiếp tục thi đỗ Phó bảng ở kinh thành Huế. Tương truyền, đáng lẽ ông đỗ đầu nhưng vì chữ xấu nên chỉ xếp thứ hai.

Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ông được phong chức Thừa chỉ ở Nội các. Ông làm thầy dạy học cho các hoàng tử, trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này).

Sau khi lên ngôi năm 1847, vua Tự Đức xuống chiếu cử Nguyễn Văn Siêu làm phó sứ sang Trung Quốc năm 1849.

Theo tài liệu, trong nội dung chiếu chỉ, vua Tự Đức phê rằng: “Khanh tính trời thông minh, học vấn uyên bác, đi sứ lần này nhớ thu thập những điều tai nghe mắt thấy, qua các danh lam thắng cảnh, cùng phong tục bên Bắc triều, phải lấy bút biên ghi chép tỉ mỉ ngay, chờ lúc về trình trẫm xem; giúp trẫm thấy rõ ngoài xa muôn dặm”.

Ngay khi trở về, Nguyễn Văn Siêu dâng lên ông vua hay chữ Tự Đức cuốn sách Vạn lý tập dịch trình tấu thảo, được vua khen. Sau đó, ông tiếp tục được thăng chức Án sát Hà Tĩnh, Án sát Hưng Yên.

Là người có tính ngay thẳng, ông quan niệm “thà mắng ngay vào mặt, không thèm nói vụng sau lưng”. Cuộc đời làm quan của ông vì thế cũng có không ít lần rơi vào cảnh thăng trầm.

Nguyễn Văn Siêu làm quan trong giai đoạn nhà Nguyễn đã suy yếu. Chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt” chốn quan trường, ông cáo quan về ở ẩn năm 1854.

Ông tiếp tục dạy học, biên soạn sách vở và sáng tác văn chương, thơ phú. Ông để lại cho đời hàng vạn trang sách về lịch sử, văn hóa, địa lý, triết học, văn học.

Nói về Nguyễn Văn Siêu, sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết rằng: “Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu nên cáo văn điển sách của triều đình phần nhiều do ông soạn thảo cả. Vì thế, văn học của ông được vua biết đến. Người đương thời đều tôn trọng ông”.

Sau khi mất (1872), ông được dân giáp Giang Nguyên tôn làm Thành hoàng, thờ chung với thần sông Tô Lịch và Đô Đài Công Nguyễn Trung Ngạn thời Trần.

Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu bổ đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Trên núi Ngọc Bội (núi Độc Tôn cũ), ông cho xây tháp đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông dựng ngược, thân tháp có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), ngày nay thường gọi đó là Tháp Bút.

Ngoài ra, chính ông là người cho xây cầu Thê Húc để nối bờ với đền Ngọc Sơn.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem