Đang lưu thông bị thu mũ bảo hiểm, liệu có được đi tiếp?

Xuân Lực Thứ hai, ngày 30/06/2014 21:18 PM (GMT+7)
"Hiện chưa có quy định tạm giữ lại chiếc mũ không đạt tiêu chuẩn. Nhưng nếu có quy định tạm giữ thì lại xảy ra trường hợp, người ta đang lưu thông trên đường, chúng tôi tạm giữ mũ thì người dân có được phép tiếp tục điều khiển mô tô không..." đại tá Đào Vịnh Thắng phân tích.
Bình luận 0

CSGT gặp khó trong việc xác định chất lượng mũ

Ngày mai 1.7, lực lượng chức năng sẽ chính thức ra quân xử lý người điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách, không phải là mũ bảo hiểm theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.

Chiều ngày 30.6,  Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an Hà Nội (Phòng PC67 – Công an TP. Hà Nội) đã tổ chức triển khai kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy trên địa bàn thành phố Hà Nội sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy định (mũ “rởm”).

img

Đại tá Đào Vịnh Thắng chỉ đạo lực lượng CSGT Hà Nội không phạt mà chỉ nhắc nhở nếu người dân đội mũ không đạt tiêu chuẩn.

Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng PC67 – Công an TP. Hà Nội: Quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng là đúng đắn nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Đến nay, 100% lực lượng CSGT đã được tập huấn đầy đủ, nắm rõ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH và thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Tuy nhiên, đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, thời gian đầu, lực lượng CSGT TP. Hà Nội sẽ không dừng xe xử lý người điểu khiển các phương tiện vì đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn.

“Ngày mai (1.7 – PV), khi gặp phải các trưởng hợp vi phạm từ việc vượt đèn đỏ, cài quai mũ bảo hiểm không đúng quy cách, đi vào đường cấm, đi ngược chiều... thì lực lượng CSGT chỉ xử phạt các hành vi phạm rõ ràng.

Còn riêng, các trường đội mũ bảo hiểm không phải loại dùng cho đi mô tô xe máy thì tôi đề nghị các đồng chí lập biên bản ghi nhận và nhắc nhở các trường hợp này. Chúng tôi sẽ nhắc nhở để người dân nắm được quy định và về thay thế bằng cái mũ khác. Còn nếu lần sau họ tiếp tục vi phạm chúng tôi sẽ xử lý”, đại tá Thắng nói rõ.

Theo người đứng đầu lực lượng CSGT TP. Hà Nội, lực lượng CSGT hiện gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý người tham gia giao thông đội mũ không đạt tiêu chuẩn.

“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Thứ nhất, trường người tham gia giao thông công nhận đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi lập biên bản xử phạt, nhưng phạt xong lại phải cho người dân đội để tiếp tục lưu thông. Thứ hai, hiện chưa có quy định, hướng dẫn các biện pháp phải tạm giữ những chiếc mũ không đúng quy định. Hiện chưa có quy định tạm giữ lại chiếc mũ không đạt tiêu chuẩn. Nhưng nếu có quy định tạm giữ thì lại xảy ra trường hợp, người ta đang lưu thông trên đường, chúng tôi tạm giữ mũ thì người dân có được phép tiếp tục điều khiển mô tô không”, đại tá Thắng phân tích.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc, hiện nay trên thị trường tồn tại loại mũ bảo hiểm giả như thật, vậy nếu xử lý thì lực lượng CSGT sẽ căn cứ vào đâu, đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng, đây là khó khăn của lực lượng CSGT.

“Chúng tôi là người thường mắt thường chỉ căn cứ vào các văn bản để xử lý. Chúng tôi chưa có sự hỗ trợ kỹ thuật bằng máy máy móc, phương tiện để xác định nó là giả, hay là thật, đã đúng quy định. Vì vậy, chúng tôi sẽ nhắc nhở người dân khi lưu thông bằng mô tô, xe máy thì phải đội mũ đúng đảm bảo đúng quy định…” đại tá Đào Vinh Thắng trả lời.

Trưởng phòng CSGT hiến kế xử lý mũ “rởm”

Theo Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT của liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải thì mũ bảo hiểm phải có cấu tạo đủ ba bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì sẽ không được coi là mũ bảo hiểm.

img

Nhiều loại mũ thời trang nhưng trên thân không có dấu chứng nhận hợp quy theo quy định được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt chiều ngày 30.6, dọc các tuyến phố thường ngày tấp nập về mũ bảo hiểm “rởm” như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xiển, Hồ Tùng Mậu… có phần vắng vẻ hơn trước. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn bán các loại mũ thời trang nhưng trên mũ không có tem dấu hợp quy CR vẫn rất nhiều, giá thành những chiếc mũ này cũng rất mềm chỉ 15-20 nghìn một chiếc mũ.

“Người dân giờ cũng có ý thức đội mũ chất lượng rồi, khi mua họ cũng thường mua những mũ đạt tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ. Nhưng đôi khi người ta vội đi đâu đấy quên mũ hoặc chở ai đó mà không có mũ thì mua mấy cái mũ rởm đội để đối phó với cảnh sát thôi”, chị Hường một người bán mũ trên đường Nguyễn Xiển chia sẻ.

img

Nhiều mũ bảo hiểm "rởm" vẫn được bán tràn lan trên đường Nguyễn Xiển.

Tuy nhiên, khi PV hỏi về các tiêu chuẩn mũ như thế nào là đạt tiêu chuẩn thì chị Hường không trả lời.

Trao đối với PV chiều ngày 30.6, đại tá Đào Vịnh Thắng Trưởng Phòng PC67 - Công an TP Hà Nội cho rằng, để xử lý triệt để mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn thì các cơ quan quản lý Nhà nước (Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế) phải quyết tâm chặn ngay tận gốc, xử phạt thật nặng đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng. Có như vậy mới hy vọng chấm dứt được nạn mũ bảo hiểm “rởm”.

"Các cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý tận gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm rởm thì người dân mới được cung cấp những loại mũ bảo hiểm đủ tiêu chuẩn lưu thông trên đường được. Giờ chúng ta chưa có chế tài tạm giữ , tịch thu mũ thì có phạt xong thì người ta vẫn có mũ để tiếp tục lưu thông", đại tá Đào Vịnh Thắng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem