img
img
img
 

Nhớ những lần gặp đầu tiên, Đỗ Doãn Hoàng – khi đó còn đang công tác tại tạp chí Thanh Niên - tới Phòng Tài vụ của Báo Lao Động để lĩnh nhuận bút các bài cộng tác với Lao Động. Gặp nhau, gã vừa ký nhoay nhoáy vào phiếu lĩnh nhuận bút, vừa nở nụ cươi tươi rói và chìa tay bắt một cách rất chân thành, vừa “tán” các cô các chị trong Phòng Tài vụ khi đó bằng những mẩu chuyện gã lượm lặt trên những cung đường phiêu lãng. Cảm nhận lúc đó, ở gã toát lên một sự tự tin và hoạt ngôn… cả trong lời nói và ngòi bút.

Hơn chục năm gặp lại, gã vẫn không thay đổi nhiều. Ăn mặc vẫn giản dị. Nụ cười vẫn thân thiện. Và cái chất “điên điên” thì vẫn vậy, không hề bớt đi. Gặp nhau trong quán cà phê, nhưng gã không gọi đồ uống. Chỉ vào cái bình trà inox mang theo bên mình, gã phân bua: “Từ khi làm về thực phẩm bẩn, tôi sợ đồ ăn đồ uống ở ngoài”. Nhưng hóa ra đó vẫn chưa phải lý do chính. Sau gã mới tiết lộ thêm: “Tôi làm điều tra, cứ cẩn thận như vậy không thừa”.

Tôi biết Đỗ Doãn Hoàng đã gần 20 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên tôi và gã có cuộc trò chuyện lâu thế về nghề báo một cách nghiêm túc. Khi Hoàng chat với tôi và nói “Tôi thực sự hồi hộp về cuộc trò chuyện này”, tôi tin gã nói chân tình dù với danh tiếng của mình trong làng báo, tôi biết gã đã có hàng trăm cuộc trò chuyện với các nhà báo. Có cả nghìn bài viết về gã…

Trước khi gặp gỡ, tôi “giao hẹn” với Hoàng rằng, hào quang, sự lấp lánh của tấm huy chương mà nghề báo đem lại cho anh đã quá nhiều người nói, người viết rồi. Cuộc nói chuyện hôm nay, chúng ta hãy cùng lật lại mặt sau của tấm huy chương đó, để nhìn thẳng vào sự thật. Để cho những bạn trẻ đang mộng mơ trên giảng đường báo chí có thể có những trải nghiệm thật sự về cái nghiệp mà các bạn đang định lựa chọn.

img
 

Ai cũng biết là anh được quá nhiều từ nghề báo. Vậy anh thử nói xem anh đã mất những gì, cũng từ nghề báo?

- Mất nhiều chứ. Ví dụ như sức khoẻ. Có lẽ tôi là người dốc cạn mình cho nghề báo. Và với những chuyến đi, tôi dốc cạn tiền. Có những chuyến đi tôi từng tiêu đến 300 triệu đồng. Về nhà bố tôi biết chuyện, xót ruột lầm bầm “thế là mày làm mất toi mảnh đất con ạ”. Ở quê hay tính bằng đất mà (cười).

Tôi cũng dốc cạn cả sự yên bình của mình. Hôm trước cũng có bạn phóng viên bảo tôi “tôi nghĩ anh là một người say mê nghề báo” – tôi bảo “phải nói là tôi đánh đổi với nghề báo mới đúng”.

img

Bởi vì ngay cả khi tôi bị tấn công người ta còn thị phi, lúc đấy tôi rất hồn nhiên, chưa đắc đạo như bây giờ. Thời điểm đó cách đây 3 – 4 năm, tôi bạc trắng đầu vì suy nghĩ khi bị tung tin quá nhiều... Tôi không muốn nhắc lại những điều đó, nhưng sau này tôi sẽ viết hồi ký.

Có phải anh đang nói đến lần anh bị kẻ lạ mặt tấn công vào tháng 3/2016, ngón tay anh bị bầm dập, công an vào cuộc điều tra nhưng vẫn chưa có kết quả? Lúc đó tôi biết có nhiều thông tin trái chiều…

- Đúng lần đó. Sau khi bị đánh, người ta bảo tôi bị đánh cũng đáng, người vu cho tôi đi ngoại tình, kẻ đoan chắc tôi bị đánh vì ăn chia tiền nong… Nhiều lý do buồn cười lắm.

Sau khi bị đánh, nhiều đồng nghiệp quan tâm, phỏng vấn tôi để đưa tin và giúp cơ quan điều tra tìm thủ phạm. Nhưng tôi trả lời phỏng vấn đến đâu, họ tung tin đến đấy. Tức là họ không nghĩ ra được một “kịch bản” từ đầu mà đợi tôi vẽ kịch bản ra cho họ…

Tôi còn đang giữ một bản chụp màn hình từ một phóng viên ngành tư pháp nhắn rằng: “Đỗ Doãn Hoàng đồng ý bị đánh để lấy 2 tỷ rưỡi của một doanh nghiệp, qua đó gửi thông điệp cho những nhà báo điều tra rằng tao đánh cả thằng Đỗ Doãn Hoàng mà không ai làm gì được tao”.

Người ta còn dọa giết 2 con tôi, tôi vẫn giữ những tin nhắn đó, không muốn nói với ai. Nếu tôi kêu là tôi bị tấn công, bị đe doạ có khi chỉ tôi thiệt. Thậm chí người ta có thể hiểu sai về mục đích của tôi.

Còn tin nhắn dọa giết tôi thì nhiều. Nhưng tôi không sợ bằng những tin nhắn như: “Mày đổi nhà rồi à”, “Tao biết nhà mới của mày ở đâu”…

Và thế là anh quyết định đổi nhà đến một nơi an toàn hơn?

- Tôi nghĩ rằng mình đánh đổi cả sự an toàn, đánh đổi cả hạnh phúc, nếu không ở một khu an toàn như thế này thì buổi tối không dám đi bộ. Và cũng chưa bao giờ tôi tập phòng vệ nhiều như bây giờ. Áo giáp tôi đang treo ở nhà. Và chưa bao giờ tôi phải giấu mình như bây giờ. Lâu lắm rồi viết báo tôi có ký tên mình đâu, dù tôi vẫn tham gia các loạt phóng sự điều tra…

Bây giờ nói là tôi đánh đổi với nghề, nhưng tôi thấy cũng bình thường. Bởi vì bố tôi đi vào chiến trường không nghĩ đến ngày về, bằng chứng là đồng đội của bố tôi đi chẳng có ai về. Cuộc sống cay đắng như thế họ còn chịu được, tôi đã là cái gì?

Thế nếu cho anh lựa chọn lại, anh có nghĩ mình sẽ tiếp tục chọn nghề báo?

- Anh biết câu trả lời mà. Tất nhiên là vẫn chọn chứ. Nếu cho tôi làm lại thì tôi vẫn chọn nghề báo, kể cả phải gánh những sai lầm cũ. Vì ngay lúc hành động tôi vẫn nghĩ, làm báo là con đường tốt nhất mà tôi có thể đi trọn vẹn để giúp mọi người.

img
 
img
 

20 năm qua, gã đã nổi danh với hàng chục giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước về báo chí, văn chương, điện ảnh. Gã cũng đi nhiều hơn, viết nhiều hơn. Cuốn sách hôm nay gã ký tặng tôi, du ký “Ở lại với ngàn sao” – là cuốn thứ 27 trong sự nghiệp viết lách của gã.

Là nhà báo có tiếng, được bạn đọc trân quý, nhưng với nhiều đồng nghiệp, gã cũng được biết tới như kẻ “điên điên”, “gàn dở”. Hoàng ít khi xuất hiện ở những sự kiện nghề nghiệp, không mấy khi gặp gỡ giao du với đồng nghiệp, ngay cả trên bàn nhậu...

Xưa gã chỉ thích quăng mình vào chốn đồng rừng xa xôi, đắm mình vào thiên nhiên đất nước. Nay, có điều kiện hơn, gã lại có cái thú phiêu lưu khắp thế giới để ngắm nhìn và viết, và chụp. Cuốn “Ở lại với ngàn sao” chính là hệ quả của cái thú phiêu lưu tốn kém này.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay gã âm thầm làm điều tra. Nhiều loạt bài điều tra của gã và các đồng nghiệp gây tiếng vang lớn. Đặc biệt gần đây là loạt bài vạch mặt những tên tội phạm người nước ngoài xâm hại tình dục trẻ em nam ở Việt Nam…

Gã hồ hởi chìa điện thoại cho tôi xem ảnh chị Tô Thị Bích Hậu (xã Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ), người phụ nữ 15 năm phải mang một khối u trên mặt mà gã gọi là bị “ma làm”.  Gã khoe đã tìm được bác sỹ nhận khám cho chị Hậu và việc mổ cho chị sẽ sớm được tiến hành.

Chuyện của Hoàng kể làm tôi nhớ lại loạt bài nổi tiếng trước đó của Hoàng, về “sơn nữ mặt quỷ”- bà Triệu Mùi Chài, người phụ nữ cũng mang trên mặt khối u khổng lồ. Tình cờ trong một lần công tác, Hoàng gặp bà Chài. Ngỡ ngàng trước con người ấy, Hoàng viết bài, dùng mọi quan hệ huy động nguồn lực xã hội và cuối cùng, bà Chài đã được giải thoát khỏi khối u quái ác, như một kết thúc có hậu của câu chuyện cổ tích...

img

Anh thích được người ta gọi là một nhà báo chuyên viết phóng sự, ký sự hay là một nhà báo điều tra hơn?

- Tôi thích cả hai bởi vì thật ra đối với tôi hai danh xưng đó không có sự phân biệt. Khi viết một ký sự, ví dụ như chuyện chúng ta vừa mới nói về bà Triệu Mùi Chài, để rồi độc giả tặng cho bà 500 triệu đồng và giúp bà có khuôn mặt như hôm nay, tôi không quan trọng là viết theo thể loại gì.

img

Hay bài viết giúp một người nông dân thành một anh hùng, thật ra, lúc đầu tôi viết ký sự về thân phận người nông dân đó. Nhưng bắt tay vào làm, mới bắt đầu lộ ra những oan khuất của người đó. Và tôi lần theo cái oan khuất ấy suốt 5 năm cho đến khi câu chuyện kết thúc có hậu. Trong 5 năm đó tôi lại phải làm rất nhiều bài điều tra khác.

Cho nên với tôi là nhà báo gì không quan trọng, quan trọng là anh có đem lại được cho độc giả những câu chuyện thật, những cảm xúc thật hay không?

Nhưng tôi thấy thật khó để hòa hợp một kẻ lãng mạn, bay bổng cùng một gã lăn lộn hang cùng ngõ hẻm để tìm ra sự thật, đôi khi quá sức trần trụi – trong cùng một Đỗ Doãn Hoàng. Anh làm sao dung hòa được hai bản thể đó?

- Nó cũng giống như một người vừa mặc quần soóc vừa mặc comple vậy. Lúc này tôi ăn mặc tử tế để trả lời bạn. Khi về nhà tôi lại mặc quần đùi áo may ô, vẫn là tôi thôi, tại sao lại là người khác?

Cho nên khi gặp những câu chuyện lãng mạn tôi viết cả một quyển ký sự, như cuốn “Ở lại với ngàn sao”. Đến những vùng đất hoang sơ, kỳ bí trên thế giới là tôi dễ có xúc cảm. Còn khi đi vào những hang ổ như đi xem săn tê giác ở Châu Phi, chứng kiến người ta tàn sát thiên nhiên ở Lào, Campuchia… sự lãng mạn ấy sẽ biến thành những câu chuyện thực tế. Và tôi phải phân tích, mổ xẻ nó để đưa ra lời giải hợp lý nhất.

Hay như khi làm về những vụ lạm dụng tình dục, những vụ phá rừng, đào quặng ở Việt Nam, chúng tôi không chỉ phân tích mà còn kiến nghị cơ quan hữu trách thay đổi chính sách và luật. Lúc đó kinh nghiệm của chúng tôi là những bài học thực tế. Nhưng vượt trên những cái đó vẫn là sự lãng mạn. Nếu không lãng mạn làm sao theo được tới cùng những vụ như thế.

Để tôi kể anh nghe: Một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, nạn nhân của nó phải tới 10 người, toàn 14 - 15 tuổi. Đêm tôi đi với nó, tôi thấy nó viết lên Facebook rằng “Hôm nay trời quá lạnh, con cần một cái chăn ấm và con nhận ra một điều rằng, trong cuộc đời này người mang chăn cho con chỉ có thể là mẹ. Mẹ là người duy nhất mang cho con hơi ấm mà không đòi hỏi một thứ gì cả”. Tôi hỏi: “Thế mẹ mày đâu?” – “Mẹ cháu chết lâu rồi”…

Thật ra chính những câu chuyện, những số phận tưởng dưới đáy xã hội làm cho bọn tôi thấy cuộc sống lãng mạn hơn.

 
img
 

Có nghĩa chính sự lãng mạn đó đã giữ anh không bị gục ngã trước những sự thật tàn khốc mà anh gặp phải trong khi làm nghề, giúp anh nuôi dưỡng tình yêu với nghề báo?

- Kể cả nó đánh mình cũng chưa hết mơ mộng. Và việc mình cần làm thì vẫn làm. Tôi biết có nhiều người nghĩ tôi là một thằng hoang tưởng. Tôi hoàn toàn có thể chọn cho mình một con đường an toàn, nhàn nhã, sung sướng. Nhưng tôi hơi bị hoang tưởng về sức mạnh của con chữ. Tôi cũng hay hoang tưởng là tôi có thể làm được điều gì đó giúp cho cuộc đời.

Khi tôi dạy các em sinh viên cũng thế. Tôi hoang tưởng là tôi có thể truyền cảm hứng cho chúng. Tôi còn nói với chúng là con tôi cũng đang học báo chí ở nước ngoài, và tôi chỉ ước con tôi được gặp một “lão thầy” như tôi. Vì tôi đang tự tin tôi là một người thầy tử tế. Tôi quá lãng mạn trong chuyện đấy.

Tôi nghĩ mình dạy chúng là mình truyền cảm hứng cho chúng, nhưng tôi có biết chúng nghĩ gì đâu. Biết đâu chúng lại nghĩ “Thằng cha này chỉ khoe khoang, tinh tướng, dạy đời”...

img

Thật ra tôi quá ảo tưởng. Tôi nghĩ nếu 5 người gặp tôi thì 3 người nói tôi là thằng tâm thần, khoe khoang, kiêu ngạo. Nhưng tôi vẫn tin có người hiểu tôi rất chân thành khi nói lên những điều đó. Nếu tôi cứ đề phòng, tôi sẽ không bao giờ kết nối với họ một cách chân thành được.

Anh vốn nổi tiếng là người lưu giữ tư liệu một cách rất bài bản. Anh có thể tiết lộ một chút về công tác tư liệu của mình vì tôi biết hiện nay, nhiều nhà báo đang bỏ qua công việc quan trọng này?

- Hôm vừa rồi tôi ra mắt mấy cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đến dự và tâm sự rằng: “Đỗ Doãn Hoàng là một người mà tuổi thơ đã nhiều sự kiện nhưng tuổi trưởng thành còn nhiều hơn thế”. Tôi sống đa nhân cách, rất phức tạp và thật sự là sống nhiều cuộc đời. Và ông còn nói thêm “Đấy là người làm báo gìn giữ tư liệu tốt nhất mà tôi đã từng biết”.

Tất cả những cuộc trò chuyện, kể cả cuộc hôm nay, tôi đang ghi âm để lưu lại. Khi tôi tắt điện thoại đi là nó tự động up lên một phần mềm lưu trữ mà hàng tháng tôi trả phí. Tất cả những gì tôi chụp cũng vậy. Kể cả khi tôi bị mất điện thoại thì dữ liệu vẫn còn. Thứ hai là tất cả tư liệu của tôi đều được ghi trong những ổ cứng có dung lượng rất lớn, luôn được sao làm hai bản.

Tôi cũng có khoảng 10 hòm thư được đánh số từ 1 – 10 và đều liên thông với nhau để cùng lưu trữ dữ liệu... Đó là chưa kể tư liệu viết tay, thậm chí tư liệu từ thời chưa có Internet xong rồi gõ lại để lưu… Thậm chí tất cả các cuống vé máy bay tôi đều chụp lại hết, lưu lại hết và đều có tên file.

img

Các chuyến đi công tác của tôi, một ngày tôi ghi âm hàng chục cuộc, một tháng hàng trăm cuộc, bao giờ cũng đặt tên một cách khoa học để muốn truy xuất, tìm là thấy ngay.

Có những tư liệu mà khi chụp tôi không biết nó có giá trị nhưng sau này mới biết là nó quý. Hôm vừa rồi tôi làm bài về tình trạng khai thác đá ở Hoà Bình. Tôi dùng máy Handycam zoom lên đỉnh núi và phát hiện ra có 2 người trên đó. Họ nhỏ bé như những con ruồi và không hề có dây bảo hiểm. Sau tôi viết bài “Những thung lũng ma và những nguyên liệu làm bằng máu” và mới biết, tối hôm đấy 2 người đấy, hai vợ chồng thợ đá, đã chết trên đỉnh núi. Chúng tôi đã viết về những thước phim định mệnh đăng trên báo Lao Động.

Thước phim ấy trở thành vô giá vì nó nói về một thực trạng rất sốc: Mới 2 ngày chúng tôi đi điều tra thôi mà những nhân vật chúng tôi nhìn thấy đều chết. Nói thế để thấy, nếu tư liệu không tốt thì rất khó làm báo. Đặc biệt khi bạn làm báo điều tra. Có những vụ mà 6 năm sau người ta mới kiện báo Lao Động, nhưng bọn tôi vẫn giữ được tư liệu.

Ngoài ra, khi bạn giữ được một tư liệu A, 10 năm sau bạn mới nhận được một tư liệu B, lúc đó xâu chuỗi, ráp nối lại bạn mới tìm ra vấn đề. Nếu tư liệu A mất thì còn gì là câu chuyện nữa.

img
 
img
 

Đỗ Doãn Hoàng nổi tiếng là người đi nhiều viết nhiều. Đặc biệt anh đã đặt chân tới những vùng đất xa xôi – nơi còn vắng dấu chân người - từ rất sớm như vùng đất ngã ba Đông Dương, nơi một con gà gáy cả ba nước cùng nghe. Trước anh chỉ có nhà báo lão làng Nguyễn Như Phong và một vài đồng nghiệp đặt chân tới đó...

Nhưng cũng không ít người cho rằng nhiều phần trong những bài ký sự, phóng sự của Doãn Hoàng là hư cấu, thêm thắt… Có những con người, những vùng đất hiện lên trong các ký sự, phóng sự của anh lung linh, huyền ảo, đẹp đẽ làm sao. Nhưng thực tế khi gặp thì lại chỉ có sự trơ trụi, một màu, buồn tẻ…

img

Quan điểm của anh thế nào khi người ta nói anh viết báo mà như viết văn, toàn chuyện hư cấu không có thực? Có nên biến bài báo thành những tác phẩm văn học hay không?

- Tôi có nghe nhiều người nói như vậy. Thứ nhất là văn của ông Hoàng với ông Xuân Ba (nhà báo lão thành Trịnh Xuân Ba, báo Tiền Phong - NV) nó dây cà dây muống. Thứ hai nữa là cái vùng đất tôi đến nó không huyền diệu như vậy. Có mấy vấn đề cần nói ở đây.

Thứ nhất là tôi là người được đào tạo báo chí cho nên tôi đã viết cái gì đều là sự thật, có ảnh, clip kèm theo. Thứ hai, thời điểm tôi đến những địa điểm đó và thời điểm các bạn đến là khác nhau, làm sao có thể thấy nó giống nhau được.

Nhưng điều quan trọng hơn là nhân vật trong tác phẩm báo chí của chúng tôi là nhân vật trong cảm xúc và trong lý trí của chúng tôi, nó khác so với tưởng tượng của các bạn. Nhân vật ấy sinh năm bao nhiêu, chết năm bao nhiêu, tóm lại tất cả các dữ liệu về nhân vật đó, tôi luôn nhớ cực kỳ chính xác. Nhưng trong cảm xúc của tôi, ông ý sẽ là người khác trong cảm xúc của bạn.

Với nhà báo, sáng tạo là một thứ, nhưng một thứ nữa là cảm xúc. Thời điểm chúng tôi đến vùng đất đó, gặp những con người đó, tình cảm họ giành cho chúng tôi khác với giành cho bạn khi bạn đến sau, cách đối xử của họ với chúng tôi khác với bạn, thế thì làm sao mà bảo giống nhau được. Thế nên nhiều bạn đến thấy thất vọng và bảo cuộc sống ở đó chẳng có gì hay ho như ông nhà báo viết.

Và điều nữa, cực kỳ quan trọng là nhân vật trong báo chí có khoảng mờ. Mình gặp nhân vật ngày đấy giờ đấy, mình có thể miêu tả họ, miêu tả khung cảnh bằng cảm xúc, bằng tâm hồn của riêng mình. Đó chính là cái khoảng mờ của báo chí.

img
img
 

Thành công đến với anh quá nhiều. Nhưng thất bại mới đem lại những bài học quý giá. Đối với anh thất bại nào mà anh cho là quý giá và cần thiết nhất trong nghề báo tính đến thời điểm này?

- Tôi thất bại nhiều hơn là thành công. Các vụ điều tra của tôi thất bại nhiều hơn những vụ việc đã đăng báo. Lý do cũng rất dễ hiểu: Sau mỗi lần nhà báo điều tra thì chính nhà báo đã tự training (đào tạo) cho đối tượng. Và những người sau bị phát hiện chính là vì đã dẫm phải vết chân của người trước.

Bây giờ tất cả các loại máy quay lén chúng biết hết vì public hết trên mạng rồi. Chìa khoá ô tô, bút, cúc áo, kính quay phim,… bây giờ không dùng được nữa, trừ những bọn tép riu. Bây giờ bọn tôi làm cho các tổ chức quốc tế, họ trang bị cho bọn tôi những thiết bị mà mình không dám đưa vào giáo trình. Bởi vì đưa vào để đi giảng dạy là mình mất nghề.

Còn một cái nữa, tôi hay thất bại là vì tôi quá hồn nhiên. Người ta bảo bệnh cũng từ miệng vào. Tính tôi thoải mái lắm. Nhiều khi tôi thất bại cũng vì chuyện nọ chuyện kia, vì lên truyền hình nhiều quá. Vừa vào vai để điều tra, đã có thằng ra bắt tay: “Chào nhà báo, sáng nay thấy nói trên VTV3 hay quá”…

Cho nên thất bại nhiều nhất của tôi chính là tôi hơi thật. Thật với cuộc đời này. Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn tự hào về sự hồn nhiên, sự thật của mình.

Vậy là nhiều lúc khi vào cuộc, anh biết có thể thất bại nhưng vẫn đánh cược để không mất đi cái bản ngã của mình?

- Thời “Thơ Mới”, tôi nhớ có một câu thơ viết về một cô gái lên thành thị sống, sau khi nhìn lại cuộc đời mình cô than rằng “Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”. Với cô, cuộc đời như một sòng bạc, thua hết, không còn một tí thơ ngây nào cả. Tôi rất sợ cảnh đấy.

Nhân 20 năm làm báo, tôi có ngồi với một nhóm bạn bè thân và có nói vui với mọi người rằng: “Cái mất lớn nhất trong 20 năm qua của tôi là mất hết sự ngây thơ”. Nói vui như thế để thấy rằng tôi luôn ý thức rằng mình không thể để mất cái đó.

- Xin cảm ơn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Chúc anh thành công với những dự định trong tương lai.

 
img
 
img
img
 

Nội dung: Hải Phong – Hồng Anh * Ảnh & Clip: Đàm Duy - NVCC

Thiết kế: Việt Anh * Kỹ thuật: Hiếu Phạm

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem