Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ cuối): Cơ hội nhiều, thách thức lắm

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 29/04/2023 06:42 AM (GMT+7)
Việt Nam tròn 100 triệu người, trở thành một trong những "cường quốc" về dân số trên thế giới. Dù có nhiều cơ hội nhưng chúng ta đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Bình luận 0

Chuyên gia dân số, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân) đã chia sẻ với PV Dân Việt về những thời cơ và thách thức khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu. 

GS Nguyễn Đình Cử: Việt Nam tròn 100 triệu dân, ra nhập "câu lạc bộ" 15 nước đông dân nhất thế giới, đứng thứ 8 ở châu Á và thứ 3 Đông Nam Á. Có thể nói, Việt Nam là 1 cường quốc về dân số, kể cả về mặt quy mô lẫn thứ bậc trên thế giới.

Đây là một sự kiện đáng ghi nhận, mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức cần phải đối mặt trong thời gian tới.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ cuối): Cơ hội nhiều, thách thức lắm - Ảnh 1.

Việt Nam tròn 100 triệu người, trở thành một trong những "cường quốc" về dân số trên thế giới. Ảnh minh họa: Viết Niệm

PV: Vậy theo ông, cơ hội lớn nhất của Việt Nam khi trở thành cường quốc về dân số là gì?   

GS Nguyễn Đình Cử: Tôi cho rằng, lợi thế lớn nhất khi dân số tròn 100 triệu là chúng ta có một thị trường lớn, có khả năng tiêu thụ hàng hóa cực kỳ mạnh mẽ.

Chúng ta có quy mô dân số lớn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Theo Tổ chức Ngân hàng thế giới, từ năm 1991 đến 2021, trong 30 năm, thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên gấp 33 lần, từ 110 đô la/người lên gần 3.600 đô la/người/năm. 

"Về mặt thách thức, 100 triệu dân cũng đặt ra vấn đề an ninh lương thực, năng lượng.

Khi diện tích đất đai bình quân đầu người thấp rồi biến đổi khí hậu… thì việc đảm bảo giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường cho 100 triệu dân sẽ là bài toán không hề đơn giản.

GS Nguyễn Đình Cử

Như vậy sức mua sẽ tăng lên, chúng ta lại có đến 100 triệu dân, trở thành thị trường lớn đáng mơ ước trên thế giới. Thị trường tiêu thụ này sẽ kích thích sự phát triển của các ngành nghề, cung cấp hàng hóa cho nhu cầu của người dân.

Đáng nói, Việt Nam đạt 100 triệu dân đúng vào thời kỳ dân số vàng, tức là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao (15-64). Cơ cấu dân số vàng đã mang lại nhiều dư lợi về lao động.

Với cơ cấu dân số hiện nay, Việt Nam có khoảng 68 người trong độ tuổi lao động, là một lực lượng hùng hậu để lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Chúng ta đạt 100 triệu dân khi mức sinh của chúng ta giảm, ổn định với mức sinh thay thế 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ cuối): Cơ hội nhiều, thách thức lắm - Ảnh 3.

GS Nguyễn Đình Cử: Lợi thế lớn nhất khi dân số tròn 100 triệu là chúng ta có một thị trường lớn, có khả năng tiêu thụ hàng hóa cực kỳ mạnh mẽ. Ảnh Gia Khiêm

Sự ổn định mức sinh này giúp chúng ta duy trì được sự gia tăng dân số ổn định, không quá gây biến động. Quy mô dân số lớn, quy mô gia đình nhỏ, chính là điều kiện để các gia đình chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt. Hai yếu tố tạo điều kiện chất lượng dân số cao.

Trên thế giới một số nước đông dân nhưng mức sinh thay thế vẫn 4-5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khiến cho dân số bùng nổ dữ dội, kéo theo nhiều gánh nặng về phát triển kinh tế xã hội. 

"Dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.

Do đó, chúng ta cần phải nhận ra rằng 100 triệu người vào năm 2023 không chỉ là con số mà đó là tầm nhìn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho "100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp".

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam

Như vậy, Việt Nam tròn 100 triệu dân với nhiều cơ hội như là thị trường lớn, đông dân, nhiều lao động với hơn 68 triệu người có khả năng lao động. Do đó có điều kiện để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển cả công nghiệp và dịch vụ.

Dân số đông, lực lượng dồi dào là một sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy theo ông, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là gì khi dân số tròn 100 triệu người? 

GS. Nguyễn Đình Cử: Đó là vấn đề già hóa dân số. Việt Nam có tốc độ già hóa dân số vào hàng nhanh nhất thế giới. Nếu như các nước trên thế giới mất cả trăm năm thì Việt Nam chỉ mất gần 30 năm là hoàn thành quá trình già hóa dân số. Dự kiến đến năm 2038, Việt Nam sẽ có 20% người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên, tương đương với hơn 20 triệu người.

Số lượng người cao tuổi (NCT) tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng đời sống của NCT Việt Nam còn rất kém. Đa phần NCT sống ở nông thôn, không có thu nhập cố định, tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật, khoảng cách thế hệ giữa NCT và người trẻ quá lớn.

Hiện chỉ có 20% NCT có lương hưu, còn lại 80% các cụ khi già yếu chỉ có thể trông cậy vào con cháu hoặc may mắn có chút "của để dành". Do đó, rất nhiều cụ già không có nơi nương tựa, đời sống bấp bênh, không được chăm sóc y tế, đời sống tinh thần cũng sa sút…

Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí…và đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT. 

Chúng ta sẽ có nhiều việc cần làm trong thời gian tới để hướng tới một xã hội "già" trong khoảng 15 năm nữa. 

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ cuối): Cơ hội nhiều, thách thức lắm - Ảnh 5.

Dân số già là thách thức rất lớn cho hệ thống y tế (Điều trị cho bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh BVCC)

Dân số Việt Nam rất đông nhưng phân bố không đồng đều. Ông nhận định thế nào về làn sóng di cư đổ về các TP lớn như hiện nay?

GS Nguyễn Đình Cử: Di cư là xu hướng tất yếu của thời cuộc. Chúng ta cũng cần nhìn nhận các mặt tích cực của di cư đó là một thế hệ lao động năng động, dám khát vọng, dám xông pha, dám chấp nhận thách thức để rời bỏ quê hương tìm đường làm giàu. 

Di cư cũng đáp ứng được nhu cầu lao động của các TP lớn, nơi có kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nó cũng tạo nên xu hướng "tích tụ dân số", đặc biệt ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, nhiều quận ở TP.HCM và Hà Nội có trên 40.000 người/km2, mật độ dân số rất đông. 

Hệ lụy là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an ninh xã hội, áp lực trường lớp, bệnh viện… Do đó, các chính sách cũng cần phải tính đến yếu tố di cư để đảm bảo an sinh xã hội được ổn định và công bằng.

Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi dân số tròn 100 triệu. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để tận dụng lợi thế "vàng", chuẩn bị cho một xã hội "già" phía trước?

GS Nguyễn Đình Cử: Chúng ta có lợi thế khi có đến gần 68 triệu người trong độ tuổi lao động (15 -64 tuổi). Tuy nhiên, để "đãi vàng" thành công thì cần phải có những đột phá quan trọng về phát triển chất lượng nguồn nhân lực.

Cụ thể như nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu để bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh...

Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ cuối): Cơ hội nhiều, thách thức lắm - Ảnh 6.

Để tận dụng được dân số vàng, chúng ta cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa QS

Để nâng cao chất lượng lao động ở nông thôn, phải công nghiệp hóa lao động nông nghiệp nông thôn. Khi công nghiệp hóa, người dân mới có nhu cầu được đào tạo, nâng cao năng suất lao động.

Nếu người dân cứ đi cày đi cấy theo kiểu "cha truyền con nối, con trâu đi trước cái cày theo sau" thì người lao động không có nhu cầu được đào tạo và nâng cao kỹ năng của mình.

Nếu chúng ta vẫn lao động "chân tay" thì khó lòng có năng suất lao động cao, "vàng" có đãi được cũng kém chất lượng. 

Còn đối với già hóa dân số, các chính sách cần thích ứng với một xã hội "già" phía trước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận ở mặt tích cực là người già trên 60 vẫn còn rất khỏe mạnh, giàu kinh nghiệm làm việc, cần có chính sách để tận dụng nguồn lao động này.

Đồng thời, các dịch vụ cũng cần mở ra để đáp ứng nhu cầu của người già, là một lợi thế để phát triển kinh tế, thích ứng với xã hội "già". 

Mời các bạn xem clip GS Nguyễn Đình Cử chia sẻ về thách thức và cơ hội khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người.

GS Nguyễn Đình Cử: Dân số Việt Nam 100 triệu người, trở thành một cường quốc về dân số. Clip: Gia Khiêm

"100 triệu chỉ là con số và những vấn đề chính sách kinh tế - xã hội - sức khỏe đều gắn liền với việc làm thế nào tận dụng được dân số có "cơ cấu vàng" để chuẩn bị và thích ứng với dân số "già" trong một thời gian ngắn.

Nếu tận dụng tốt, chúng ta được "thưởng" khi lao động trẻ có năng suất cao, có việc làm, thu nhập tốt nên có tiết kiệm, "của để dành" cho tuổi già; ngược lại, nếu không tận dụng được thì sẽ là "gánh nặng" khi lao động trẻ có ít việc làm, thu nhập thấp khiến tiết kiệm thấp, không đủ chuẩn bị cho tuổi già và tạo gánh nặng lớn cho hệ thống an sinh xã hội và thuế trong tương lai".

GS.TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số - phát triển và an sinh xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem