Đại hội VIII Hội NDVN: Đại biểu Quảng Nam mong Chính phủ tăng hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị

Trần Quang Thứ ba, ngày 26/12/2023 19:18 PM (GMT+7)
Tham luận tại đại hội, bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bình luận 0
Đại biểu tỉnh Quảng Nam mong Chính phủ đầu tư thêm các chương trình, dự án hỗ trợ ND sản xuất theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam trình bày tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028. Ảnh: Viết Niệm

Quảng Nam là một trong các đơn vị hoạt động hiệu quả nhất tại địa phương

Tham luận Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028, đại biểu Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam thông tin: Quảng Nam là tỉnhcó diện tích đất tự nhiên trên 10 ngàn km2; dân số gần 1,5 triệu người, Quảng Nam có 206.114 hội viên nông dân. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới của tỉnh ngày càng được đầu tư và có nhiều khởi sắc.

Đến nay, toàn tỉnh có 04 đơn vị cấp huyện, 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 63,4%); cơ cấu lao động khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên sản xuất nông - lâm- ngư nghiệp vẫn là ngành kinh tế truyền thống tiếp tục phát triển nhằm ổn định an ninh lương thực tại chỗ và phát triển kinh tế của người dân nông thôn.

Thực hiện Kết luận 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư về "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2010-2020"; Kết luận 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của BBT TW Đảng về "Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội"; Quyết định 673-QĐ/TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về "Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở nông thôn, giai đoạn 2011-2020".

Xác định công tác đào tạo nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một yêu cầu cần thiết trong hoạt động của tổ chức Hội giai đoạn hiện nay, trong những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện và đem lại nhiều kết quả đáng tự hào: Dịch vụ tư vấn, đào tạo nghề: Ban Thường vụ HND tỉnh giao trách nhiệm cho Trung tâm trực tiếp và liên kết đào tạo, nhiệm kỳ 2018 – 2023, đào tạo 580 lớp cho 18.469 lao động.

Trong đó, riêng năm 2023 tổ chức 144 lớp nghề cho 4.600 lao động, các nghề phi nông nghiệp như: May công nghiệp, kỹ thuật chế biến thức ăn – nước uống, các nghề thủ công mỹ nghệ, chăm sóc da…; các nghề nông nghiệp như: Trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật IPM trên cây trồng, chăn nuôi thú y, nuôi và phòng trừ bệnh cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản… Sau khi đào tạo có hơn 85% lao động được giới thiệu việc làm và tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định.

Qua kết quả trên, Trung tâm được tỉnh Quảng Nam đánh giá là một trong các đơn vị hoạt động hiệu quả nhất tại địa phương. Dịch vụ cung ứng vốn vay Quỹ HTND:Được tăng trưởng hằng năm (từ 2021- 2025: UBND tỉnh phân bổ 7 tỷ đồng/năm). Hiện nay các cấp Hội quản lý 150,617 tỷ đồng (trong đó TW ủy thác: 11,958 tỷ; tỉnh: 75,535 tỷ; huyện: 63,124 tỷ đồng), giúp cho 3.767 lượt hộ nông dân vay vốn.

Nhờ quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn này đã giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giàu, thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CS-XH, các cấp Hội tham gia quản lý 2.244 tỷ đồng, giúp cho 44.626 lượt hộ vay ở 1.109 tổ TVV. Ngoài ra Hội còn liên kết với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giúp nông dân vay gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế.

Dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm và giống cây trồng: Trong nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo Trung tâm GDNN&HTND, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ cung ứng phân bón với hình thức trả chậm cho nông dân. Trung tâm trực tiếp đặt hàng với Công ty Cổ phần Bình Điền Quảng Trị; Công ty phân bón Sao Việt Quảng Bình; Công ty CP Vật tư nông nghiệp Bình Định (Mặt trời mới) sản xuất phân bón theo công thức độc quyền mang nhãn hiệu, mẫu mã riêng dành cho Hội Nông dân. Chương trình ngày càng được mở rộng, chất lượng phân bón ngày càng được nâng lên, giá thành ổn định, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Đến nay đã triển khai trên ở 13 huyện, thị xã, thành phố, 130 xã, phường, thị trấn và hàng trăm ngàn lượt hộ nông dân tham gia.

Hàng năm Trung tâm trực tiếp cung ứng từ 6.000 đến 7.000 tấn phân bón các loại cho nông dân, giá trị trên 120 tỷ đồng theo hình thức trả chậm. Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, cùng với việc cung ứng, nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón đúng liều lượng, đúng cách… nên cây trồng phát triển tốt, hạn chế sâu, bệnh hại, năng suất chất lượng sản phẩm được nâng lên, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao, được cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tích cực.

Nhằm giúp hội viên nông dân tiếp cận dịch vụ tư vấn giống cây ăn quả có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và được tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây ăn quả, giúp cho nông dân an tâm đầu tư sản xuất.

Trung tâm cung ứng các loại giống cây đảm bảo chất lượng, có vườn cây đầu dòng, được các cơ quan chức năng sở tại kiểm tra, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận từng loại cây, có tem và mã QR truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để cung ứng cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh. Hàng năm Trung tâm đã cung ứng trên 15.000 cây giống các loại cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh với trị giá gần 1 tỷ đồng.

Dịch vụ quảng bá, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm: Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, xúc tiến hoạt động liên kết với các doanh nghiệp để kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các trung tâm thương mại và siêu thị; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, nông dân có sản phẩm tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh nhà.

Đại biểu tỉnh Quảng Nam mong Chính phủ đầu tư thêm các chương trình, dự án hỗ trợ ND sản xuất theo chuỗi giá trị - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật về phòng trị bệnh và chăn nuôi heo đen, bàn giao heo giống, thức ăn bổ sung cho các hộ tham gia dự án thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày 6/10/2023.

Riêng Hội Nông dân tỉnh tổ chức 4 lần hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, mỗi lần thu hút trên 300 gian hàng, hơn 1.500 sản phẩm, hàng hóa các loại với doanh số mỗi Hội chợ đạt trên 3 tỷ đồng. Qua đó, khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; đầu tư thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, mặc dù kết quả chưa được như mong muốn, nhưng phần nào tổ chức Hội cũng thể hiện được vai trò là "bà đỡ" giúp nông dân trong sản xuất, phát triển kinh tế.

Qua đó, mối quan hệ giữa tổ chức Hội và nông dân được gần gũi, gắn kết bền chặt và thông qua tổ chức Hội, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước được triển khai đến nông dân, tổ chức Hội là cánh tay nối dài giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trong đó có nông dân. Cùng với những hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân trên đây, cộng với khai thác hoạt động dịch vụ tại chỗ về cơ sở vật chất của

Trung tâm đã cho doanh thu hằng năm gần 130 tỷ đồng; trích phí quản lý cấp huyện và cơ sở hằng năm gần 3 tỷ đồng; trích khấu hao tài sản cố định và nộp thuế nhà nước hằng năm hơn 1,5 tỷ đồng. Trung tâm GDNN&HTND trực thuộc Hội Nông dân tỉnh đã tự chủ chi thường xuyên (158%) với đội ngũ cán bộ nhân viên 18 người.

Cần tiếp sức

Từ các hoạt động trên cho thấy, các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ; các chương trình liên kết bao tiêu nông sản mà các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai trong thời gian qua đã và đang nhận được sự đồng thuận của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đã đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.

Kết quả các mô hình đã tác động tích cực, từng bước thay đổi nhận thức trong nông dân chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp"sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", tạo điều kiện cho hội viên nông dân yên tâm sản xuất, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân.

Đây thật sự là hướng đi đúng, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm, uy tín của tổ chức Hội; các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh cũng đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, phát huy vai trò nòng cốt, chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế, đó là: Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế, thiếu chiều sâu, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân.

Những khó khăn hạn chế trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là: Một bộ phận cán bộ Hội nhận thức chưa sâu sắc về hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân; thiếu hướng dẫn, giúp đỡ cho hộ nông dân; trong triển khai còn bị động, lúng túng, thiếu tự tin, quyết liệt. Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền để tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân ở một số nơi còn hạn chế.

Cùng với đó, yếu tố cạnh tranh gay gắt của thị trường bên ngoài cũng là một rào cản, khó khăn lớn đối với hoạt động cung ứng các dịch vụ của Trung tâm, nhất là việc cung ứng phân bón trả chậm. Để tạo điều kiện cho các cấp Hội tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân, đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xin kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, như sau:

TW Hội căn cứ các văn bản pháp luật để vận dụng xây dựng các hệ thống văn bản quản lý các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Hội, theo tính chất đặc thù; hướng dẫn tổ chức, biên chế, hoạt động và tên gọi của Trung tâm thống nhất trên cả nước.

Ban hành văn bản qui định về danh mục sự nghiệp công, dịch vụ công hỗ trợ theo đặc thù của nông dân và hướng dẫn các cấp Hội về nguyên tắc tổ chức, quản lý tư vấn, hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân đảm bảo theo qui định của pháp luật hiện hành.

Đề xuất với Chính phủ đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem