Học hộ, học thuê: Cấm vẫn… “diễn”

Thứ tư, ngày 03/11/2010 10:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo giới thiệu của Yến, tôi lần tìm trang web, nơi việc học thuê được quảng cáo là “dịch vụ hoàn hảo dành cho người bận rộn” và “chào hàng” với nội dung rất hấp dẫn...
Bình luận 0

Bộ GD – ĐT vừa có công văn yêu cầu các trường ĐH trong cả nước rà soát và siết chặt nạn học thuê ở hệ đào tạo vừa học, vừa làm. Tuy nhiên, lệnh “cấm” này dường như bất khả thi khi mà cách học không thay đổi.

Cấm vẫn… “diễn”

Là vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp, nhưng chị Nguyễn Thị Huyền (28 tuổi) vẫn cố gắng thi lấy cái bằng tại chức ĐH Ngoại thương để vài năm sau khi hết tuổi chơi bóng có thể xin làm việc khác.

Lịch học chỉ vào 3 buổi tối mỗi tuần, nhưng chị cũng không thể đi quãng đường hơn 10 km đến lớp sau mỗi ngày tập luyện mệt mỏi. Cuối cùng, một cô sinh viên năm 2 đã nhận 40.000 đồng/buổi 2 tiếng “thế vai” chị lên lớp với yêu cầu: Đi học đầy đủ, đúng giờ, làm bài kiểm tra đầy đủ.

Phạm Thị Hoa – sinh viên năm 2 một học viện có tiếng đã bỏ ngay công việc gia sư vất vả với số lương ít ỏi để theo cô bạn đi học thuê tại khoa Tiếng Trung – ĐH Quốc gia Hà Nội cho một chị năm thứ 3 đang nghỉ… đẻ.

Rất công khai, trang web hocthue... còn đưa thêm “bảng giá” cho các dịch vụ cấm này với 70.000 đồng/3 tiếng, học 3 buổi/tuần thì giá “mềm” hơn, với 60.000 đồng, còn học cả tháng liên tục là 500.000 đồng, còn luận án luận văn, báo cáo thì phí thoả thuận. Dẫu “phi pháp”, nhưng trang web vẫn ngang nhiên tồn tại.

Hoa cho biết, vì không biết một tý gì về tiếng Trung (cô theo học tiếng Anh) nên cứ bước vào lớp là cô run. Sợ nhất là bị cô giáo gọi lên làm bài tập mà một chữ cắn đôi không biết… rồi bị phát hiện là “diễn viên đóng thế” thì xấu hổ nên trong lớp Hoa cứ cúi gằm mặt không dám ngẩng đầu lên.

Khác với Hoa, Nguyễn Thanh Yến – cựu sinh viên Trường ĐH Công đoàn đã “chuyên nghiệp” hơn trong việc học thuê. Cô từng có “thâm niên” học thuê từ năm thứ 2 và là cộng tác viên của trang hocthue... được quảng cáo rất rầm rộ trên mạng Internet.

Theo giới thiệu của Yến, tôi lần tìm trang web, nơi việc học thuê được quảng cáo là “dịch vụ hoàn hảo dành cho người bận rộn” và “chào hàng” với nội dung rất hấp dẫn: “… chúng tôi cung cấp các dịch vụ phục vụ giáo dục như học thuê, làm đề tài, luận văn, luận án thuê… với đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, đông đảo khắp các trường ĐH ở Hà Nội. Chúng tôi phục vụ quý khách một cách chuyên nghiệp và làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất…”.

Yến cho biết: Trang web này có chức năng như một trung tâm giới thiệu việc làm. Cô không cần phải tìm mối vẫn có “việc” liên tục cả tuần (tối thì học cho các lớp tại chức, cả ngày thứ 7, Chủ nhật thì học cho các lớp cao học) và thu nhập cũng khá cao, chỉ phải trích % theo quy định cho quản lý web. Đặc biệt, việc “liên hệ” với cả cộng tác viên và học viên chỉ qua điện thoại, email và chat…

Thêm một lệnh cấm… thừa

Trong khi nạn học thuê chưa hề dứt thì các trường vẫn đang loay hoay với biện pháp quản lý hệ học này

Theo Thạc sĩ Trần Công Đinh – giảng viên môn Hiến pháp hệ tại chức ĐH Luật Hà Nội: “Ngay cả học chính quy, nhà trường cũng chỉ kiểm tra được bằng việc điểm danh và thi cử, chứ nói gì hệ tại chức. Việc nhớ mặt sinh viên càng là điều không tưởng với các giảng viên.

Hơn nữa, học ĐH đề cao tinh thần tự học của sinh viên là chính. Theo tôi, không phải là “cấm” như thế nào mà phải làm gì để không phải “cấm”, vì đương nhiên đây là việc không cho phép vậy tại sao lại phải “cấm”, chẳng lẽ trước đây chưa “cấm” thì được phép? Điều cần bây giờ là phải thay đổi cách dạy học và tư duy của sinh viên hệ tại chức”.

Ông Đinh cũng đề xuất: Cần phải cải tiến chương trình học, làm sao để thu hút sinh viên, để họ không còn coi việc học tại chức chỉ là ngồi điểm danh lấy bằng, lúc ấy bản thân họ sẽ tự giác đến lớp. Bên cạnh đó cần sát hơn trong vấn đề “đầu ra” của hệ này. Hiện tại, người học có tâm lý, học tại chức như đi chơi, thi vào dễ, ra dễ nên coi thường việc học thực thụ.

Còn PGS -TS Lê Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động và Xã hội thì chia sẻ: “Đã nhiều năm làm công tác dạy tại chức tại nhiều trường, tôi thấy việc kiểm soát không có hiệu quả. Điều này một phần do sinh viên trong lớp thường bao che cho nhau, thậm chí cán bộ lớp cũng làm ngơ khi có nhiều “người lạ” trong lớp. Ngoài ra, các trường đều chưa có chế tài xử lý hiệu quả”.

Trong khi các trường vẫn loay hoay, thì quan điểm của bộ lại chỉ dừng lại ở nhắc nhở. Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD – ĐT cho biết:

“Trách nhiệm kiểm soát học sinh đi học là của các trường và trực tiếp là các thầy phụ trách môn học. Nếu các trường muốn chấm dứt nạn học thuê, rất đơn giản là thầy phải điểm danh thường xuyên bằng thẻ sinh viên.

Bộ không thể kiểm tra trực tiếp điều này được. Để làm được điều này đòi hỏi ý thức trách nhiệm của nhà trường và từng người đi dạy. Học thuê là vi phạm về quy chế dạy và học. Việc kỷ luật giáo viên và học sinh thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng. Bộ chỉ giám sát trường mà thôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem