Đại gia thuỷ sản ôm 80 tỷ lặn mất tăm: Dân sẽ được trả tiền

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 08/03/2017 07:27 AM (GMT+7)
Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng với phương án giải quyết mà ngành chức năng đưa ra, những hộ dân tham gia dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra tại tỉnh An Giang đã hết sức đồng thuận.
Bình luận 0

Ngày 7.3, Tổ xử lý dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra tại tỉnh An Giang (Tổ xử lý 441) đã có buổi làm việc với các hộ dân và ngân hàng để thông qua dự thảo lần 4 phương án xử lý khoản vay của các hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Tấn – một trong những hộ nuôi cá trong dự án cho biết, buổi làm việc đã kết thúc tốt đẹp khi các hộ nuôi cá và phía ngân hàng đều đồng tình với phương án do Tổ xử lý 441 đưa ra.

Cụ thể, những hộ dân bán cá cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) tính ra số tiền lớn hơn số nợ vay ngân hàng thì sẽ được chi trả tiền (lấy từ nguồn hoàn thuế VAT trong năm 2015 và năm 2016 của Tafishco là khoảng 14,921 tỷ đồng), riêng những hộ bán cá tính ra số tiền thấp hơn số nợ vay, thì những hộ này sẽ phải trả nợ cho ngân hàng.

img

Vùng nuôi cá tra trong dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra tại tỉnh An Giang

“Số tiền bán cá của gia đình tôi thấp hơn nợ vay nên tôi phải trả cho ngân hàng trên 800 triệu đồng. Cách giải quyết này của Tổ xử lý 441 rất hợp lý bởi theo hợp đồng đã ký khi mới triển khai dự án, người dân bán cá cho Tafishco coi như đã trả nợ, phía công ty chỉ thu lãi và nợ vay” – ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, phương án trên đã được phía ngân hàng cho vay, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang chấp thuận. Tuy nhiên, phương án này còn phải trình UBND tỉnh An Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, thống nhất chỉ đạo.

Ông Võ Nguyên Nam – Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang – Tổ trưởng Tổ xử lý 441 cho biết, nếu phương án trên được chấp thuận, tổ sẽ yêu cầu ngân hàng cho vay và người nuôi cá thực hiện hoàn tất cấn trừ nợ sớm, hoàn tất các nghĩa vụ giữa các bên.

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, năm 2014, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt cho vay thí điểm dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến trên địa bàn tỉnh An Giang. Dự án này có sự liên kết giữa nhiều hộ dân ở An Giang, Tafishco và phía ngân hàng cho vay. Nguyên tắc của chuỗi liên kết là ngân hàng giải ngân theo hóa đơn mua thức ăn nuôi cá của hộ dân. Sau thời gian nuôi, hộ dân phải bán cá vào Tafishco và công ty này có trách nhiệm trả vốn vay mua thức ăn trực tiếp cho phía ngân hàng, trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn trên.

Tuy nhiên, đến ngày 29.10.2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng giám đốc Tafishco đã sang Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá và cho đến nay chưa trở về. Theo đó, phía công ty cũng không thực hiện trả vốn vay mua thức ăn cho phía ngân hàng (khoảng 80 tỷ đồng của 9 hộ dân) và trả số tiền còn lại cho các hộ dân sau khi trừ tiền mua thức ăn cho cá như thỏa thuận…

Sau khi người nuôi cá gửi đơn cầu cứu khắp nơi cũng như có ý kiến của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã thành lập Tổ xử lý 441 để xử lý vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem