Đại biểu dân cử và lời hứa với cử tri: Xin hãy khắc ghi những lời Bác Hồ đã dạy!

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 19/05/2021 06:10 AM (GMT+7)
Những ngày này, nhân dân cả nước đang hướng tới ngày hội non sông - bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tháng 5 năm nay, nhân dân ta cũng kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021), lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bình luận 0

Sức nặng của lời hứa

Hiện nay, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đang thực hiện việc vận động bầu cử. Quá trình đó, các ứng cử viên đều công bố chương trình hành động của mình nếu đắc cử, tức là cam kết sẽ làm những việc cụ thể nếu được cử tri tín nhiệm.

Đa phần, ứng cử viên hứa những điều trong phạm vi, thẩm quyền và năng lực của mình bởi hơn ai hết, họ hiểu sức nặng của lời hứa. Một khi lời hứa vượt khỏi phạm vi, "lời nói gió bay" sau khi trúng cử thì uy tín của ĐBQH trong mắt nhân dân sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Tất nhiên, đây không phải là chuyện bây giờ mới có. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhắc nhở việc này.

Ngày 6/1/1946, Chính phủ quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội. Trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, 15 giờ chiều ngày 5/1/1946, hơn 2 vạn đồng bào thủ đô Hà Nội mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử tại khu Việt Nam học xá - nay là Đại học Bách Khoa. Tại cuộc mít tinh, Người nói: "Làm việc bây giờ là hy sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung".

Bài học Bác Hồ dặn ĐBQH về giữ lời hứa với cử tri - Ảnh 2.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân" (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khu phố Ba Đình khóa V, tại hòm phiếu số 6, đơn vị bầu cử 1, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội, ngày 27/4/1969. Ảnh: TTXVN

Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô, Người nói rõ hơn về phẩm chất của người ĐBQH. "Tất cả ĐBQH hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm ĐBQH, không phải là để làm quan, không phải để ngồi trên, ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào… Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng, một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa… Nhân dân có quyền bãi miễn ĐBQH, đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân".

Tức là, đã hứa với nhân dân những gì thì phải làm cho kỳ được. Điều đó có nghĩa là người cán bộ không chỉ giữ chữ tín với nhân dân mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp của bản thân trước nhân dân. Không dừng lại ở đó, có những điều tuy không hứa nhưng người cán bộ cũng phải nỗ lực thực hiện, như phải luôn rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, phải luôn phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, luôn trung thành với Tổ quốc… Làm được điều đó, người cán bộ đó đồng thời tạo ra hình mẫu về tấm gương tận tụy với nhân dân của cán bộ, đảng viên nói chung.

Bên cạnh đó, việc giữ lời hứa là yêu cầu "nói đi đôi với làm", có nghĩa là lời nói và hành động phải nhất quán nhau, nói sao làm vậy, nói hay thì phải làm cho hay, thậm chí nói ít làm nhiều chứ không phải nói xong bỏ đấy hay nói một đàng làm một nẻo…

Bản thân Bác Hồ là người luôn thống nhất lời nói và hành động. Bác kêu gọi mọi người nhịn ăn để cứu đói cho đồng bào thì bản thân Bác luôn tự giác thực hiện. Bác kêu gọi mọi người tập thể dục để rèn luyện sức khỏe thì dù điều kiện khó khăn thế nào Bác vẫn đi bộ, tập thái cực quyền, đánh bóng chuyền, bơi lội, thậm chí còn leo núi… Bác kêu gọi mọi người luôn tiết kiệm thì bản thân Bác triệt để thực hành tiết kiệm trong ăn mặc, sinh hoạt, kể cả sử dụng lại từng mảnh giấy nhỏ… Những điều đó, tất cả cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ và thực hành thường xuyên, liên tục.

Còn tình trạng cán bộ "hô khẩu hiệu xuông"

Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong bài viết Cán bộ tốt và cán bộ xoàng, đăng báo Sự thật ngày 15/6/1947, Bác Hồ nêu rõ: "Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn".

Thế nhưng trên thực tế còn có nhiều biểu hiện chưa đúng với lời dạy của Bác. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng".

Nhận xét đó vừa phản ánh một hiện tượng không lấy gì làm vui trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhưng qua đó ta thấy sự nhìn nhận xác đáng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì thế, trong thời gian qua, việc chấn chỉnh các biểu hiện chưa tích cực đó đã được thực hiện quyết liệt và triệt để.

Bài học Bác Hồ dặn ĐBQH về giữ lời hứa với cử tri - Ảnh 5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chỉ ra, việc “hô khẩu hiệu suông”, không giữ chữ tín của cán bộ, đảng viên làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Ảnh: IT

Giữ lời hứa nói trong phạm vi hẹp và biểu hiện đạo đức cá nhân, nhưng đối với cán bộ, đảng viên thì đó còn là biểu hiện đạo đức của Đảng. Do đó, mỗi đại biểu dân cử khi đã hứa thì phải tuyệt đối giữ lời, đồng thời luôn gắn lời nói với việc làm, dù có trở thành ĐBQH hay không.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề ĐBQH giữ lời hứa với cử tri, ông Phạm Văn Hòa - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho biết, ông kỳ vọng những đại biểu tái cử sẽ phát huy vai trò trong nghị trường, để nhiệm kỳ mới tiếp tục có những thành quả tốt được cử tri ghi nhận.

Với những đại biểu mới ứng cử lần đầu, cần học tập kinh nghiệm của những người đi trước và phát huy trách nhiệm, trí tuệ của mình đóng góp cho đất nước. Các ĐBQH, HĐND hãy thực hiện đúng những điều mà mình đã hứa trong chương trình hành động trước cử tri suốt cả một nhiệm kỳ.

Đại biểu trúng cử phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thậm chí bức xúc của bà con cử tri đã gửi gắm, chuyển tải trên nghị trường. Ở công tác lập pháp, cần có sự mạnh dạn góp ý những vấn đề ban soạn thảo đề ra trên cơ sở gắn với thực tế cử tri phản ảnh.

"Thực tế, có một số đại biểu tham gia ứng cử để được trúng cử chứ tham gia công việc ở nghị trường Quốc hội hay HĐND rất hạn chế. Tôi nhấn mạnh: là đại biểu phải có sự tích cực, trách nhiệm và hãy thực hiện đúng lời hứa trước cử tri", ông Hoà nói.

Đứng trước những khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra, nhớ tới lời căn dặn của Bác, chúng ta càng ý thức trách nhiệm trong việc sáng suốt, lựa chọn, giới thiệu những người đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Có vậy, Quốc hội và HĐND mới xứng đáng là đại biểu cao nhất cho quyền lực của nhân dân, có đủ năng lực và uy tín lãnh đạo nhân dân biến những khát vọng lớn lao do Đảng ta khơi dậy trở thành hiện thực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem