Đặc vụ “Falcon” của Liên Xô tại FBI từng thực hiện 17 vụ cướp ngân hàng ở Mỹ

Thứ sáu, ngày 18/02/2022 16:33 PM (GMT+7)
Được biết đến với mật danh “Chim Ưng” (“Falcon”), Christopher John Boyce có một công việc bí mật nhờ người nhà làm việc trong FBI và trở thành đặc vụ của Liên Xô. Vượt ngục sau khi bị kết án, đặc vụ này đã cướp 17 ngân hàng Mỹ.
Bình luận 0

Tiếp cận các bí mật

Christopher John Boyce lớn lên trong một khu phố cao cấp ở Nam Carolina. Từ nhỏ cậu đã nghiện ma túy và ham chơi bời, bỏ bê việc học hành. Sau khi tốt nghiệp trung học, Christopher vào đại học, rồi bị đuổi học. Bố của Christopher là một cựu nhân viên FBI, từng làm giám đốc an ninh cho Tập đoàn hàng không vũ trụ McDonnell Dougla, nổi tiếng với những phát triển quân sự, như máy bay siêu thanh đa năng F-4 Phantom II nổi tiếng thế giới.

Đặc vụ “Falcon” của Liên Xô tại FBI từng thực hiện 17 vụ cướp ngân hàng ở Mỹ - Ảnh 1.

Đặc vụ “Falcon” của Liên Xô tại FBI. Nguồn: russian7.ru

Nhờ mối quan hệ của cha mình, vào năm 1975, Christopher có được một công việc như ý tại công ty TRW danh tiếng ở California. Công ty mà anh ta làm việc có liên hệ chặt chẽ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, tham gia vào việc phát triển các chương trình bí mật. Dù còn trẻ nhưng nhờ những khả năng bẩm sinh được bộc lộ sớm, Christopher đã được trọng dụng. TRW có một đơn vị tối mật đặc biệt gọi là Black Vault.

Christopher đã đảm nhiệm một trong những vị trí hàng đầu tại đó và có quyền truy cập các tài liệu “tối mật”. Một mức lương tốt, một địa vị đầy uy tín, một diện mạo bí ẩn, một vẻ ngoài hấp dẫn - tất cả những điều này thực sự như một định mệnh của số phận. Số phận sẽ an bài nếu Christopher chỉ cống hiến và hưởng thụ. Nhưng khi mọi thứ diễn ra quá tốt đẹp, người ta lại muốn được nhiều hơn.

Bộ đôi tội phạm

Dù được trả lương cao nhưng không đủ tiền mua ma túy và ăn chơi, nên Christopher quyết định bán thông tin bí mật cho tình báo Liên Xô. Anh ta đã cử người bạn thời thơ ấu của mình là Andrew Lee đến Mexico để kết nối với các đặc vụ KGB tại đó. Vì tình yêu với chim ưng, Christopher đã nhận được mật danh hoạt động là “Falcon”, còn Andrew - mang biệt danh Người tuyết (“Snowman”) do chứng nghiện cocaine (trong tiếng lóng của xã hội đen, “snowball” có nghĩa là cocaine).

Trong hai năm, với sự giúp đỡ của người bạn, Falcon đã gửi những bức ảnh chụp các tài liệu tuyệt mật cho các sĩ quan KGB tại Đại sứ quán Liên Xô ở Mexico City và Vienna. Trong 2 năm, hàng tháng Falcon thông qua đồng phạm của mình, đã tuồn những tài liệu bí mật mà y đã chụp được cho KGB. Falcon thường xuyên gửi bản sao chụp tài liệu về các vệ tinh của Mỹ và thẻ chìa khóa cho các máy mật mã của Mỹ tới Mexico. Có giá trị đặc biệt đối với KGB là các thông tin về trạm vũ trụ “Rhyolite” chuyến dò tìm các vụ phóng tên lửa của Liên Xô.

Falcon đã nhận được hơn 70.000 USD cho sự hợp tác của mình với KGB. Chính y đã báo cho phía Nga việc Mỹ đang theo dõi các vụ thử tên lửa của Liên Xô. Khi biết được điều này, người Nga đã thay đổi hệ thống ngụy trang các đối tượng từ xa và nhờ đó, vô hiệu hóa các thiết bị trinh sát của Mỹ. Gã đặc vụ được KGB đề nghị học đại học sau đó, làm việc cho CIA hoặc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nơi y có thể có được các thông tin có giá trị. Khi kết thúc thời gian phục vụ, y được hứa sẽ trở thành công dân của Liên Xô.

Một thất bại bất ngờ

Tháng 1/1977, như thường lệ, Snowman đến Thành phố Mexico và cố ném một gói tài liệu qua hàng rào Đại sứ quán Liên Xô. Tuy nhiên, cảnh sát Mexico đã phát hiện được và cộng sự của Falcon bị bắt giữ. Snowman chẳng may lại giống với mô tả của một cảnh sát bị truy nã vì tội giết người. Và khi gói hàng được mở tại đồn cảnh sát, vụ việc ngay lập tức được chuyển cho FBI.

Trong cuộc thẩm vấn, Snowman đã phản bội Falcon, người cũng ngay lập tức bị FBI bắt giữ. Trước sức ép từ các bằng chứng, Falcon đã thú nhận mình là một điệp viên và giải thích rằng y hành động như vậy là do mất niềm tin vào nền chính trị Mỹ. Tháng 7/1977, một tòa án đã kết án Snowman tù chung thân và Falcon - 40 năm tù. Sau khi Falcon bị bắt, một trong những nhân viên CIA đã gọi hành động của đặc tình này là “một thảm họa quốc gia”.

Ước mơ trốn thoát

Tháng 2/1980, Falcon dùng kìm cắt dây điện của hàng rào bao quanh khu vực trại giam và trốn thoát. Trong khi các nhà chức trách truy nã kẻ chạy trốn ở Mexico, Australia, Costa Rica và Nam Phi, Falcon ung dung sống dưới tên giả Anthony Edward Lester tại thành phố cảng Port Angel thuộc tiểu bang Washington. Y mua được một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, dự định dùng nó vượt qua eo biển Bering để đến Liên Xô. Falcon tin rằng, phục vụ cho Liên Xô, y sẽ được phong ít nhất là một quân hàm sĩ quan, hoặc có thể sẽ được nhận phần thưởng nào đó của nhà nước.

Sau khi nói chuyện với các ngư dân địa phương, Falcon nhận ra rằng ý tưởng dùng thuyền vượt biển là quá mạo hiểm và quyết định đến Liên Xô bằng đường hàng không. Để thực hiện điều này, y bắt đầu tham gia các bài huấn luyện bay. Tuy nhiên, lần theo dấu vết của Falcon, tháng 8/1981, Falcon đã bị FBI bắt giữ. Theo kết quả điều tra, chỉ trong 1 năm, Falcon đã thực hiện 17 vụ cướp ngân hàng ở Washington và Idaho, không giết chết một người nào. Falcon nhận thêm 3 năm tù do trốn truy nã và 25 năm do các vụ cướp ngân hàng.

Tuy nhiên, sau 24 năm tù, ngày 16/9/2002, Falcon được tạm tha. Cùng năm, anh ta kết hôn với công tố viên Kathleen Mills. Cộng sự Snowman của Falcon được ra tù trước đó, vào năm 1998. Christopher đã viết một cuốn tiểu thuyết về mình và người bạn mang tên “The Falcon and the Snowman: American Sons”, đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất. Tháng 7/2008 Falcon được trả tự do hoàn toàn và vô điều kiện.

Lê Ngọc (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem