Cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" là cú hích cho những người cầm bút

Ma Kin Chủ nhật, ngày 07/11/2021 07:00 AM (GMT+7)
"Cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" chính là cơ hội, là cú hích thúc đẩy chúng tôi viết về nông thôn, về nông dân, về một phần hồn cốt văn hóa thẳm sâu, bất biến của dân tộc này" – tác giả An Thư chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Sau 2 năm phát động, cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" đã lựa chọn ra được 16 truyện ngắn xuất sắc nhất để trao các giải thưởng Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 9 giải thưởng của Ban tổ chức dành cho các tác giả đã có những đóng góp, hưởng ứng cuộc thi với tác phẩm chất lượng. Và 28 tác phẩm đoạt giải và tiêu biểu nhất đã được chọn để đưa vào cuốn sách "Thổn thức gió đồng".

Lễ trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 11/11/2021 tại trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay (Cầu Giấy, Hà Nội).

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với hai tác giả tham dự lễ trao giải lần này, đó là nhà văn Trần Chiến và nữ tác giả trẻ An Thư về những tâm huyết của họ dành cho các tác phẩm gửi về dự thi.

Nhà văn Trần Chiến (truyện ngắn "Con chú con bác"): "Tôi tham gia cuộc thi như một cơ duyên"

Tôi rất bất ngờ khi nhận giải thưởng của cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập", bởi tôi luôn được coi là người viết nhiều về đô thị, về Hà Nội. Khi viết về nông thôn, tôi coi đây như một cơ hội để sáng tạo.

"Cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" là cú hích cho những người cầm bút" - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Chiến. (Ảnh: TTVN)

Nguyên mẫu của tác phẩm "Con chú con bác" chính là là những người xung quanh tôi, hay một ai đó mà tôi có dịp gặp trong cuộc đời. Đó là những người từ làng quê lên Hà Nội làm ăn sinh sống, họ thể hiện quá khứ "con nhà nông", nơi xuất phát của họ. Tôi không còn nhiều người thân ở quê nhưng tôi luôn cố gắng quan sát và nhặt nhạnh để đưa vào tác phẩm.

Một điều may mắn nữa là tôi làm báo nên cơ hội về nông thôn khá nhiều. Cũng từ đó, tôi đưa vào truyện "Con chú con bác" tâm lý bị bỏ quên của người nông thôn bây giờ, hay sự gia trưởng của người đàn ông còn nặng nề trong làng xã… Tôi đổ nhiều vốn sống của mình ra trong đó, đặt vào truyện ngôn ngữ của mình, đó là lý do tôi viết dài, gần hết số lượng chữ mà ban tổ chức quy định.

Tham gia cuộc thi viết "Làng Việt thời hội nhập" với tôi như một cơ duyên. Khi một người bạn tôi gọi mời tham gia cuộc phát động này, tôi liền viết theo hướng hưởng ứng, không nặng nề về giải thưởng. Bốn truyện tôi dự thi đều được "Làng Việt thời hội nhập" đăng tải. Cả 4 truyện tôi không có "quy hoạch" gì về thông điệp, mỗi truyện tôi "gói" một ý tứ. Có thể nói cái chùm truyện ngắn này của tôi ra đời hồn nhiên, đến một cách tự nhiên.

Đề tài nông thôn trong văn học hiện nay không được sôi nổi như trước. Có một thực tế là nhiều người có xuất thân từ nông thôn nhưng lại nuôi giấc mơ thị thành. Trong khi tầng lớp thị dân lại tiếc nuối cuộc sống thôn dã. Tôi nghĩ điều này rất thú vị, sẽ rất hay nếu chúng ta thể hiện được sự trái ngược đó trong văn học.

Tác giả trẻ An Thư (truyện ngắn "Xóm Cồn"): "Người viết trẻ vẫn tha thiết với đề tài nông dân, nông thôn"

Tôi cho rằng, Ban tổ chức cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" đã làm rất tốt khâu quảng bá. Thông tin về cuộc thi tràn ngập trên báo giấy, báo mạng và được chia sẻ rất nhiều trên các trang thông tin, các fanpage, hội nhóm...

"Cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" là cú hích cho những người cầm bút" - Ảnh 2.

Tác giả An Thư (Ảnh: NVCC)

Do đó, không chỉ cá nhân tôi, mà đông đảo công chúng đều biết rõ thông tin về cuộc thi ngay từ lúc mới bắt đầu. Tôi quyết định thử sức ở "Làng Việt thời hội nhập" là bởi đề tài ý nghĩa và nhân văn mà cuộc thi hướng đến.

Đã rất lâu rồi, nông thôn và thân phận người nông dân mới trở thành đề tài chủ đạo của một cuộc thi văn học có quy mô. Thú thật, lúc đầu, vì là một "lính mới" của làng văn, tôi tham dự chỉ với tinh thần hưởng ứng là chủ yếu. Nhưng thật may mắn, truyện của tôi được Ban tổ chức chọn in khá sớm và may mắn hơn là lọt vào vòng Chung khảo.

Tôi viết Xóm Cồn trong khoảng 4 ngày; viết gần như một lèo không nghỉ. Truyện có dung lượng gần 10.000 chữ. Có người nói rằng, Xóm Cồn khá dài và nếu được cắt gọt ngắn đi thì sẽ hay hơn. 

Tôi rất cảm ơn và trân trọng lời góp ý. Song, ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ, Xóm Cồn không chủ đích viết về một nhân vật, trong một thời điểm. Nó là câu chuyện của một đời... Do đó, tôi quyết định giữ nguyên dung lượng của truyện để gửi đi.

Hiện nay, mảng đề tài về nông thôn, nông dân không được quan tâm như trước, nhưng đó vẫn là mảng đề tài hấp dẫn, chứa đựng nhiều vấn đề sâu sắc cho người viết khai thác, mổ xẻ. Tôi cho rằng, không chỉ người viết lớn tuổi, mà nhiều người viết trẻ như chúng tôi vẫn tha thiết với đề tài này.

Những cuộc thi như "Làng Việt thời hội nhập" chính là cơ hội, là cú hích thúc đẩy chúng tôi viết về nông thôn, về nông dân, về một phần hồn cốt văn hóa thẳm sâu, bất biến của dân tộc này. Nếu trong thời gian tới, có thêm nhiều cuộc thi như "Làng Việt thời hội nhập", tôi nghĩ, rất nhanh thôi, đề tài về nông thôn, nông dân sẽ thực sự trở lại mạnh mẽ trên văn đàn với nhiều tác phẩm có giá trị.

Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà tài trợ Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) – nhà tài trợ kim cương.

Cuộc thi được phát động và nhận tác phẩm dự thi từ ngày 26/4/2019 và kết thúc nhận bài vào ngày 28/2/2021 (tính theo dấu bưu điện hoặc thư điện tử).

Lễ trao giải sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 11/11/2021 tại Hội trường Lớn tầng 13, tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay – Lô E2 Khu đô thị mới, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem