Cuộc đấu trí của bác sĩ cấp cứu

Thứ ba, ngày 04/10/2011 12:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, nhiều bác sĩ (BS) phải đối mặt với việc bị người nhà bệnh nhân uy hiếp vì bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, có chứng kiến một ca trực mới hiểu, mỗi một lần cấp cứu là một cuộc đấu trí để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Và những rủi ro là không tránh khỏi...
Bình luận 0

Giành sự sống từ tay tử thần

Mỗi ngày khoa Cấp cứu BV Việt - Đức (Hà Nội) phải tiếp nhận 15-30 ca. Phòng khám lúc nào cũng căng thẳng bởi những tiếng kêu la của bệnh nhân. Có mặt tại phòng tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân cấp cứu của BV Việt - Đức ngày 29.9, tuy đã 5 giờ chiều nhưng 3 BS vẫn làm việc luôn tay.

img
Các bác sĩ đang mổ cấp cứu cho một ca chấn thương sọ não tại BV Việt Đức.

Lúc này, phòng có 6 nạn nhân thập tử nhất sinh, nửa mê nửa tỉnh. Người mới nhất được chuyển vào vẫn không thôi co giật. Có người máu không ngừng chảy, tiếng kêu ngắt quãng. Nạn nhân Cao Thị D, 27 tuổi, trên đường tới BV thực tập thì bị ôtô phóng nhanh đâm thẳng vào người. Khi đưa vào BV, cánh tay phải của D bị giập nát.

Sau 3 tiếng đồng hồ đứng bên bàn mổ, các bác sĩ đã mổ thành công cho bệnh nhân D. Cánh tay bên phải của nạn nhân lúc đầu được chỉ định tháo toàn bộ khớp vai, nhưng các BS đã giữ lại được một phần tay để nạn nhân có thể làm tay giả. Các điều dưỡng viên nhanh chóng đưa bệnh nhân về lại phòng cấp cứu để chăm sóc.

Mới đây, các BS khoa Đột quỵ não - Bệnh viện Quân y 103 cũng vừa cứu sống một trường hợp chảy máu tiểu não ổ lớn, có nhiều bệnh mạn tính phối hợp. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Th, 59 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) rơi vào tình trạng bất tỉnh sau một cơn đau đầu bất thường.

Các BS cho biết, khi nhập viện bệnh nhân bị hôn mê sâu, trên thang điểm đánh giá ý thức (glasgow) thì bệnh nhân ở mức 5 điểm - mức tính mạng rất nguy kịch, đang hấp hối.

BS chuyên khoa I Nguyễn Văn Tuấn - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, trường hợp này không thể đáp ứng được phẫu thuật, người bệnh có thể tử vong ngay khi lên bàn mổ. Vì vậy, lựa chọn điều trị nội khoa tích cực là giải pháp duy nhất đối với người bệnh lúc này. Do đó, trong trường hợp này nếu không vững chuyên môn, không dám đấu trí thì bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái hôn mê sâu dẫn đến suy thận cấp, trụy tim và tử vong.

Thức thâu đêm vì bệnh nhân

Công việc ban ngày đã vất vả, việc thực hiện các kíp trực cấp cứu tối còn vất vả gấp bội. Theo BS Hoàng Trọng Hiền, kíp BS trực đêm ở BV Việt - Đức thường có 20 người, nhưng những đêm nhiều bệnh nhân, các anh phải "trực chiến" 100% quân số. "Nhiều đêm, dù đã về đến nhà nhưng vì quá nhiều ca khẩn cấp nên tôi phải quay lại mổ. Đó là chuyện thường ngày ở đây"- BS Hiền tâm sự.

Trong những kíp trực không biết đâu là ngày đâu là đêm ấy, các BS không chỉ phải đấu trí mà đôi khi còn phải đấu sức với những cơn buồn ngủ kéo đến. Nhiều lúc cơ thể mệt mỏi nhưng họ vẫn phải căng mắt tập trung cao độ theo từng đường dao, mũi chỉ cả 7-8 tiếng đồng hồ để thực hiện ca phẫu thuật. BS Hiền chia sẻ: "Thức đêm nhiều cũng thành quen. Mỗi đêm hạnh phúc lắm thì bọn tôi được ngủ 1 tiếng, không thì chỉ có thể tranh thủ chợp mắt 10 - 15 phút trên ghế trong khi chờ đưa bệnh nhân vào buồng mổ".

Một buổi tối làm việc của các BS bệnh viện kéo dài từ 20 giờ ngày hôm trước tới 8 giờ hôm sau. Cường độ làm việc càng về đêm càng cao vì nhiều bệnh nhân được chuyển đến. Từ 22 giờ đến sáng hôm sau là quãng thời gian căng thẳng nhất mà chúng tôi phải giành giật sự sống cho những bệnh nhân nguy kịch.

Không riêng gì các bệnh viện lớn, tại nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, các BS cũng từng giờ từng phút vật lộn để cứu sống người bệnh vào bất kỳ thời điểm nào. Không chỉ chịu áp lực về công việc, nhiều lúc các BS cũng gặp phải những áp lực từ chính người nhà bệnh nhân.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư tâm sự: “BS trưởng kíp trực là người luôn căng thẳng nhất vì phải cân nhắc lựa chọn phương án điều trị tối ưu, quyết định đến sự sống còn của người bệnh nên nhiều lúc đầu óc luôn căng ra. Nhiều khi nhìn những ánh mắt lo sợ, tức giận của gia đình bệnh nhân, mặc dù đã rất mệt nhưng mình lại phải xoa dịu để họ bớt đi lo lắng”.

Dẫu cứu hàng trăm bệnh nhân “thập tử nhất sinh” nhưng chỉ 1 bệnh nhân ra đi là các BS lại bị “tra tấn” tinh thần từ người nhà bệnh nhân.

“Chúng tôi chỉ mong người nhà bệnh nhân có cái nhìn công bằng để các BS không phải chịu “áp lực kép” từ chính ca bệnh và người nhà bệnh nhân” - BS Cấp nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem