"Cuộc chiến" của bé 15 giờ tuổi đã phải can thiệp tim, chạy ECMO với lồng ngực mở

Diệu Linh Thứ ba, ngày 23/06/2020 20:01 PM (GMT+7)
Chỉ 2h sau sinh đã lên bàn cấp cứu, 15h trải qua ca can thiệp tim phức tạp kéo dài 5h, 4 ngày liên tục chạy tim phổi nhân tạo (ECMO) với lồng ngực mở, bé Nguyễn Minh H (sinh ngày 13/5) đã sống sót kỳ diệu nhờ những đôi bàn tay vàng của các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư.
Bình luận 0

Ngày 23/6, TS -bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, sau 42 ngày can thiệp tim mạch, hiện bé Nguyễn Minh H (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tự thở tốt, các chỉ số ổn định và có thể cho xuất viện. 

Kể lại ca bệnh, bác sĩ Trường cho biết, đây là ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhi nhỏ giờ, với những dị tật tim phức tạp, bệnh nhi sức yếu. Để cứu sống được bệnh nhân, các bác sĩ đã phải trải qua những giờ "đấu trí" căng thẳng, giành giật từng giây, từng phút sự sống. 

"Cuộc chiến" của bé 15 giờ tuổi đã phải can thiệp tim, chạy ECMO với lồng ngực mở - Ảnh 1.

Hai vợ chồng

Bệnh nhi Minh H được sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh nhi đã được siêu âm và chẩn đoán mắc tim bẩm sinh (Tứ chứng Fallot) phức tạp. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã được thông báo về ca bệnh, theo dõi và phối hợp điều trị từ khi thai nhi mới 26 tuần tuổi. 

Đáng nói, bệnh nhi không chỉ dị tật tim bẩm sinh Tứ chứng Fallot mà còn kèm theo tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và ống động mạch đã đóng, rất nguy hiểm.

Theo TS Trường, với Tứ chứng Fallot, thông thường các bệnh nhi sẽ được can thiệp tim mạch khi đã 6-9 tháng tuổi. Nhưng với bệnh nhi Minh H, ngay sau khi sinh 2h bé đã bị tím tái, suy hô hấp nặng phải thở máy nên được chuyển thẳng đến Trung tâm Tim mạch trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư). 

"Cuộc chiến" của bé 15 giờ tuổi đã phải can thiệp tim, chạy ECMO với lồng ngực mở - Ảnh 2.

Do tình trạng của bé quá nặng, bão hòa oxy chỉ còn 40%, người tím đen nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định can thiệp tim mạch ngay. "Đây là ca bệnh rất nhỏ, sức yếu nên ngay từ việc gây mê, cài đặt máy móc hỗ trợ sự sống cho bệnh nhi đã mất 2 giờ", bác sĩ Lê Hồng Quang (Trung tâm Tim mạch trẻ em) kể lại. 

Ca can thiệp tim mạch vào lúc 2h sáng ngày 14/5, khi bệnh nhi mới 15 giờ tuổi, nặng 3,5kg. Các bác sĩ cũng đã mất 5 giờ để "sửa chữa" trái tim chỉ to như quả táo của bệnh nhi. 

Tuy nhiên diễn biến sau mổ của trẻ xấu dần đi theo từng giờ từng phút do tình trạng tăng áp lực động mạch phổi. Trẻ được các bác sỹ hồi sức tích cực, cho thở máy với khí NO để giảm áp lực động mạch phổi nhưng không hiệu quả. "Đây là vấn đề chúng tôi đã lường trước vì phẫu thuật bệnh lý Fallot không phải vấn đề quá khó khăn về kỹ thuật, nhưng câu chuyện hồi sức trước và sau mổ cho bệnh nhân quá nhỏ, quá yếu như thế này phức tạp", TS Trường cho biết.

Đặc biệt, do để theo dõi các biến chứng sau mổ, để quả tim không bị chèn ép và thuận tiện cho việc cấp cứu nhanh, các bác sĩ đã quyết định giữ bệnh nhân trong tình trạng "mở lồng ngực" suốt 8 ngày. Nhận thấy sức khỏe của bệnh nhi yếu đi, các bác sĩ lại quyết định sử dụng phương pháp hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân.

"Đối với các bệnh nhân khác, sau khi được đặt ECMO thì tình trạng sức khỏe sẽ có cải thiện, tuy nhiên, đối với bệnh nhi Minh H vẫn không hạ được huyết áp, các chỉ số sức khỏe không cải thiện. Điều này khá hiếm gặp. Đối với trường hợp này, thông thường sẽ được điều trị bằng thuốc vận mạch nhưng Việt Nam lại không có sẵn thuốc này. Chúng tôi lại chuyển qua dùng thuốc giúp co mạch nhanh và đã thành công" - bác sĩ Cao Việt Tùng - Trưởng khoa Điều trị tích cực Tim mạch ngoại khoa (Trung tâm Tim mạch trẻ em) chia sẻ những giờ đấu trí cam go.

Sau 4 ngày liên tục sử dụng ECMO, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt, đã được cai và rút ECMO nhưng vẫn phải để hở ngực do huyết động chưa thực sự ổn định, kèm theo tình trạng phù toàn thân và thoát dịch qua mô kẽ. Sau 8 ngày sau phẫu thuật, trẻ được đóng ngực và được tiếp tục hồi sức tích cực trong 18 ngày sau đó do tình trạng suy thận, suy tim...

"Cuộc chiến" của bé 15 giờ tuổi đã phải can thiệp tim, chạy ECMO với lồng ngực mở - Ảnh 3.

Bé khỏe mạnh và sắp được ra viện


"Hiện cháu bé đã được rút máy thở, tự thở tốt với tình trạng ổn định và chuẩn bị được ra viện. Kết quả siêu âm tim của cháu trước khi ra viện cho thấy tim của cháu H. hoạt động giống tim bình thường và áp lực động mạch phổi đã trở về bình thường", TS Trường thông báo. 

Theo TS Trường, Tứ chứng Fallot là một khuyết tật nghiêm trọng của quả tim, xuất hiện ngay từ thời kỳ bào thai. Phần lớn các trường hợp mắc tổn thương tim bẩm sinh này sẽ cần phẫu thuật khi trẻ được 6-9 tháng tuổi, rất hiếm khi cần phải phẫu thuật từ trong thời kỳ sơ sinh.

Đối với những trường hợp Tứ chứng Fallot có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi (vô căn hoặc tăng áp động mạch phổi từ trong bào thai) ngay sau sinh là rất hiếm gặp, đe doạ tính mạng ngay sau khi ra đời, cần phải phẫu thuật và can thiệp hồi sức khẩn cấp. Kể cả khi phẫu thuật thành công thì tỷ lệ tử vong cũng rất cao do quá trình hồi sức rất phức tạp và nặng nề, đòi hỏi các bác sĩ hồi sức cần có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành hồi sức tim mạch cũng như hồi sức sau mổ.

"Với bệnh nhi này mọi diễn biến nặng đều xuất hiện ngay sau sinh. Đây là ca bệnh hiếm gặp với tổn thương phức tạp, nặng nề đã được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch trẻ em quyết định điều trị kịp thời, vừa cứu sự sống, vừa mang lại một lại một trái tim lành lặn để bé phát triển bình thường như bao em bé khác", TS Trường khẳng định. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, dị tật tim bẩm sinh Tứ chứng Fallot là dị tật thường gặp. 98% bệnh nhi được cứu sống sau khi can thiệp tim mạch, sức khỏe ổn định, gần như người có trái tim khỏe mạnh bình thường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem