Cư dân mạng dậy sóng vì “sụp đổ” các thần tượng shark

M.T Thứ ba, ngày 19/11/2019 07:38 AM (GMT+7)
Shark Liên, Shark Tam, rồi Shark Khải Silk lần lượt để mất hình tượng khi họ dính vào những phi vụ lùm xùm, khiến không ít khán giả đòi tẩy chay hoặc đỡ cực đoan hơn – đòi chọn lựa kỹ nhân vật trong những chương trình kiểu Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank.
Bình luận 0

Sau khi xem chương trình “Thương vụ bạc tỷ”, nhiều người chứng kiến các shark dạy dỗ các start-up và đầu tư cho họ phát triển, thì không khỏi khâm phục và ngưỡng mộ họ. Nhưng thời gian qua, sau những vụ bê bối thấy rõ, không ít người xem tỏ rõ sự mất lòng tin vào một số thương nhân nói một đằng làm một nẻo.

Mới đây nhất, nhiều fan tỏ rõ thất vọng với “thần tượng” Shark Liên. Rất nhiều facebooker nổi tiếng lên án về thái độ và cách hành xử của một nhà kinh doanh có tiếng như bà Liên.

Cụ thể, hôm 15/11, trên trang Facebook có tên Madame Liên được cho là của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) có chia sẻ dòng trạng thái: "Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh thời thế chiến thứ 2 Winston Churchill: "Bạn sẽ không bao giờ đạt đến đích nếu bạn cứ dừng lại và ném đá vào mỗi con chó trên đường, chỉ vì tiếng sủa của chúng!". Câu nói hay và rất ý nghĩa mình muốn chia sẻ với cả nhà".

img

Bà Liên bị cư dân mạng "khai quật" chuyện đại náo sân bay 10 năm trước.

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng. Bà Đỗ Thị Kim Liên hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP nước mặt Sông Đuống.

Những ngày vừa qua, Nhà máy nước sông Đuống của Shark Liên trở thành chủ đề "nóng" được dư luận đặc biệt quan tâm liên quan đến lùm xùm giá nước của nhà máy này được Hà Nội mua cao gấp đôi so với giá nước của đối thủ cạnh tranh là Nhà máy nước sạch sông Đà của đại gia Tuấn "Gelex".

Phản ứng trước nghi vấn được chính quyền Thủ đô "ưu ái", bà Liên cho rằng đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn. Nếu dự án không minh bạch, không ngân hàng nào bỏ tiền cho vay. Bà cho hay, công ty thậm chí còn mời cả Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Dòng trạng thái của Shark Liên ngay lập tức vấp phải chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng. Họ cho rằng bà Liên trích dẫn câu nói đó rất  khó nghe và rất thách thức. Thậm chí, có người đặt dấu hỏi, bà nói vậy thì khác gì ám chỉ tất cả mọi người lên tiếng phản đối giá nước của nhà máy của bà đều là chó? 

Một số người bày sự thất vọng một doanh nhân có tiếng như Shark Liên tại sao lại có những phát ngôn xúc phạm công chúng đến như vậy. Một số người hy vọng đây chỉ là tài khoản facebook giả mạo bà Liên để câu like, câu view. Đến khoảng 20h tối 16/11, bài đăng kể trên đã bị xóa.

Nhiều faceooker khác còn vạch lại quá khứ, kể vanh vách về việc nữ đại gia này tranh cãi, gây náo loạn trên máy bay từ Singapore về TPHCM cách đây 10 năm. Khi máy bay tới Tân Sơn Nhất, cơ trưởng đã yêu cầu an ninh hàng không áp tải cả gia đình bà Liên xuống máy bay. Thậm chí, có facebooker còn kêu gọi bà Liên hãy giữ lời hứa trợ giúp gia đình 39 người chết trong container ở Anh để đưa thi thể họ về, chứ không được nói suông.

img

Shark Phạm Văn Tam chịu nhiều sóng gió vì liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng".

Trước Shark Liên, Shark Tam của Asanzo cũng dính lùm xùm hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam. Biết cách ứng xử hơn bà Liên, trước nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, CEO Phạm Văn Tam đã có thư ngỏ để trấn an nhà phân phối và khách hàng. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định Asanzo có 4 vi phạm gồm vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu (giả mạo nhãn hiệu), vi phạm liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hành vi vi phạm về trốn thuế.

Trước nữa, người tiêu dùng cũng đã phản ứng mạnh mẽ khi doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận bán lụa “Made in China” suốt 30 năm. Sau thời gian dài im lặng, ông chủ thương hiệu Khaisilk nổi tiếng gắn liền với slogan “Tôn vinh lụa tơ tằm Việt Nam” - Hoàng Khải đã phải thừa nhận Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và gửi lời xin lỗi người tiêu dùng.

img

Tên tuổi Khải Silk cũng bị ảnh hưởng sau vụ hàng Trung Quốc gắn tag hàng Việt.

Tuy nhiên, khá nhiều người bày tỏ thái độ không chấp nhận lời xin lỗi của ông Khải. Họ không chấp nhận hành động lấy hàng Trung Quốc gắn tag hàng Việt của thương hiệu lụa Khaisilk, vốn đã diễn ra trong thời gian dài và cho rằng đây là hành động “lừa đảo”.

Thương hiệu một công ty lớn thường được xây dựng từ nhiều giá trị, trong đó có lòng tin của khách hàng. Một khi chữ tín và văn hóa công ty bị lợi nhuận lấn át, chỉ là con số không, hoặc bị hoen ố thì cũng có nghĩa, người tiêu dùng sẽ có động thái phản ứng, có khi quay lưng, thậm chí, còn tẩy chay. Và đó là cái mất lớn nhất khó lấy lại bằng tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem