Cụ bà 101 tuổi vẫn thích... leo cầu thang

Lương Kết Thứ ba, ngày 16/02/2016 06:30 AM (GMT+7)
Bước sang tuổi 101 nhưng cụ Nguyễn Thị Ghẽ vẫn khỏe mạnh. Hằng ngày cụ vẫn leo từ tầng 1 lên tầng 3, thậm chí leo lên tầng 5 tự mình phơi quần áo.
Bình luận 0

Cụ bà là mẹ liệt sĩ

Chúng tôi từng gặp cụ Ghẽ vào dịp tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây hơn 2 năm. Năm đó cụ 98 tuổi, là người già nhất trong số người dân đến viếng Đại tướng. Một ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi tìm về nhà cụ ở phố Chợ Gạo, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

img

Cụ Ghẽ trong vòng tay thăm hỏi của nhiều người. Ảnh: L.K

Nghe tôi hỏi thăm, người đàn ông trung niên đang ngồi ở vỉa hè chỉ sang người phụ nữ ngồi cạnh nói: "Phố này có bà cụ trăm tuổi, muốn biết hỏi bà này thì rõ". Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Dung (còn gọi là Mai) xởi lởi khi thấy khách lạ hỏi thăm về bà cụ trăm tuổi. Bà Dung chẳng để ý lý do tại sao khách lạ đến tìm hiểu về bà cụ, bà tồng tộc kể một mạch về tình hình sức khỏe, sinh hoạt, cũng như tính cách của cụ bà một cách đầy vẻ thán phục. Thấy thế tôi hỏi: Sao bà biết rõ về cụ đến vậy. Bà Dung cười bảo: "Tôi là con dâu cụ, hiện đang sống cùng nhà mà".

Bà Dung kể: Theo giấy tờ cụ Ghẽ sinh ngày 15.8.1915, tính tuổi dương lịch đã 101 tuổi, còn tính theo kiểu các cụ xưa thì cụ Ghẽ đã được 102 tuổi. Dù tuổi cao như vậy nhưng cụ Ghẽ vẫn khỏe mạnh, đi lại không phải chống gậy, đầu óc vẫn minh mẫn, nói năng vẫn rõ ràng, chỉ tai hơi nặng, khi người lạ đến nói chuyện phải nhờ bà Dung "phiên dịch".

Theo bà Dung, ấn tượng lớn nhất về người mẹ chồng xuyên suốt 30 năm kể từ ngày về làm dâu, đó là sự hiền hậu, lo thu vén cho gia đình và không bao giờ làm phiền con cháu. Nhờ sự gần gũi giữa mẹ chồng và nàng dâu khiến bà Dung hiểu kỹ về cụ Ghẽ. Bà kể tiếp: Cụ sinh ở Phú Xuyên, Hà Nội, do cuộc sống ở quê đói kém, vợ chồng cụ Ghẽ rời nhà lên Hà Nội tìm kế sinh nhai. Hai cụ xin vào làm nhân viên của dịch vụ nhà tắm công cộng tại phố Chợ Gạo và làm ổn định ở đó cho tới khi nghỉ chế độ. Hai cụ sinh được 4 người con trai. Người con trai thứ hai của cụ là ông Nguyễn Văn Đức hy sinh năm 1978 ở mặt trận biên giới Tây Nam. Chồng cụ Ghẽ là cụ Nguyễn Văn Hữu đã mất cách đây nhiều năm.

"Mẹ chồng tôi sống hiền lành lắm, ở khu phố này ai cũng quý. Từ ngày tôi về làm dâu chưa bao giờ bị cụ nói nặng lời. Trong thời bao cấp đời sống khó khăn, luôn gặp chuyện này, chuyện kia nhưng cụ chẳng bao giờ càu nhàu hay nặng lời với con cái - vừa nói bà Dung vừa chỉ tay - Đấy có chiếc hộp sắt người nhà mang ra vỉa hè đánh gỉ, cụ tưởng bỏ đi đang ra kiểm tra kìa". Biết chiếc hộp sắt không phải bỏ đi cụ Ghẽ liền bước sang vỉa nhà liền kề đến vỗ vai mấy anh thợ mắc điện ra hiệu phải gọn gàng. Mấy người thợ quay lại nhìn cụ mỉm cười.

Tôi chăm chú nhìn cụ bước xuống vỉa hè đi sang đường nhưng thoáng thấy chiếc xe ô tô rẽ từ đầu phố Chợ Gạo vào cụ Ghẽ liền quay lên hè. "Cụ trăm tuổi rồi việc gì phải tránh, để xe nó tránh cụ" - tiếng những người hàng xóm trêu. Cụ Ghẽ cười đáp: "Phải tránh chứ, người đi bộ sao bắt xe tránh". Nghe cụ trả lời nhiều người cùng cười và tấm tắc khen ngợi về sự minh mẫn của cụ.

Kỷ niệm đi viếng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp

Ngày bà Dung về làm dâu gia đình, cụ Ghẽ đã bước vào tuổi 70, nhưng từ đó cho đến nay người con dâu này chẳng mấy khi thấy mẹ chồng mình đau ốm. "Cụ cũng có vài lần đi bệnh viện nhưng chẳng có lần nào quá một ngày" - bà Dung cho hay. Nghe tôi hỏi thăm cụ Ghẽ rành rọt: "Bữa tôi vẫn ăn được lưng bát, lúc nào đói lại ăn nhẹ, tối vẫn ngủ được". Để buổi tối dễ ngủ, ban ngày cụ Ghẽ không nằm nhiều, cụ thường đi lại hoặc làm những việc nhẹ nhàng. "Nhà có 5 tầng, hàng ngày cụ vẫn leo lên tầng 3 để tự tay bấm máy giặt quần áo của mình. Nhiều lúc cụ leo lên tầng 5 để phơi. Không ngày nào là cụ không cầm chổi quét sân. Con cháu gàn, cụ bảo hoạt động để cho dễ ngủ" - bà Dung kể.

Nhà có 5 tầng, hàng ngày cụ vẫn leo lên tầng 3 để tự tay bấm máy giặt quần áo của mình. Nhiều lúc cụ leo lên tầng 5 để phơi. Không ngày nào là cụ không cầm chổi quét sân. Con cháu gàn, cụ bảo hoạt động để cho dễ ngủ".

Bà Nguyễn Thị Dung

Mấy năm trở lại đây cụ hay đau chân, đau người nhưng khi con dâu bảo xoa bóp cho thì cụ lại không đồng ý vì sợ làm phiền. "Cụ kín đáo lắm, nhiều đêm bị đau chân không ngủ được, phải co duỗi chân liên tục. Tôi dậy sang giường xoa bóp cho cụ nhưng được chừng 5 phút cụ nói khỏi rồi, con đi ngủ đi. Biết cụ còn đau tôi cũng năn nỉ xoa thêm chút nữa nhưng cụ nhất định không chịu. Trở về giường nằm nghe tiếng trở mình biết cụ còn đau, tôi chỉ biết khóc" - bà Dung tâm sự.

Vào tháng 11.2012, trong một lần đi bộ trước cửa nhà cụ Ghẽ không may bị ngã gãy tay, dù đã bó bột nhưng bác sĩ bảo xương người già hết canxi không phục hồi được như cũ. Kể từ đó cụ phải treo cánh tay gãy trước ngực. Bà Dung nhẩm tính: Kể từ ngày đó đến nay đã hơn 1.100 ngày cụ phải "vật lộn" với cánh tay đau của mình, tay gãy thế nằm cũng khổ, ngồi cũng khổ, đi lại cũng khổ, nhiều khi nhức buốt lên tận óc khiến cụ nhăn mặt nhưng chẳng bao giờ thấy cụ kêu than.

"Khổ nhất là những hôm trái gió trở trời cánh tay gãy lại càng thêm đau nhức. Để chống lại cơn đau hành hạ, cụ đi lại để quên đau chứ không ngồi một chỗ, lúc mỏi lại ngồi hít thở mạnh cho đỡ đau. Đêm xuống, khi không gian yên tĩnh cái đau càng rõ hơn, không ngủ được cụ mở ti vi xem để đỡ đau, chứ chẳng kêu gì với con cháu" - bà Dung kể.

Dù tuổi đã rất cao nhưng vào tháng 10.2013 khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cụ Ghẽ vẫn bảo con cháu chở cụ đi viếng. "Cụ xem ti vi thấy nhân dân khắp nơi về viếng cụ Giáp nên cụ cứ nằng nặc bắt cháu phải chở cụ đến số nhà 30 Hoàng Diệu. Cụ bảo, cùng là người già đến thắp cho nhau nén nhang, nhiều người ở tận miền Nam, trên miền núi còn tìm về huống chi mình ở ngay Hà Nội. Cụ bảo không sợ tay đau, không sợ phải xếp hàng chờ mệt" - chị Hà (cháu cụ Ghẽ) nhớ lại.

Đến số nhà 30 Hoàng Diệu, cụ Ghẽ được những người làm công tác tổ chức cho đi theo lối riêng vào viếng ngay. Khi cụ trở ra rất nhiều người quây quanh hỏi thăm khiến cụ cảm động. Khi trở về cụ đã kể chuyện cho cả nhà nghe. Nghe tôi nhắc lại chuyện về ngày đó cách đây hơn 2 năm, cụ Ghẽ cười bảo: "Cụ Giáp là người được nhân dân quý mến nên đám tang đông thật. Tôi đến đó được nhiều người chụp ảnh, hỏi thăm, có nhiều người xin chụp ảnh cùng". Nói rồi cụ nhìn vào tôi cười xòa, nụ cười hiền hậu, ấm áp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem