Tòa xử lý thế nào việc Công ty Việt Á đòi nợ hàng chục đơn vị vì “mua chịu” kit test?

Gia Bình Thứ năm, ngày 11/01/2024 09:53 AM (GMT+7)
Phía đại diện Công ty Việt Á cho rằng doanh nghiệp này đang đối diện mức phạt 1.235 tỷ đồng tiền hưởng lợi bất chính từ bán kit test nhưng thực tế, có hàng chục đơn vị “mua chịu”, đến nay còn tổng nợ 788 tỷ đồng.
Bình luận 0

Trong phiên tòa xét xử vụ án Việt Á, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Việt Á được trình bày quan điểm tại TAND TP.Hà Nội. Doanh nghiệp này trước đó bị viện kiểm sát đề nghị phải liên đới cùng Phan Quốc Việt nộp 1.235 tỷ đồng tiền bán kit test giá cao, gồm 402 tỷ đồng của Nhà nước, còn lại của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. 

Tòa xử lý thế nào việc Công ty Việt Á đòi nợ hàng chục đơn vị vì “mua chịu” kit test?- Ảnh 1.

Phan Quốc Việt bị cáo buộc có hành vi đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu.

Phía Việt Á cho rằng cần xem xét lại con số thiệt hại, đầu tiên là 402 tỷ đồng Công ty Việt Á thu được do vi phạm đấu thầu tại 19 tỉnh, thành. Con số này sẽ do Phan Quốc Việt cùng các quan chức tại từng địa phương bồi thường.

Số còn lại, khoảng 833 tỷ đồng được Công ty Việt Á thu từ bán kit test cho các đơn vị, cá nhân khác (không thuộc 19 tỉnh, thành liên quan vụ án). Các giao dịch này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu nên các tranh chấp được giải quyết bởi tòa dân sự, không phải vụ án hình sự như hiện nay.

Đáng chú ý, các luật sư của Công ty Việt Á cho hay có hàng chục đơn vị "mua chịu" kit test của Việt Á, với tổng số nợ đến nay khoảng 788 tỷ đồng. Do vậy, phiên tòa lần này cần tuyên họ trả tiền cho Việt Á hoặc giành quyền cho Việt Á khởi kiện dân sự.

Với sai phạm của Tổng giám đốc Phan Quốc Việt, các luật sư nêu quan điểm, trong bối cảnh dịch, các địa phương đều chủ động có văn bản đề nghị Việt Á ứng trước kit test, vật tư. Bị cáo Việt và công ty đã đáp ứng đầy đủ để phòng chống dịch hiệu quả, có công lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh toàn quốc.

Về giá của test, khi thương thảo giá, Phan Quốc Việt và công ty đã lấy giá từ đề tài nghiên cứu cùng Học viện Quân y, được hiệp thương với Bộ Y tế, là 470.000 đồng/kit test.

Đến khi sản xuất thương mại, giá cả kit test sẽ thay đổi theo giá nguyên liệu đầu vào nên Công ty Việt Á "không thể tính toán được". Do đó, luật sư cho rằng quy kết Phan Quốc Việt nâng giá kit test là "không đúng thực tế".

Về hành vi đưa hối lộ, các luật sư dẫn lời khai của Việt và những cán bộ được anh ta đưa tiền, chúng thể hiện không có sự hứa hẹn trước; người nhận không đòi hỏi Việt đưa tiền mới giải quyết công việc nên việc đưa – nhận chỉ là "cảm ơn".

Từ đó, các luật sư cho rằng đại diện viện kiểm sát đề nghị 30 năm tù cho Phan Quốc Việt là quá nặng, cần mức án nhẹ hơn.

Chiều mai (12/1), TAND TP.Hà Nội sẽ ra phán quyết vụ án.

Cơ quan tố tụng xác định liên quan Công ty Việt Á có 4 sai phạm gồm:

Sai phạm đầu tiên trong nghiên cứu, cáo trạng thể hiện năm 2020, Covid-19 bùng phát nên Chính phủ giao Bộ Khoa học Công nghệ tích cực nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phòng chống dịch. Việc nghiên cứu kit test Covid sau đó được giao Học viện Quân y chủ trì với kinh phí 18,9 tỷ đồng.

Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, tác động người liên quan để Công ty Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y. Bị cáo Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ khi đó ký quyết định đồng ý việc này.

Kết quả nghiên cứu là tài sản nhà nước, do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đại diện sở hữu nhưng bị cáo này cùng cấp dưới là Thứ trưởng Phạm Công Tạc lại để Công ty Việt Á mang đi đăng ký sở hữu.

Cơ quan tố tụng xác định, khi làm những việc vi phạm pháp luật nhưng có lợi cho Việt Á, Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD còn Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD.

Do vậy, các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" còn Trịnh Thanh Hùng bị cho phạm tội "Nhận hối lộ" (ông Hùng vừa bị tòa quân sự phạt 15 năm tù trong vụ việc tại Học viện Quân y).

Sai phạm tiếp theo xảy ra tại Bộ Y tế trong quá trình cấp phép lưu hành sản phẩm kit test cho Công ty Việt Á. Cáo trạng thể hiện Phan Quốc Việt dùng kết quả nghiên cứu cùng Học viên Quân y đi đăng ký tại Bộ Y tế, để Việt Á sản xuất thương mại, bán ra thị trường.

Bị can Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng khi đó đã lợi dụng chức vụ, hướng dẫn Phan Quốc Việt soạn thảo các văn bản liên quan cấp phép; tác động đến người của Bộ Y tế để giúp Việt. Bị cáo Trịnh do vậy được Việt cảm ơn 200.000 USD và hiện bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ".

Một số người thuộc Bộ Y tế cũng bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ, làm sai quy định giúp Công ty Việt Á được phép sản xuất kit test, bán thương mại. Số này gồm Thứ trưởng khi đó là Nguyễn Thanh Long (nhận 2,25 triệu USD); Nguyễn Huỳnh, cựu Phó phòng Giá Cục Quản lý Dược (nhận 4 tỷ đồng); Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình (nhận 300.000 USD); Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Tài chính, kế hoạch (nhận 100.000 USD).

Sai phạm thứ 3 về vi phạm đấu thầu, xảy ra khi Công ty Việt Á bán kit test với giá cao cho nhiều cơ quan trên địa bàn cả nước. Quá trình này, Phan Quốc Việt cũng hối lộ hàng loạt bị cáo là những người có thẩm quyền.

Cơ quan tố tụng cho rằng, một test của Việt Á chỉ có giá 143.000 đồng, gồm tất cả chi phí kèm theo 5% lợi nhuận. Tuy vậy, Phan Quốc Việt bán với giá cao hơn nhiều, như tại Hải Dương là 470.000 đồng/test.

Tổng cộng, có hơn 4,5 triệu kit test được Công ty Việt Á bán ra, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, gồm 402 tỷ đồng thuộc về Nhà nước.

Trong số 402 tỷ thiệt hại nói trên, có 222 tỷ đồng do CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương gây ra trong quá trình mua, tiêu thụ kit test của Việt Á. Còn 15 tỉnh thành khác gây thiệt hại 180 tỷ đồng.

Phiên tòa lần này sẽ xử lý các hành vi đưa – nhận hối lộ và vi phạm đấu thầu của các bị cáo là người trong Công ty Việt Á hoặc cơ quan nhà nước các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An. Hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á tại các tỉnh thành khác được công an các địa phương giải quyết.

Sai phạm khác trong quá trình mua bán kit test thuộc về các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục và Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty SNB Holdings.

Họ bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng của mình với "người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước", yêu cầu Công ty Capital (của Singapore) mua số kit test trị giá 1 triệu USD (23,5 tỷ đồng) từ Việt Á để tặng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dùng cho phòng chống dịch.

Qua đây, Phan Quốc Việt chi 40% "hoa hồng" cho Thủy và Linh, tương đương hơn 8 tỷ đồng. Cả 2 người này bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem