Công bố điểm chuẩn ĐH: TS “sốc” vì điểm cao, “đau” với tiêu chí phụ

Tùng Anh-Quốc Hải Thứ ba, ngày 01/08/2017 06:15 AM (GMT+7)
Thời điểm này, các trường ĐH đã bắt đầu công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 cho thí sinh. Theo đó, nhiều trường có mức điểm trúng tuyển cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây.
Bình luận 0

Điểm cao kỷ lục

Điển hình của điểm chuẩn cao kỷ lục là Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Theo ông Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng đào tạo nhà trường, mức điểm chuẩn cao nhất của trường là 27 điểm đối với các ngành Kế toán, Kinh tế quốc tế. Đây là mức điểm cao nhất trong 3 năm trở lại đây (mức điểm chuẩn cao nhất của năm 2016 là 25,5 điểm). Ngoài ra, có tới 14 ngành của Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay lấy điểm chuẩn từ 25 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất của trường năm nay là 23,25 điểm, cao hơn điểm thấp nhất của năm trước 2,75 điểm.

img

 Nhiều thí sinh vẫn “nín thở” không biết mình có đỗ hay không khi điểm thi bằng điểm sàn của các trường  (ảnh minh họa). Ảnh: Đàm Duy 

Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố điểm chuẩn rất cao, trong đó mức điểm cao nhất là 28,25 với tổ hợp A00, mã ngành NTH01 (Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Luật). Năm nay, trường này cũng sử dụng tới 3 tiêu chí phụ, gồm: Tổng điểm thực 3 môn không làm tròn đến 0,25 (đã cộng điểm khu vực, ưu tiên đối tượng), điểm môn Toán và thứ tự nguyện vọng.

Trường ĐH Y Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Y đa khoa với 29,25 điểm (tăng 3,25 điểm so với năm 2016), kế đến là ngành Răng - Hàm - Mặt với 28,75 điểm. Như vậy, với mức điểm chuẩn này thì dù thí sinh có điểm trung bình mỗi môn 9 cũng không thể trúng tuyển vào ĐH Y Hà Nội ở 2 ngành nói trên.  Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của trường này từ trước đến nay. Ngoài mức điểm “chót vót” trên, điểm các ngành khác của ĐH Y Hà Nội cũng tăng nhiều so với năm 2016 với mức dao động từ 23,75 đến 26,75. Trong đó, điểm trúng tuyển thấp nhất rơi vào ngành Y tế công cộng với 23,75 điểm.

Tương tự, khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay có mức điểm tăng mạnh so với năm 2016. Cụ thể, ngành Y đa khoa năm nay lấy 28,25 điểm (tăng 2,75 điểm); các ngành khác cũng tăng mạnh gồm: Y Đa khoa chất lượng cao 26,5 điểm, Dược học 26,5 điểm.

Nhiều trường thuộc “top” đầu ở khu vực phía Nam cũng có điểm chuẩn tăng mạnh so với năm 2016. ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm trúng tuyển cao nhất là 28 điểm thuộc về nhóm ngành Khoa học máy tính; Kỹ thuật máy tính (tăng 2,5 điểm so với năm 2016). Các ngành còn lại dao động từ 20 đến 26,25 điểm, trong đó ngành Địa chất - Dầu khí tăng 3,5 điểm so với năm 2016, lấy 23,5 điểm. Các ngành còn lại tăng từ 0,5 đến 3 điểm so với năm 2016.

Lý giải về mức điểm chuẩn tăng vọt, ông Bùi Đức Triệu cho rằng, đây là điều đã được dự đoán từ trước, nguyên nhân là do cách thức xét tuyển năm nay có nhiều điểm khác biệt. Ngoài ra, thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên các em có điểm cao xu hướng sẽ xét tuyển vào các trường top. Điều này khiến điểm chuẩn các trường top tăng vọt.

Trong khi đó, bà Phạm Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, mức điểm của trường ĐH Ngoại thương và các trường tốp trên cao vì 2 nguyên nhân: Số lượng thí sinh đăng ký vào trường đông, mặt bằng điểm năm nay cao. "Số lượng thí sinh đăng ký vào trường năm nay lên tới 20.000, tăng gấp đôi so với năm ngoái" – bà Hương chia sẻ.

Trượt “cay đắng” vì tiêu chí phụ

Bộ GDĐT cần tính sát lại mức điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn, đừng quá cao như hiện nay. Chẳng hạn, các tỉnh, thành có trường ĐH thì điểm ưu tiên sẽ có giá trị với các trường đó để khuyến khích học sinh đăng ký vào các trường ở địa phương mình. Khi đó, các trường vừa có nguồn tuyển để bổ sung nhân lực tại chỗ và cũng không khiến dư luận bức xúc vì cuộc chơi không công bằng”.

TS Trần Đình Lý

Lý giải về điểm chuẩn cao của các trường top cũng chính là nguyên nhân khiến khối trường này phải đưa ra hàng loạt tiêu chí phụ để “lọc” những thí sinh bằng điểm nhau và ở mức cận sàn.

Tuy nhiên, tiêu chí phụ đã khiến không ít thí sinh có điểm cao ngất vẫn phải cay đắng nhận cái kết… trượt ĐH.

Em N.P.H ở Tây Hồ, Hà Nội là một trong những thí sinh đó. H cho biết em đạt 29,15 điểm (làm tròn thành 29,25) và xét tuyển vào ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội. Mặc dù điểm trúng tuyển ngành này là 29,25 nhưng H vẫn trượt ĐH chỉ vì tiêu chí phụ của trường: Điểm làm tròn.

H cho biết: “Công thức tính điểm chưa làm tròn của trường là tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + điểm ưu tiên + điểm khuyến khích. Em được 29,15 điểm nhưng hộ khẩu Hà Nội nên không có điểm ưu tiên. Chính điều này em thua các bạn chỉ cần đạt 25,75 điểm nhưng có ưu tiên và điểm khu vực”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, tiêu chí phụ được nhà trường xây dựng theo quy chế của Bộ GDĐT để việc xét tuyển được đảm bảo thuận lợi. Nếu không có tiêu chí phụ, trường không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Ông Tú cũng thông tin thêm, về việc cộng điểm ưu tiên, tại trường, số thí sinh được cộng điểm chiếm đa số.

Còn theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, việc xác định điểm ưu tiên cho thí sinh cũng có tính hai mặt. “Việc các thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn… được cộng điểm ưu tiên là điều tất yếu vì các em này chịu rất nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, việc xác định mức điểm này nhiều khi gây bức xúc cho những người không được cộng điểm ưu tiên, khiến thí sinh thành thị cảm thấy cuộc chơi... không công bằng” - TS Trần Đình Lý nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem