Ở Sóc Trăng, giá tôm tăng, doanh nghiệp thu gom nói câu gì khiến ai cũng bất ngờ

Thứ sáu, ngày 25/08/2023 14:36 PM (GMT+7)
Sau nửa năm đủng đỉnh vì số đơn hàng giảm mạnh, đến đầu tháng 7, khi các đơn hàng dồi dào hơn, các doanh nghiệp ngành tôm bắt đầu gia tăng công suất chế biến tạo đà cho giai đoạn tăng tốc dịp cuối năm. Nhu cầu tôm nguyên liệu ở Sóc Trăng vì thế cũng tăng theo, giá tôm tăng trở lại...
Bình luận 0

Nhu cầu tôm nguyên liệu vì thế cũng tăng theo, trong khi nguồn cung đã không còn dồi dào, nên giá tôm bắt đầu tăng trở lại và xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài từ nay đến cuối năm, thậm chí nhiều khả năng đến hết quý I năm 2024.

Theo các doanh nghiệp, sau thời gian hạn chế nhập khẩu, đến hết tháng 6, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm đáng kể, trong khi mùa tiêu thụ cao điểm dịp lễ, Tết cuối năm đang cận kề nên họ cũng tranh thủ nhập thêm hàng mới. 

Dù giá tôm bán chưa tăng nhiều như kỳ vọng, nhưng nhờ số lượng đơn hàng tăng lên đáng kể, nên nhu cầu tôm nguyên liệu của các nhà máy từ nay đến cuối năm vì thế cũng sẽ tăng theo.

Trong khi nhu cầu tôm nguyên liệu đang tăng lên từng ngày thì nguồn cung hiện đã giảm mạnh do nhiều nông dân đã ngưng thả giống sau thời gian dài giá tôm giảm mạnh. 

Ngay như tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, chỉ mới có 40.330ha được thả nuôi và hiện số diện tích đang còn tôm chỉ hơn 21.000ha với nhiều độ tuổi khác nhau. 

Tại Bạc Liêu, hơn 3 tháng qua nhiều hộ ngưng nuôi chờ giá, nên lượng cung tôm nguyên liệu ra thị trường tới đây dự báo sẽ còn hạn hẹp hơn nữa.

Ở Sóc Trăng, giá tôm tăng, doanh nghiệp thu gom nói câu gì khiến ai cũng bất ngờ - Ảnh 1.

Sự cạnh tranh của đội ngũ thương lái mua tôm ôxy cũng góp phần đẩy giá tôm tăng nhanh ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TÍCH CHU

Theo ghi nhận của người viết, từ đầu tháng 8 đến nay, giá tôm đã tăng trở lại ở hầu hết các kích cỡ. Thậm chí có ngày tăng 2 - 3 giá trên cùng một cỡ tôm. 

Không chỉ có sự cạnh tranh tôm nguyên liệu giữa các nhà máy, sự sôi động trở lại của thị trường tôm gần đây còn có sự tham gia của đội ngũ thương lái thu mua tôm tươi vận chuyển ra tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và các thành phố lớn trên cả nước. 

Hiện hầu như nhà máy nào cũng trong giai đoạn tăng công suất chế biến nên dù có nguồn tôm dự trữ lớn, họ cũng phải mua vào mỗi ngày để cân đối nguồn hàng dự trữ, nhằm tranh thủ cơ hội một khi thị trường phục hồi mạnh trở lại dịp cuối năm.

Đến giữa tháng 8 này, giá tôm thẻ đã tăng từ 5.000 - 20.000 đồng/kg so với cuối tháng 7, tùy kích cỡ. Một đại lý thu mua tôm ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, giá tôm đã tăng lên khá nhiều, có tuần tăng đến 15.000 đồng/kg, còn bình quân khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Ở Sóc Trăng, giá tôm tăng, doanh nghiệp thu gom nói câu gì khiến ai cũng bất ngờ - Ảnh 2.

Những hộ nuôi tôm ao bạt vẫn tiếp tục thả nuôi để tranh thủ giá tôm tăng cao dịp cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Riêng tôm thẻ loại 20 con/kg hiện có giá cao nhất lên đến 180.000 đồng/kg, nên người nuôi hiện có xu hướng thả thưa hoặc thu tỉa để nuôi về size này.

Tới đây, giá tôm được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thêm do lượng tôm các tỉnh không còn nhiều, trong khi nhu cầu từ các nhà máy liên tục tăng để đáp ứng các đơn hàng dịp Noel, tết Dương lịch hay các dịp lễ khác vào cuối năm.

Đặc biệt, tôm thẻ cỡ 30 - 70 con/kg sẽ có sức tiêu thụ mạnh hơn nên giá tới đây còn tiếp tục tăng do phần lớn các nhà máy chế biến của Việt Nam đều tập trung vào phân khúc thị trường giá trị gia tăng. Do đó, nếu nhà máy nào không có nguồn tôm dự trữ đủ lớn chắc chắn sẽ gặp khó khi giá tôm nguyên liệu trong nước tăng lên.

Tuy giá tôm đã tăng trở lại và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng nhìn chung người nuôi vẫn hết sức e dè trước việc có nên thả nuôi đón giá hay không.

Theo tìm hiểu của người viết, do giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn, nên đến nay, đa phần các đại lý cung ứng vật tư đầu vào nuôi tôm đã thu hẹp đối tượng đầu tư này, kể cả khi người nuôi đã có tôm về cỡ 100 con/kg cũng chưa chắc có đại lý nào dám đầu tư. 

Do đó, dù giá tôm được dự báo sẽ tốt hơn trong thời gian tới nhưng chắc chắn sẽ có rất ít hộ đủ nguồn vốn để thả nuôi đón giá, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ, nuôi ao đất... 

Hơn nữa, hiện vùng nuôi tôm trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào cao điểm mùa mưa, độ mặn trên hệ thống kênh rạch hầu hết đã không còn phù hợp cho việc thả giống. Theo kinh nghiệm người nuôi, thời điểm này tôm rất dễ bị nhiễm EHP, phân trắng làm tôm chậm lớn, chi phí nuôi cao.

Không chỉ có hộ nuôi ao đất nhỏ lẻ, ngay cả những hộ nuôi ao bạt 2 - 3 giai đoạn cũng rất thận trọng, không thả nuôi hết diện tích, chỉ thả nuôi một phần mang tính thăm dò và nuôi với mật độ thưa hơn để nuôi về kích cỡ lớn bán giá cao. 

Khi chúng tôi đặt vấn đề tôm thẻ loại 100 con/kg giá chưa hấp dẫn nên người nuôi chưa mạnh dạn thả nuôi, hầu hết các đại lý đều không đồng tình, cho rằng, chủ yếu là do người nuôi thiếu vốn do không còn được đại lý đầu tư ứng trước hoặc vùng nuôi không còn độ mặn, chứ giá thì đã có lời rồi. 

Tôm thẻ 100 con/kg hiện cũng đã lên mức từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, nếu nuôi đạt đầu con, năng suất thì người nuôi có lời khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Tích Chu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem