Con đường bóng đá và kinh doanh của ông Lê Hùng Dũng

Huỳnh Hà Thứ sáu, ngày 17/06/2022 18:10 PM (GMT+7)
Nguyên chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã qua đời tại nhà riêng vào rạng sáng nay (17/6) sau nhiều năm chống chọi với bạo bệnh. Ông Dũng là một doanh nhân thành đạt và có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam…
Bình luận 0

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, cựu chủ tịch VFF ông Lê Hùng Dũng đã qua đời. Ông Dũng sinh năm 1954 ở Chợ Mới, An Giang. Ông có nhiều năm phụ trách vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF.

Tổng thư ký VFF, ông Lê Hoài Anh sẽ cùng các Ủy viên thường trực VFF đến nhà riêng chia buồn cùng gia quyến ông Lê Hùng Dũng. Sau thời gian dài ở bệnh viện điều trị, dù đã được sự nỗ lực cứu chữa tận tình của các bác sĩ, cựu chủ tịch VFF đã trút hơi thở cuối cùng sau khi về nhà riêng tại TP.HCM vào rạng sáng nay (17/6).

Con đường bóng đá và kinh doanh của ông Lê Hùng Dũng - Ảnh 1.

Cố chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

Hãy cùng nhìn lại con đường bóng đá và kinh doanh của ông Lê Hùng Dũng:

- Năm 1998: Ông từng "đau với nỗi đau của người hâm mộ cả nước" khi ĐT Việt Nam thua ĐT Singapore 0-1 ở trận chung kết Tiger Cup 1998 tại Hàng Đẫy. Một kỷ niệm mãi không phai trong ông.

- Năm 2003: Ông Lê Hùng Dũng làm Chủ tịch HĐQT SJC.

- Năm 2005: Ông Dũng được bầu làm Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ V (2005-2008) phụ trách tài chính-tài trợ. Ông Dũng giúp bóng đá Việt Nam kiếm tiền trong hoàn cảnh BĐVN mất uy tín rất nhiều sau sự kiện một số cầu thủ trong màu áo U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 23.  Nhưng khoá V, với sự xuất hện của ông Dũng, được đánh giá là kiếm tiền giỏi nhất so với các khoá trước đó (thu 240 tỉ đồng).

- Năm 2008: Ông Dũng được bầu làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM (HFF) trong một ngày mà nước mắt ông đã rơi vì cảm động sau khi trúng cử. Trên cương vị Chủ tịch HFF, người hâm mộ gọi vui ông là ông bầu của bóng đá TP.HCM vì nguồn tài chính ông đem về cho HFF.

- Năm 2008: Ông Dũng tái đắc cử chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính nhiệm kỳ VI (2009-2013). Từ đây, VFF và bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều dòng tiền lớn đổ vào cho bóng đá nước nhà. Ông Hùng Dũng được đánh giá người kiếm tiền rất giỏi, giỏi nhất từ trước đến nay của VFF.

- Năm 2010: Ông Dũng từ chức Chủ tịch HFF, toàn tâm toàn ý cho vị trí Phó chủ tịch VFF.

- Năm 2010. Ông Dũng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank. Eximbank chính thức hoạt động từ năm 1990. Đến hết năm 2009 đạt tổng tài sản 63.000 tỷ đồng. Tháng 5/2010, ông Dũng về Eximbank và từ đó đến hết năm 2011 tổng tài sản tăng hơn gấp 3 lần, đạt 183.000 tỷ đồng.

- Năm 2010. VFF đã hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức cho AVG giai đoạn 2011-2030. Đó là một tín hiệu tích cực, cho tài chính của các CLB, cho bóng đá Việt Nam bởi trước đó thì "Bản quyền truyền hình (BQTH) suýt bị… vứt xó" (lời ông Hùng Dũng). Từ chỗ không ai mua, khi AVG nhảy vào, giá trị thương quyền của BQTH tăng lên rất nhiều, đặc biệt sau khi VPF nhảy vào năm 2011.

- Năm 2010. Ngân hàng Eximbank, với ông Dũng là Chủ tịch HĐQT đồng thời là Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, đã tài trợ V.League 90 tỷ đồng/3 mùa giải (2011-2013, luỹ tiến 10% mỗi năm) - con số mà VFF nhận được lớn nhất từ trước đến thời điểm đó.

- Năm 2011. Ông Dũng làm Phó chủ tịch HĐQT VPF (ông đại diện cho số vốn của VFF).

- Tháng 1/2012. Ngân hàng Eximbank của ông Hùng Dũng đã mời thành công siêu sao Canavaro qua Việt Nam.

- Tháng 6/2012. Ngân hàng Eximbank của ông Hùng Dũng tiếp tục mời đội trưởng Vicent Kompany của nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh bấy giờ là CLB Manchester City đến Việt Nam.

- Năm 2013. Ngân hàng Eximbank tài trợ cả 3 giải đấu cao nhất Việt Nam là V.League, giải hạng Nhất, Cúp QG. Eximbank trở thành "người dẫn đầu" về việc tài trợ cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Tiền thưởng các đội tăng, vô địch V.League nhận con số kỷ lục lúc đó: 4 tỷ đồng!

-Tháng 5/2013: Ông Hùng Dũng -Chủ tịch Hội đồng thành viên SJC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Eximbank nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng vì những thành tích đóng góp cho xã hội từ năm 2008 đến nay.

-Tháng 6/2013. Ông Dũng – với tài chính mạnh mẽ, đã đưa ý tưởng mời CLB Arsenal của bầu Đức tới Việt Nam thành hiện thực. Đây là sự kiện lịch sử của bóng đá Việt Nam.

- Năm 2013. Ông Hùng Dũng ứng cử vào vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII. Ông được dư luận rất ủng hộ bởi là người làm việc quyết đoán, nhiều mối quan hệ trong giới kinh doanh để giúp bóng đá Việt Nam phát triển. Bầu Đức của HAGL cũng đồng ý làm Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính khi ông Dũng đắc cử Chủ tịch VFF.

- Năm 2013: Tạp chí The Asian Banker trao tặng 2 giải thưởng cho Eximbank và ông Hùng Dũng: Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam (Best Managed Bank in Vietnam 2013) và giải Thành tựu lãnh đạo năm 2013 (The Asian Banker Leadership Archievement Awards 2013).

- Ông là nhân vật kiếm tiền giỏi bậc nhất trong lịch sử VFF và bóng đá Việt Nam. Ở nhiệm kỳ V, nhiệm kỳ mà bóng đá Việt Nam lao đao với vụ nhóm cầu thủ U23 Việt Nam bán độ, ông Dũng kiếm về cho VFF 240 tỷ đồng. Nhiệm kỳ tiếp theo, từ năm 2010-2014, ông "giúp" VFF và VPF có khoảng 140 tỷ từ tiền tài trợ các giải đấu của ngân hàng Eximbank (riêng năm 2013 là hơn 47 tỷ đồng khi Eximbank tài trợ cho cả 3 giải đấu cao nhất Việt Nam). Người ta ví von ông Dũng là "vua kiếm tiền".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem