Cổ phiếu Vietjet Air hấp dẫn thế nào?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 21/12/2016 07:30 AM (GMT+7)
Mới đây, thông tin VietJet Air sẽ chào bán khoảng 3,5 triệu cổ phiếu (khoảng hơn 1% số cổ phần của VietJet Air) cho các nhà đầu tư cá nhân với giá 86.500 đồng/CP để sẵn sàng niêm yết khiến giới đầu tư khá sửng sốt, bởi mức giá này thấp hơn nhiều so với giá cổ phiếu VietJet Air đang được chào bán trên sàn OTC: khoảng từ 96.000 - 105.000 đồng/CP...
Bình luận 0

imgTuy nhiên, kế hoạch IPO (Initial Public Offering - chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) này hiện vẫn chưa được VietJet Air chính thức thừa nhận. Dù vậy, thông tin VietJet Air sẽ chính thức lên sàn vào đầu năm 2017 khiến cho cổ phiếu VietJet trên sàn OTC “nóng” lên từng ngày.

“Thống lĩnh” thị trường bay giá rẻ

Vietjet Air là doanh nghiệp tư nhân được thành lập vào cuối năm 2011, tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, Vietjet đã nhanh chóng thay thế Jetstar Pacific và trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất VN. Vì thế, không khó để hình dung độ “nóng” của cổ phiếu này trước thông tin niêm yết vào đầu năm 2017.

Vậy Vietjet Air hấp dẫn thế nào?

Theo số liệu mới nhất tính đến hết quý 3.2016, với số chuyến bay tăng hơn 54%, Vietjet ghi nhận mức tăng trưởng 40% và lợi nhuận tăng 70% lên 1.961 tỷ đồng. Hiện hãng đang khai thác 42 tàu bay với 60 đường bay, gồm 37 đường bay nội địa và 23 đường bay quốc tế thường lệ không gồm các đường bay thuê chuyến. Đặc biệt, tính đến hết quý 3.2016, thị phần trong nước của Vietjet Air tiếp tục gia tăng trong khi Vietnam Airlines và Jetstar Pacific thì tiếp tục giảm (thị phần trong nước Vietjet đã tăng tới 43% công suất chuyên chở nội địa, vượt qua Vietnam Airlines với 42% và Jetstar Pacific với 15%).

Đối thủ cạnh tranh duy nhất của Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (một công ty con của Vietnam Airlines) nhưng hiện tại Vietjet Air đã bỏ xa Jetstar Pacific về doanh thu, thị phần...

Cụ thể, năm 2015, Vietjet công bố doanh thu hợp nhất đạt 19.845 tỷ đồng, tăng trưởng 128% và lãi ròng 1.171 tỷ đồng, tăng 225% so với năm 2014. Sang nửa đầu năm 2016, doanh thu của Vietjet tiếp tục tăng trưởng 41% lên 12.557 tỷ  đồng và lợi nhuận tăng 66% lên 1.238 tỷ đồng. Trong khi đó, Jetstar Pacific sau 7 năm hoạt động thì đến năm 2015 mới “lần đầu tiên” báo... có lãi với số lãi khá “còm cõi” - 267 triệu đồng.

Bên cạnh chỉ số kinh doanh và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, Vietjet Air khiến giới đầu tư quan tâm bởi những kế hoạch kinh doanh khá “khủng”.

Cụ thể, tháng 5.2016, Vietjet ký thỏa thuận với Boeing để mua 100 máy bay với tổng chi phí đầu tư 11,3 tỷ USD, bàn giao trong giai đoạn 2019-2023; đặc biệt, Vietjet cũng đặt kế hoạch sẽ sở hữu 200 chiếc tàu bay vào năm 2023.

Ngoài ra, hết quý 2.2016, Vietjet cũng tăng vốn điều lệ từ 1.450 lên 2.000 tỷ đồng cũng là một chỉ số tăng trưởng khiến nhà đầu tư quan tâm. Chưa kể, Vietjet đặt mục tiêu tăng trưởng 50% khách hàng cho năm 2016 và đến thời điểm hiện tại, đội bay của Vietjet có khả năng đạt được 8.170 ghế hành khách, tăng 52%  so với cùng kỳ và vượt so với kế hoạch đề ra đầu năm.

Cũng có nhiều rủi ro

Áp lực lớn nhất với Vietjet Air là những rủi ro về tài chính, ngoại tệ đối với các hợp đồng mua máy bay và thuê máy bay. Cụ thể, tính tới nửa đầu năm 2016, số tiền đặt cọc để mua máy bay của Vietjet Air là 4.421 tỷ đồng; tỷ lệ nợ/vốn là 1.72 lần; vốn vay bằng USD của Vietjet Air là 89 triệu. Căn cứ hợp đồng mua thỏa thuận với Airbus và Boeing, các cam kết của Vietjet Air liên quan đến thanh toán cho các máy bay còn lại được giao hàng tại thời điểm tháng sáu năm 2016 là 1,3 tỷ USD (đối với các máy bay Airbus) và 1,05 tỷ USD (đối với máy bay Boeing Aircraft). Ngoài ra, khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu trong tương lai theo hợp đồng thuê không hủy bỏ cho thuê máy bay là 20.592 tỷ đồng cho các kỳ hạn từ 1 năm đến hơn 5 năm cũng là khoản tài chính không nhỏ.

Kế đến, áp lực từ đối thủ cạnh tranh Jetstar Pacific trong thời gian tới là rất lớn khi tháng 7 vừa qua, Jetstar Pacific đã ký hợp đồng mua 10 chiếc Airbus A320 CEO Sharklet sau khi Vietnam Airlines và Qantas Group đầu tư 139 triệu USD vào ngân sách hàng không giá rẻ để mở rộng đội máy bay của mình. Vietnam Airlines cũng chuyển một số đường bay nội địa cho Jetstar Pacific khai thác. Chính vì vậy, Vietjet Air có thể sẽ khó khăn để gia tăng thị phần nhiều hơn và duy trì hệ số tải cao với số lượng lớn các máy bay được chuyển giao trong 5-10 năm tới. Chưa kể, mua quá nhiều máy bay có thể tạo ra tình trạng thừa cung. Hậu quả là, khả năng trung chuyển của Vietjet của có thể giảm đi trong khi chi phí thuê sẽ không được hủy bỏ.

Đặc biệt, không chỉ Vietjet Air mà nhiều hãng hàng không khác có thể sẽ phải chịu mức phí hạ cánh tăng lên trong thời gian tới khi Tổng Công ty Càng hàng không Việt Nam vừa có đề nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải tăng phí hạ cánh tại 7 sân bay gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài từ ngày 1 tháng 1 năm 2017. Cụ thể, phí hạ cánh trong nước có thể tăng lên và bằng 50% phí hạ cánh của các chuyến bay quốc tế (tỷ lệ hiện nay là 34%).

Ngoài ra, xu hướng tăng giá nhiên liệu trong thời gian tới cũng sẽ ảnh hưởng không nhò đến các hãng hàng không.

Bên cạnh các chỉ tiêu tài chính, cơ cấu cổ đông của Vietjet Air rất cô đặc cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Cụ thể, phần lớn cổ phần của Vietjet Air hiện thuộc về bà Nguyễn Thị Phương Thảo và những công ty liên quan, một phần thuộc về các cổ đông tổ chức thì 3,5 triệu đơn vị chào bán cho nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng hơn 1% số cổ phần của Vietjet Air.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem