Cổ phiếu Tập đoàn Cao su Việt Nam "nóng" trước thềm IPO, vì sao?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 27/09/2017 13:00 PM (GMT+7)
Giá trị doanh nghiệp được xác định cho mục đích IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là hơn 49.224 tỷ đồng; tuy nhiên, giá IPO của VRG chỉ được đề xuất ở mức 13.000 đồng/CP...
Bình luận 0

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, VRG (trong đó bao gồm 20 công ty nông nghiệp và 4 đơn vị sự nghiệp) có tới 123 đơn vị thành viên, trong đó có 75 doanh nghiệp cấp II (66 công ty con, 9 công ty liên kết), 48 doanh nghiệp cấp III (38 công ty con, 10 công ty liên kết). Việc cổ phần hóa của VRG được đánh giá có quy mô “khủng” nhất từ trước tới nay với ước tính số tiền thu từ bán cổ phần ở lần IPO này là hơn 12.834 tỷ đồng.

img

VRG có gì?

Theo báo cáo tóm tắt dự thảo phương án CPH Công ty Mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Hội nghị đại biểu Người lao động năm 2017, hiện VRG đang quản lý quỹ đất lên đến gần 5,2 tỷ ha (trong đó, đất nông nghiệp chiếm phần lớn với hơn 5 tỷ ha, còn đất phi nông nghiệp chiếm gần 186 triệu ha). Cụ thể, về quỹ đất từ các công ty cổ phần, công ty liên kết (VRG góp vốn) chiến tới hơn 2,75 tỷ ha đất phân bố ở nhiều tỉnh thành trên cả nước (hơn 1,25 tỷ ha) và sang các nước bạn như: Lào (hơn 292 triệu ha), Campuchia (hơn 1,2 tỷ ha).

Riêng quỹ đất của Công ty mẹ chiếm gần phân nửa với 2,44 tỷ ha đất tại 18 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các mảng kinh doanh của VRG khá đa dạng nhưng phần lớn doanh thu và lợi nhuận đến từ 4 mảng kinh doanh chính gồm: Công ty cao su, Công nghiệp cao su, Gỗ cao su, và Phát triển khu công nghiệp. Năm 2017, VRG tiếp tục tăng trưởng lãi ròng khi ước đạt 3.060 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm, VRG đã ghi nhận doanh thu đạt gần 8.116 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.527 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng đến 46% và 169% so với cùng kỳ năm 2016.

Về kế hoạch kinh doanh đến 2020, VRG đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 15%/năm với tổng doanh thu tăng từ 29.457 tỷ đồng năm 2018 lên 34.616 tỷ đồng năm 2019 và 40.710 tỷ đồng năm 2020. Riêng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng dần từ 6.080 tỷ năm 2018 lên 7.202 tỷ năm 2019 và 8.953 tỷ đồng vào năm 2020. Tương đương với biên lãi ròng các năm từ 21-22%.

img

Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận chia sẻ về kế hoạch cổ phần hóa (Ảnh: IT)

Để làm được điều này, VRG sẽ duy trì tổng diện tích cao su khoảng 400.000 ha, với sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng gấp đôi các sản phẩm như chỉ thun, găng tay, nệm, cao su kỹ thuật với công suất 23.000 tấn/năm hiện nay lên 45.000 tấn/năm. Tăng công suất gỗ tinh chế và ghép tấm trung bình 10%/năm, sản lượng MDF tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 900.000 m3. Đồng thời, VRG dự kiến chuyển khoảng 5.000 ha đất phù hợp, thuận tiện giao thông, gần nguồn nước sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu đến 2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến, sau cổ phần hóa thì 20 công ty nông nghiệp vẫn là doanh nghiệp do Công ty Mẹ - Tập đoàn VRG sở hữu 100% vốn, 4 đơn vị sự nghiệp sẽ hoạt động theo mô hình Công ty khoa học Công nghệ và Công ty xã hội 100% vốn Tập đoàn.

Mức giá 13.000 đồng/CP có hời?

Được biết, giá khởi điểm ban đầu của đợt IPO cổ phiếu VRG được xác định theo phương pháp tài sản là 12.200 đồng/CP. Tuy nhiên, phía Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã có đề xuất nâng mức giá này lên 13.000 đồng/CP. Căn cứ vào tình hình thực tế tại thời điểm hiện nay, cũng như mục đích thu hồi vốn cho Nhà nước ở mức cao nhất khi cổ phần hóa, VRG đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/CP.

Về thương thức bán cổ phần, VRG sẽ thực hiện bán đấu giá công khai trước; căn cứ kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu sẽ tổ chức bán cho người lao động, tổ chức công đoàn và nhà đầu tư chiến lược theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, cơ cấu vốn điều lệ của VRG sau khi cổ phấn hóa thì Nhà nước vẫn nắm 3 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 75%). Số cổ phiếu chào bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư thông thường là hơn 475 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,88%) và chào bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng là hơn 475 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,88%).

Tuy nhiên, với nhà đầu tư chiến lược thì VRG cũng có quy định “cứng” bắt buộc, cụ thể là: tổ chức, doanh nghiệp tài chính trong nước có vốn điều lệ của 5 năm liền trước tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng; hoặc là tổ chức, doanh nghiệp cùng ngành nghề (ưu tiên đơn vị 3 năm liền trước hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến chế biến và tiêu thụ cao su, chế biến gỗ…) trong nước có vốn điều lệ của 5 năm liền trước tối thiểu đạt 1.000 tỷ đồng. Về hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư chiến lược phải có lợi nhuận sau thuế liên tiếp 3 năm gần nhất đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến ngày 31.12.2016.

Với người lao động, VRG dự kiến bán hơn 48,3 triệu cổ phiếu cho lao động thường xuyên (tỷ lệ 1,21%); 344,4 nghìn cổ phần (0,01% vốn) cho người lao động nhận khoán ổn định lâu dài và hơn 1 triệu cổ phần (0,03% vốn) cho tổ chức công đoàn.

Dự kiến tiền thu từ bán cổ phần là hơn 12.834 tỷ đồng.

Được biết, VRG dự kiến sẽ hoàn thành bán cổ phần lần đầu chậm nhất vào ngày 1.1.2018. Tuy nhiên, do có quy mô lớn và có thể phát sinh nhiều vấn đề nên VRG đã đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu là 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được duyệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem