Cổ phiếu ngành mía đường đang... “đắng chát”

Quốc Hải Thứ năm, ngày 03/05/2018 15:42 PM (GMT+7)
Giá đường hiện tại đang giảm mạnh từ 5.000 - 5.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước khiến cả doanh nghiệp sản xuất và người nông dân lao đao. Tuy nhiên, thê thảm nhất có lẽ vẫn là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu ngành này liên tục suy giảm kéo dài.
Bình luận 0

img

Ngành mía đường Việt Nam đang lao đao bởi giá giảm, tồn kho tăng và đường lậu ngày càng nhiều (Ảnh: IT)

Cổ phiếu doanh nghiệp ngành mía đường liên tục lao dốc trong thời gian gần đây, có mã cổ phiếu mất hơn 50% giá trị trong vài tháng. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu ngành này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, giá đường và các chính sách bảo hộ của nhà nước song đến nay vẫn chưa có một tín hiệu tích cực nào.

“Đắng” như cổ phiếu mía đường

“Thê thảm” nhất trong nhóm cổ phiếu ngành mía đường từ đầu năm 2018 đến nay có lẽ thuộc về mã chứng khoán SLS thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. Từng là cổ phiếu mía đường có thị giá cao nhất thị trường khi có thời điểm lên tới mức giá gần 200.000 đồng/CP, nhưng đến nay, hào quang đó có lẽ chỉ còn tồn tại trong quá khứ; thậm chí có nhiều phiên, cổ phiếu SLS rơi vào cảnh mất thanh khoản và giảm sàn.

Chốt phiên giao dịch ngày 3.5, SLS tiếp tục giảm sàn còn 66.200 đồng/CP. Như vậy, chỉ sau hơn 4 tháng, cổ phiếu SLS từ mức giá 179.000 đồng/CP (đóng cửa phiên giao dịch ngày 2.1), giảm xuống mức 66.200 đồng, “bay” mất 112.800 đồng/CP, tương đương giảm mất hơn 63% giá trị. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ mức trên 1.450 tỷ đồng xuống chỉ còn 655 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.

Cũng giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2018 là cổ phiếu KTS của Công ty CP Đường Kon Tum. So với vùng giá 30.000 đồng/CP thời điểm đầu năm, cổ phiếu KTS hiện đang giao dịch ở mức giá 23.000 đồng/CP, giảm khoảng 23,3%.

Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2017 - 2018, tại ngày 31.12.2017, tổng tồn kho của 4 doanh nghiệp đường niêm yết trên là 2.612 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ niên độ trước. Trong đó, SLS giảm 48% xuống còn 110 tỷ đồng; KTS giảm 90% xuống còn 10,6 tỷ đồng; LSS giảm 3% xuống còn 534 tỷ đồng. Riêng SBT lại tăng 47% lên 1.957 tỷ đồng và cũng là doanh nghiệp tồn kho cao nhất trong các doanh nghiệp niêm yết sàn.

Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, tính đến tháng 3.2018, SBT có lượng tồn kho là 150.000 tấn đường, chiếm 37% tổng tồn kho của cả nước.

Ở mức độ giảm nhẹ hơn, cổ phiếu SBT của Công ty CP Mía đường Thành Thành Công chốt phiên giao dịch 3.5 chỉ còn 18.350 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 10% so với đầu năm.

Còn tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LSS), cổ phiếu doanh nghiệp này cũng không nằm ngoài quy luật giảm của cổ phiếu ngành đường. Chốt phiên giao dịch ngày 3.5, LSS chỉ còn 9.040 đồng/cổ phiếu, giảm 19,6% so với đầu năm.

Giá giảm, tồn kho tăng và nỗi lo ATIGA

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện giá bán buôn mặt hàng đường kính trắng loại 1 (đã có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc giao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, khu vực miền Trung - Tây Nguyên giao động từ 10.500 - 11.000 đồng/kg và miền Nam giao động từ 11.200 - 11.800 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá đường năm nay giảm mạnh từ 5.000 - 5.500 đồng/kg (cùng kỳ năm ngoái giá đường 15.500 - 17.000 đồng/kg).

Không chỉ có giá giảm mạnh, lượng đường tồn kho tại các nhà máy, theo thống kê đến ngày 15.4.2018 là 680.969 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 37.292 tấn.

Những nguyên nhân này cùng với nỗi lo từ Hiệp định ATIGA treo lơ lửng khiến cho cổ phiếu ngành đường liên tục sụt giảm; trong khi đó, bài toán có nên bảo hộ ngành đường trong nước hay không vẫn còn đang bỏ ngỏ lời giải. Về vấn đề này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, cuối năm 2017, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu đường theo hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. Song đến nay, Hiệp hội vẫn chưa nhận được trả lời chính thức về việc có lùi thời gian thực hiện ATIGA hay không.

“Nếu thực hiện ATIGA theo đúng lộ trình, 22 nhà máy có công suất chế biến dưới 3.000 tấn mía đường có khả năng phải đóng cửa do thua lỗ. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và khoảng 10 vạn công nhân chế biến”, ông Doanh thông tin.

Giá thu mua mía tại ruộng ở khu vực miền Bắc hiện đang giao động ở mức 850.000 - 1.100.000 đồng/tấn; khu vực miền Trung - Tây Nguyên 800.000 - 900.000 đồng/tấn và miền Nam từ 800.000 - 950.000 đồng/tấn. So với cùng kỳ năm trước, giá mía khu vực miền Bắc không giảm, nhưng khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam lại giảm mạnh từ 150.000 - 200.000đồng/tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem