Có cơ chế mà không có chế tài, ‘con nợ’ chây ỳ, ngân hàng ‘bó tay’

Huyền Anh Thứ tư, ngày 23/02/2022 08:02 AM (GMT+7)
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực có thể lên mức 2,3 - 2,5% trong năm 2022. Các chuyên gia, ngân hàng cho rằng, kể cả khi ban hành Luật xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42 cũng phải xử lý những tồn tại, bất cập hiện nay trong quá trình xử lý nợ xấu.
Bình luận 0

Nợ xấu lại "căng"

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) - cũng là năm mà Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) bắt đầu có hiệu lực.

Có cơ chế mà không có chế tài, ‘con nợ’ chây ỳ ngân hàng ‘bó tay’ - Ảnh 1.

Nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5% trong năm 2022. (Ảnh: LT)

"Dự đoán nợ xấu sẽ tăng mạnh nửa cuối năm 2022 và tăng mạnh hơn những năm tiếp theo nếu hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu không kịp ban hành. Nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5% trong năm 2022", TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế dự báo.

Do đó, ông Lực khuyến nghị Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Hoặc, ít nhất là gia hạn Nghị quyết 42 trong khoảng thời gian 3 năm trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết 42 để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, với thời gian và tiến độ nhanh hơn. Tuy nhiên, quá trình Quốc hội thông qua Luật xử lý nợ xấu phải có thời gian, trong quá trình chờ đợi, nợ xấu sẽ không ngừng gia tăng.

Vì vậy, ông Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng theo hướng quy định cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được lựa chọn áp dụng quy định của Luật xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật được thông qua, có hiệu lực.

Có cơ chế mà không có chế tài, ‘con nợ’ chây ỳ ngân hàng ‘bó tay’ - Ảnh 2.

Cần luật riêng để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để. (Ảnh: Bz)

Có cơ chế mà không có chế tài, 'con nợ' chây ỳ, ngân hàng 'bó tay'

Tán thành việc kéo dài Nghị quyết 42 hoặc ban hành Luật xử lý nợ xấu là cần thiết, song các ngân hàng kiến nghị, kể cả khi ban hành Luật xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42 cũng phải xử lý những tồn tại, bất cập hiện nay.

Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, quyền lớn nhất theo các TCTD đánh giá là quyền thu giữ tài sản, nhưng quá trình thu giữ tài sản bảo đảm lại phải được sự đồng thuận của con nợ.

"Như vậy, có cơ chế mà không có chế tài, nên khi con nợ chây ỳ thì không thu giữ được. Đây là mấu chốt cần phải sửa trong Nghị quyết 42, hoặc Luật hóa Nghị quyết 42", ông Hải nói.

Bên cạnh đó, khi thu giữ tài sản là bất động sản trong đó có tài sản gắn liền với bất động sản, con nợ thường viện dẫn vào đó để gây khó khăn khiến quá trình thu giữ tài sản bảo đảm không thực hiện được.

Tương tự, Nghị quyết 42 cho phép các TCTD thực hiện thủ tục rút gọn, song đến nay, BIDV chưa thực hiện được vụ nào.

"BIDV thực hiện 8 vụ thu giữ tài sản bảo đảm theo trình tự rút gọn, chỉ có 3 vụ được giải quyết nhưng lại theo thủ tục thông thường. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là ở chỗ quy định giải quyết tranh chấp hợp đồng thế chấp", ông Hải nhấn mạnh.

Có cơ chế mà không có chế tài, ‘con nợ’ chây ỳ ngân hàng ‘bó tay’ - Ảnh 3.

Nghị quyết 42 cho phép các TCTD thực hiện thủ tục rút gọn, song đến nay, BIDV chưa thực hiện được vụ nào.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với một ngân hàng là BIDV. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cung cấp trước đó cho thấy, những năm qua, rất nhiều ngân hàng đã áp dụng hình thức rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo và gửi tòa án các cấp xem xét giải quyết. Tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Tại báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ ra 11 nhóm vấn đề khi TCTD áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42, trong đó vướng mắc lớn nhất là về quyền thu giữ tài sản đảm bảo.

Chính vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét ban hành luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.

Đáng chú ý, theo đề xuất, luật riêng về xử lý nợ xấu sẽ sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản đảm bảo (trên cơ sở sửa đổi đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan) theo hướng TCTD có quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản đảm bảo trong hợp đồng bảo đảm.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Nghị quyết số 42 theo hướng bổ sung quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng có khoản nợ là nợ xấu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem