Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: "Đánh thức" nhiều tiềm năng, Việt Nam sẽ đón dòng vốn lớn?

H.Anh Thứ tư, ngày 13/12/2023 06:45 AM (GMT+7)
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bình luận 0

Chiều ngày 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.

36 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước Việt - Trung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Một số văn kiện hợp tác như: Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc;…

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: "Đánh thức" nhiều tiềm năng, Việt Nam sẽ đón dòng vốn lớn? - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, "đánh thức" nhiều tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư

Trao đổi với Dân Việt, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, động thái này phù hợp với chiến lược hội nhập của Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, quan hệ của Việt với các nước trên thế giới, đặc biệt với các đối tác lớn như Trung Quốc cũng góp một cái phần tạo dựng lòng tin, sự ổn định cho khu vực và thế giới.

Cũng theo ông Thành, Trung Quốc là đối tác đầu tư, thương mại và nhiều lĩnh vực khác rất quan trọng của Việt Nam. Chẳng hạn trong thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam suốt nhiều năm gần đây, với kim ngạch chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc lên tới 155,7 tỷ USD, theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan. Đây là năm thứ sáu liên tiếp (2018-2023) quy mô kim ngạch song phương giữa hai nước đạt trên 100 tỷ USD.

Hay như trong lĩnh vực đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Dự án quy mô lớn, công nghệ cao xuất hiện nhiều hơn. Đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

"Thế thì rõ ràng, việc củng cố quan hệ này góp phần cụ thể vào sự phát triển của hai nước", ông Thành nói. Chuyên gia cũng kỳ vọng, những động thái từ chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ "đánh thức" nhiều tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: "Đánh thức" nhiều tiềm năng, Việt Nam sẽ đón dòng vốn lớn? - Ảnh 2.

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam được gì?

Liên quan đến đầu tư, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc có xu thế chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là một điểm đến. Nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng đầu tư vào Việt Nam từ những năm trước và đặc biệt trong năm 2023, Trung Quốc gia tăng đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam. Trong đó, dự án FDI Trung Quốc vào Việt Nam có sự chọn lọc hơn, với 2 luồng đầu tư chính. Luồng thứ nhất từ chính doanh nghiệp Trung Quốc. Luồng thứ 2 từ việc dịch chuyển dòng vốn FDI theo xu hướng "Trung Quốc +1".

Do vậy, theo ông Toàn, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc. Theo dự báo, dòng vốn đầu tư mới từ Trung Quốc trong thời gian tới sẽ được chảy vào những dự án ở lĩnh vực công nghệ cao, chất lượng và đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, Việt Nam nên học cách Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài đó là nâng tầm doanh nghiệp trong nước, tự xây dựng trung tâm R&D, tạo ra công nghệ mới, thay vì khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài.

Còn theo góc nhìn của mình, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ông không đặt nặng vấn đề là bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài "rót" vốn đầu tư vào Việt Nam, mà vấn đề là Việt Nam lấy được gì từ các đối tác này?

"Bản chất kinh tế là lợi ích – chi phí. Việc thu hút nhà đầu tư này mình được những gì và làm sao để lấy lại được nhiều lợi ích hơn. Chúng ta nên ưu tiên hút vốn vào các dự án lớn, giảm bớt các dự án nhỏ để cho nhà đầu tư trong nước thực hiện", ông Cung nói.

Ông cũng nhấn mạnh, việc cải thiện môi trường kinh doanh quyết liệt, để các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư nhanh gọn và pháp luật cần rõ ràng, ổn định; đặc biệt, cần sớm giải quyết vấn đề về nguồn cung điện mới giúp Việt Nam "đón" sóng đầu tư hiệu quả, chất lượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem