Chương trình học quá tải, lỗi tại ai?

Thứ ba, ngày 31/08/2010 09:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bước vào năm học mới, vấn đề chương trình học lại được xới xáo với nhiều lời than phiền chương trình quá tải.
Bình luận 0

Trong khi chương trình mới, sách giáo khoa mới ở bậc phổ thông được giới chuyên môn, các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa đánh giá là có nhiều cái mới, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với chương trình cũ, hệ cải cách trước đây, trên các phương diện. Vậy, quá tải là lỗi tại ai?

img
Ảnh minh họa

Đánh giá một cách khách quan, công tâm, tôi thấy lý do không hẳn như vậy mà là do nhiều thầy cô giáo còn non yếu về kiến thức chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm (vì nhiều nguyên do) nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới đặt ra.

Cách dạy cũng ôm đồm, tham lam, lúc nào cũng sợ thiếu, thành ra thời lượng trên lớp liên tục bị "cháy" giáo án, còn học sinh không có thời gian suy nghĩ, chủ động trao đổi, thảo luận.

Ví dụ như ở bộ môn Đạo đức của THCS, Giáo dục công dân của THPT, lâu nay giáo viên toàn đổ tội cho sách giáo khoa viết quá nặng nề, khô khan, lý thuyết, khái niệm nhiều, thiếu đi những ví dụ, tình huống, câu chuyện sống động, hấp dẫn...

Tôi thấy, vấn đề cốt lõi, hiệu quả hay không, cái chính là ở người dạy, người truyền đạt, chứ không phải ở sách giáo khoa. Thực ra, sách giáo khoa chỉ là phần móng, phần khung thôi, còn phần sinh động, hấp dẫn, tươi mới của từng bài phụ thuộc khá nhiều vào tài vận dụng, chế biến của người thầy, người cô.

Ngoài vấn đề giáo viên, tôi thấy còn nhiều nguyên nhân khác như sức ép của bệnh thành tích; thầy cô bắt học thêm; phụ huynh cũng sốt ruột cứ bắt, khích lệ con em làm những bài tập nâng cao, khó hơn. Như vậy, chẳng quá tải sao?

Hơn nữa, gần đây có nhiều người coi chương trình học ở bậc phổ thông giống như cái thùng không đáy, hễ cái gì thấy thiếu, dư luận lên tiếng, xã hội giải quyết không xong, thế là bắt học trò phổ thông học tất.

Nghe nói, sắp tới sẽ đưa tiếp nội dung phòng chống tham nhũng, Chương trình kỹ năng sống vào dạy lồng ghép ở trường phổ thông. Không biết các bác ở Bộ GD-ĐT, cấp quản lý vĩ mô đã có sự chuẩn bị đến đâu, như thế nào cho mấy nội dung, chương trình mới mẻ ấy?

Đừng nửa dơi, nửa chuột rồi học sinh lại phải học quá tải, tội nghiệp!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem