Chủ tịch Quốc hội: Nếu Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường giảm được tới 6.000 người

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 10/11/2023 19:37 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khi Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường thì giảm được tới 6.000 người. Còn việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội từ 95 lên 125 người, ông đã nghiên cứu rất kỹ và thấy "hoàn toàn phù hợp".
Bình luận 0

Chiều 10/11, nêu ý kiến tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Thủ đô sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến tận giữa thế kỷ này; thúc đẩy, tạo động lực phát triển cho cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Chủ tịch Quốc hội: Nếu Hà Nội không tổ chức HĐND cấp phường giảm được tới 6.000 người - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 10/11. Ảnh Đ.X

Giữ chính quyền nông thôn và cấp huyện "có vẻ phù hợp hơn"

Từng đảm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ cho biết, đảng bộ, chính quyền nhân dân thủ đô đầu tư rất lớn cho dự luật này, khởi động từ rất sớm. 

Do đó, như nhiều đại biểu nhận định, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi lần này mới trình ra Quốc hội lần đầu nhưng chất lượng khá tốt, khắc phục chuyện luật khung, luật ống của Luật Thủ đô 2012. Đây thực chất là đạo luật về cơ chế đặc thù cho Hà Nội, cũng là đạo luật phân cấp, phân quyền, giao quyền cho TP.Hà Nội.

Nói về đề xuất cho Hà Nội thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện có 3 địa phương thí điểm mô hình chính quyền đô thị là Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. 

Tuy nhiên, khác với TP.HCM, Đà Nẵng bỏ HĐND cả ở cấp quận và phường, Hà Nội đang thí điểm bỏ mô hình HĐND ở phường (ở đô thị) còn ở chính quyền nông thôn và ở cấp huyện thì vẫn giữ nguyên, có cả UBND và HĐND.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi bỏ HĐND cấp huyện khiến cấp quận, huyện không còn là 1 cấp ngân sách, chỉ còn là đơn vị dự toán, không còn dự phòng ngân sách và mọi việc dồn vào cấp chính quyền TP cũng là một bất cập. Do đó, ông cho biết, việc Hà Nội chỉ bỏ HĐND phường, vẫn giữ chính quyền nông thôn và cấp huyện "thấy phù hợp hơn".

"Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đồng ý với Hà Nội cho phép áp dụng mô hình tổ chức này. Tới nay khi tổng kết thì luật hóa. Tôi nghĩ vấn đề đã tương đối chín", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về đề xuất tăng 30 đại biểu HĐND TP.Hà Nội từ 95 như hiện nay lên 125 người, Chủ tịch Quốc hội nói đã "nghiên cứu rất kỹ thì thấy hoàn toàn phù hợp". 

"Khi không tổ chức HĐND cấp phường thì giảm được tới 6.000 người, nay chỉ tăng cho cấp TP mấy chục người. Từ 95 người lên 125 người chỉ tăng 30 người, trong khi đó giảm mấy nghìn biên chế chỗ này. Tôi cho là cũng hợp lý", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu ủng hộ.

Luật đã quy định thu hút và "giữ chân" nhân tài

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ nhất trí cao với việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật có ý nghĩa đặc biệt này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô. Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế.

Ngoài ra, qua quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có nhiều nội dung mà một đô thị đặc biệt cần phải được áp dụng.

Đặc biệt, những nội dung này đã được cập nhật vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như vấn đề về mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông hay phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy…

Do đó, đại biểu tin chắc dự thảo Luật được đưa ra trình tại kỳ họp này sẽ được các đại biểu ủng hộ, tán thành.

Chủ tịch Quốc hội: ĐBQH Hà Nội chỉ tăng 30 người nhưng giảm mấy nghìn biên chế - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM). Ảnh: QH

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi Luật Thủ đô 2012 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cơ chế thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. 

"Việc thu hút và "giữ chân" nhân tài cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài", đại biểu Phạm Văn Hoà nói.

Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để tất cả đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần không chỉ cho họ mà còn cho gia đình họ.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH Bắc Giang) cho rằng, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Thủ đô mà phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước.

"Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo Luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp.

Đơn cử như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô", đại biểu Trần Văn Lâm nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem