Quy trình tố tụng với ĐBQH như ông Đinh La Thăng thực hiện ra sao?

Lương Kết Chủ nhật, ngày 10/12/2017 14:07 PM (GMT+7)
Ngay sau khi ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 8.12 cùng với ông Nguyễn Quốc Khánh, cũng là nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Quy trình xử lý với những Đại biểu Quốc hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thực hiện ra sao?
Bình luận 0

img

Ông Đinh La Thăng bị tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: VNE)

Trao đổi với Dân Việt, TS Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nên khi người đó vi phạm pháp luật tới mức phải xem xét, xử lý về hình sự, việc thực hiện quy trình tố tụng nhất thiết phải do các cơ quan tố tụng ở T.Ư thực hiện.

Trong khi đó, TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích sâu hơn: Trong Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Quốc hội có quy định quyền miễn trừ của ĐBQH.

Cụ thể tại Điều 37 Luật tổ chức Quốc hội quy định: Không được bắt, giam, giữ, khởi tố ĐBQH, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều luật này cũng quy định việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chính vì vậy, trường hợp như các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, đều đang là ĐBQH khóa XIV, trước khi các cơ quan tố tụng thực hiện việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đọc tờ trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh.

Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan điều tra, Bộ Công an tiến hành ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh. Các Quyết định trên được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Cùng thời điểm đó, về mặt Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã ký quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, lúc này là Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư.

Quyết định này nêu rõ: Đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành T.Ư) đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, từ ngày 8.12.2017 theo Quyết định Khởi tố bị can số 522/C46 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Quy định 30 ngày 26.7.2016 của Ban chấp hành T.Ư về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có nêu: Cấp ủy viên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng mà có hành vi cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp ủy và công tác kiểm tra của Đảng hoặc bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố thì phải đình chỉ sinh hoạt cấp ủy. Cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng đương nhiên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem