Chỉ có 1,37% trong tổng số hơn 521.000 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, thú y

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 11/07/2023 10:20 AM (GMT+7)
Liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên đi thực tập, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp đang là hướng đi đang được nhiều cơ sở đào tạo thuộc Bộ NNPTNT áp dụng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0

Thiếu hụt nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 cả nước có 521.263 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và thú y, chiếm tỷ lệ 1,37%.

Đơn cử như ở Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, thời điểm cao nhất là năm 2015 tuyển được 2.383 sinh viên, nhưng đã giảm đáng kể ở những năm tiếp theo, cụ thể là năm 2016 và 2017 lần lượt tuyển được 1.795 và 1.298 sinh viên. Đặc biệt trong 5 năm gần đây (2018-2022) hàng năm nhà trường chỉ tuyển được khoảng 750-1.000 sinh viên, chỉ đạt khoảng 40% so với dự kiến.

Trái ngược với sự giảm sút về số lượng người học, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn rất lớn. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.

Giải “cơn khát” nguồn nhân lực ngành nông nghiệp: Đào tạo theo nhu cầu, đưa sinh viên đến doanh nghiệp thực tập - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia Ngày hội việc làm năm 2023 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: N.H

"Hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các bên. Hiện nay, Học viện đã xây dựng mạng lưới liên kết với trên 200 doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn (Bitexco, Trungnam group, CP group, Doveco, ThaiBinh seed...)".

Bà Nguyễn Thị Lan -

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ví dụ, ở Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế giai đoạn 2018-2023, hàng năm các doanh nghiệp thông báo có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y, nhưng số sinh viên ra trường chỉ có 1.500-2.000, mới đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Số liệu khảo sát sinh viên nhà trường năm 2022 cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước (86,71%), tiếp theo là các cơ quan nhà nước (11,64%), còn lại là tự tạo việc làm (1,64%).

Trong khi đó, lại có nhiều thách thức cho công tác tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cụ thể là: Hướng nghiệp ở bậc phổ thông còn chưa tốt; phụ huynh và học sinh THPT đều cho rằng theo ngành nông nghiệp sẽ vất vả trong khi mỗi gia đình chỉ 1 - 2 con; xu thế lựa chọn ngành nghề theo sở thích, danh tiếng của ngành học hơn là cơ hội việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp

Giải “cơn khát” nguồn nhân lực ngành nông nghiệp: Đào tạo theo nhu cầu, đưa sinh viên đến doanh nghiệp thực tập - Ảnh 3.

Đại diện doanh nghiệp tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Ngày hội việc làm năm 2023. Ảnh: N.H

Xây dựng đề án hợp tác với doanh nghiệp

Bộ NNPTNT đề nghị các trường thuộc Bộ Xây dựng đề án hợp tác với doanh nghiệp như một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển trường. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp đối tác, tích cực tiếp cận nguồnkinh phí tài trợ và đầu tư nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Chủ động mời các nhà quản lý, nhà khoa học giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu và quản trị của nhà trường nhằm giúp các trường có định hướng chiến lược phát triển theo tư duy thị trường và gắn với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Các doanh nghiệp chủ động tham gia đặt hàng đào tạo, cung cấp học bổng hỗ trợ người học, đặc biệt các ngành nông nghiệp khó tuyển sinh, khó xã hội hoá. Tham gia xây dựng chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng và đánh giá kết quả đào tạo theo mức độ đáp ứng yêu cầu sử dụng.

P.V

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, nhu cầu đến năm 2025 là 10.000 cán bộ quản lý nông nghiệp, 80.000 cán bộ HTX nông nghiệp, 100.000 nông dân được đào tạo, 60.000 người làm dịch vụ kỹ thuật, sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Điều này cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo sẽ tiếp tục tăng cao.

Nhu cầu ngày càng tăng trong khi nguồn cung lại giảm mạnh là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến sự thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay, và sẽ trầm trọng hơn trong 5-10 năm tới nếu không có các giải pháp kịp thời và bền vững.

Đào tạo theo "đơn đặt hàng"

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT - ông Lê Minh Hoan, để bắt kịp với xã hội, con người buộc phải tìm kiếm nghề nghiệp mới. Để có nghề nghiệp mới, con người phải được đào tạo ngành nghề mới với kiến thức mới, kỹ năng mới. Vậy mới thấy chiều sâu ý nghĩa của "xã hội học tập", "học tập suốt đời" mà cả thế giới đang thực hiện…

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, thời gian qua, các trường đại học cũng đã chú trọng công tác quảng bá tuyển sinh, mở rộng nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học. Trường Đại học Thủy lợi mở các ngành mới An ninh mạng, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh, Kinh tế số, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Luật… Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở mới các ngành gồm: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Tài chính ngân hàng, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản lý bất động sản, Sư phạm công nghệ… Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang mở thêm ngành Ngôn ngữ Trung Quốc.

Đến 2022, các cơ sở đào tạo đại học của Bộ NNPTNT có 38 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 39 ngành đào tạo thạc sĩ và 97 ngành đào tạo trình độ đại học, 112 ngành đào tạo cao đẳng; 122 ngành trung cấp.

Giải “cơn khát” nguồn nhân lực ngành nông nghiệp: Đào tạo theo nhu cầu, đưa sinh viên đến doanh nghiệp thực tập - Ảnh 5.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường của Bộ NNPTNT đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. 

Bên cạnh việc thiết kế, in ấn và phát các tài liệu đến đối tượng ở các trường phổ thông, xây dựng các trang thông tin điện tử cho phép học sinh, sinh viên tìm hiểu về các ngành nghề, cơ hội học tập làm việc; giải đáp vướng mắc và nộp hồ sơ trực tuyến, nhiều trường đã chủ động thành lập các đoàn tuyển sinh để làm công tác truyền thông đến các địa phương, các trường phổ thông. Thiết lập mối quan hệ khăng khít với các đơn vị giáo dục tại các địa phương để làm công tác định hướng nghề nghiệp và thu hút tuyển sinh.

Một số trường như Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ đã chủ động ký kết hợp tác với doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Samsung, Canon, Toyota, Foxconn (Hồng Hải), Công ty Cổ phần nông nghiệp Trường Hải (THAGRICO), Công ty TNHH CJ Vina Agri và Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope… để đưa sinh viên đến thực tập, cam kết về việc làm và cung cấp học bổng, trả lương cho học sinh, sinh viên trong quá trình học và thực tập tại doanh nghiệp. Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem