Chạy đua ở đảo quốc sư tử

Đức Hiếu- Lê Đức Thứ sáu, ngày 19/06/2015 16:22 PM (GMT+7)
Ba tuần ở Singapore đồng hành cùng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, chúng tôi đã trải qua một cuộc đua thực sự. Đua với các đồng nghiệp về việc phát hiện những nét mới, lạ, độc đáo và đua với chính mình để phản ánh mọi thông tin về Đại hội thể thao khu vực và cuộc sống ở nước chủ nhà chân thực, nhanh và hấp dẫn nhất.
Bình luận 0

Khám phá Singapore với Desmond

Khi mới tới Singapore, chúng tôi tất nhiên lạ nước lạ cái. Ngoài việc tới các địa điểm thi đấu, muốn đi đâu, tìm hiểu gì về nước chủ nhà SEA Games 28 để viết bài cũng gặp khó khăn.

May sao, một đồng nghiệp đã giới thiệu cho chúng tôi Desmond - một tình nguyện viên người Singapore có thể giao tiếp thông thạo 3 thứ tiếng Việt Nam, Anh và Trung Quốc.

Hỏi vì sao Desmond có thể nói sõi tiếng Việt Nam như thế, anh bộc bạch: “Tôi đã có gần 10 năm làm việc ở Việt Nam nên nghe, nói tiếng Việt tốt cũng là bình thường”. Anh Desmond thậm chí còn đùa: “Các anh nói tiếng lóng tôi cũng hiểu”.

img
 Phóng viên NTNN chụp ảnh lưu niệm tại Sports Hub cùng một nhân viên mặc bộ đồ hình nộm sư tử Nila, linh vật của SEA Games 28.Ảnh:  L.N

Khi chúng tôi nêu các đề tài muốn làm về cuộc sống, người dân, những nét văn hoá đặc sắc của Singapore, Desmond hỏi trước: “Các anh đi bộ tốt chứ?”. Tất nhiên chúng tôi trả lời: “Rất tốt, anh cứ yên tâm”. Thế là hành trình bắt đầu. Desmond dẫn chúng tôi đi khắp mọi nơi, từ Geylang tới Bugis, chuyển tới Tanah Merah, vòng về Kallang, sau đó lại đến Clarke Quay, vào China Town rồi đi Marina Bay...

Đi rất nhiều, nhưng Desmond không hề có biểu hiện mệt mỏi. Ở bất cứ địa điểm nào, khi chúng tôi hỏi, Desmond đều trả lời rất cụ thể, tỉ mỉ. Từ chủ đề nông nghiệp, cửa hàng hoa, trung tâm thương mại, cảnh đẹp tới các ngôi chùa, khu phố ẩm thực, cách đổi làn tàu điện ngầm...

Desmond giới thiệu vô cùng nhiệt tình. Hỏi có mệt không, Desmond bộc bạch: “Tôi là người Singapore nên đương nhiên rất tự hào về đất nước mình. Tôi rất vui khi các anh tới đây và tìm hiểu những nét đẹp, sự độc đáo về cuộc sống, văn hoá của quê hương tôi để độc giả Việt Nam hiểu hơn, cảm nhận được sự thân thiện của con người và đất nước Singapore. Vì thế tôi không hề thấy mệt”.

Chính nhờ có Desmond, với quãng thời gian ngao du ở Singapore trước khi SEA Games khai mạc, chúng tôi đã thực hiện được nhiều bài viết có chất lượng, mang hơi thở cuộc sống thực sự về Singapore.

Hoá ra, không chỉ có sự hào nhoáng, lộng lẫy ở Khu liên hợp thể thao Sports Hub, những khu trung tâm thương mại nổi tiếng như Sentosa hay cảnh đẹp ở vịnh Marina, Singapore còn có cả những khu phố nghèo, những con người thầm lặng đóng góp công sức vào thành công của SEA Games hay sự khó khăn khi mua một bó hoa tươi ngay ở chính nơi mà người dân đảo quốc sư tử tự hào là “đất nước của màu xanh”.

Khi gửi lời cảm ơn Desmond, anh chỉ cười hiền: “Tôi phải cảm ơn các anh mới đúng. Chính điều này sẽ giúp người Việt Nam gần hơn, đồng cảm hơn với Singapore khi tới đây du lịch, khám phá”.

Làm “tia chớp” đến những “điểm nóng”

Trở lại với công việc chính khi tới Singapore, chúng tôi đã trải qua cuộc đua lành mạnh mà thực sự quyết liệt với các đồng nghiệp. Nói không quá, chẳng riêng phóng viên Việt Nam mà tất cả phóng viên trong khu vực, ai cũng “vắt chân lên cổ” để nỗ lực tìm những thông tin mới nhất, nhanh nhất, chân thực và độc đáo nhất để gửi về toà soạn.

Thời đại công nghệ thông tin, báo điện tử phát triển cực mạnh nên “cuộc đua” viết tin, bài giữa chúng tôi với đồng nghiệp có khi được tính bằng... giây. Và để đạt được hiệu quả cao nhất, như một đồng nghiệp nói đùa thì phóng viên đi làm SEA Games phải hội tụ đủ các yếu tố: Đầu nghĩ mạnh, tay gõ máy tính nhanh và chân chạy khoẻ.

Phóng viên nào tới Singapore tác nghiệp cũng lỉnh kỉnh máy tính xách tay, máy ảnh và rất nhiều thiết bị, phương tiện khác để phục vụ việc tác nghiệp. Chúng tôi tất nhiên cũng không phải ngoại lệ. Công việc mỗi ngày đều dồn dập và nặng, đòi hỏi sức khoẻ phóng viên phải tốt.

Gì chứ riêng việc chạy thực sự từ địa điểm thi đấu này sang địa điểm thi đấu khác hoặc chạy ra bến xe buýt, bến tàu điện ngầm cũng không hề đơn giản. Chúng tôi phải chạy thực sự chứ không thể chậm trễ, đặc biệt ở những nơi có môn thể thao được coi là “mỏ vàng” của đoàn Việt Nam.

Chạy tới nơi, chưa kịp thở đã phải rút máy ảnh, ghi âm, bật sẵn máy tính xách tay để sẵn sàng tác nghiệp. Xong là cất vội tất cả vào ba lô rồi lại chạy đi chỗ khác. Cả ngày như thế, việc ăn một bữa cơm đàng hoàng là rất xa xỉ bởi thời gian đều dồn cả cho việc tác nghiệp. Lương khô tất nhiên là “bạn đồng hành” trong những ngày làm SEA Games. Một đồng nghiệp khác của chúng tôi đã vừa đùa vừa than: “Siêu vận động viên điền kinh Usain Bolt chạy nhanh nên có biệt danh “tia chớp”. Ở SEA Games này, cánh phóng viên chúng mình khác gì Usain Bolt đâu”.

Vất vả như thế, nhưng ai cũng đam mê nghề. Sau 1 ngày đi dài, chỉ kịp ngả lưng, chợp mắt vài giờ rồi lại dậy để nghĩ, đăng ký đề tài với tòa soạn rồi tiếp tục... chạy đi tác nghiệp. Bản thân chúng tôi cũng vậy, nhưng đó cũng là chuyện bình thường. Đơn giản bởi việc được hoà mình trong không khí SEA Games, được trực tiếp chứng kiến và phản ánh thành công của đoàn thể thao Việt Nam, mọi sự khó khăn, trở ngại, nếu có thì cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.

Nhiều phóng viên Việt Nam, trong đó có chúng tôi, khi tới Singapore tác nghiệp đã mang theo rất nhiều mì tôm. Cùng với lương khô, đây là hai món ăn chính trên các nẻo đường tác nghiệp ở SEA Games 28. Thậm chí, khi hết mì và lương khô, “bữa ăn” để bảo đảm khả năng “chạy đua” của phóng viên chỉ là... một chai nước lọc. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem