Chàng trai đam mê "điêu khắc" trong ẩm thực tới mức quên ăn, quên ngủ

Doãn Nhàn - Thùy Anh Thứ năm, ngày 18/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Võ Ngọc Tâm có thể dành liên tiếp hàng tiếng đồng hồ, thức trắng đêm để tạo hình cho những loại rau củ thường ngày. Với Tâm, đây là bộ môn nghệ thuật đầy thu hút và hấp dẫn, quá trình miệt mài sáng tạo cũng chính là thời gian tận hưởng sự thú vị của "điêu khắc" trong ẩm thực.
Bình luận 0

Võ Ngọc Tâm (19 tuổi, Quảng Ninh) là sinh viên năm 2 - trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng. Cậu học chuyên ngành chính là quản trị chế biến món ăn nhưng lại có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật tỉa rau củ.

"Học chuyên về nấu ăn nhưng sau 1 thời gian đi làm thêm bên ngoài, em thấy việc cắt tỉa này khá hay và ít người làm được, nên rất tò mò và muốn thử sức mình. Hơn nữa, em thấy mức lương của nghề này khá cao, sau này có thể đi theo nhiều hướng khác nhau", Tâm chia sẻ.

"Cày ngày, cày đêm" để cắt tỉa rau củ

Bắt đầu tìm hiểu và làm quen với nghề cắt tỉa rau củ từ đầu năm nay, Tâm chủ yếu tự mày mò và học trên mạng bên cạnh việc học hỏi thêm từ những người đi trước có kinh nghiệm. Tuy nhiên, những sản phẩm Tâm làm ra vượt xa tay nghề của một kẻ "tay mơ", ai cũng ngạc nhiên với sự tiến bộ nhanh chóng của cậu.

"Nhiều người không nghĩ em mới học vì cái này cần rất nhiều thời gian; Có ngày em ngồi tỉa từ 8h sáng tới 2-3h đêm mới xong 1 tác phẩm. Em nghĩ làm cái này mình cần phải kiên trì, tỉ mẩn từng đường nét một, nếu không có đam mê thì dễ nản lắm!".

nghề cắt tỉa rau quả

Võ Ngọc Tâm quên ăn, quên ngủ, thức trọn với đam mê cắt tỉa rau củ. Ảnh: Doãn Nhàn

Những ngày đầu mới làm quen với nghề cắt tỉa rau củ, Tâm gặp không ít khó khăn khi không tạo được đường nét rõ ràng cho sản phẩm. Cậu chia sẻ, trong cắt tỉa khó nhất là tỉa hình người, rồi đến tỉa thú. "Mỗi con vật, mỗi loại hoa,... sẽ có những đường nét cách pha khối tạo hình khác nhau, không con nào giống con nào cả". Với các sản phẩm mô hình, người làm còn phải biết kết hợp hài hòa các loại rau củ để tạo nên một bức tranh tổng thể đẹp mắt.

Hàng ngày, Tâm thường dành từ 5-6 giờ đồng hồ để luyện tập. Lúc mới bắt đầu tập tành, Tâm kể "một tuần đứt tay 5-7 lần là chuyện bình thường, vì mới làm mình cầm dao chưa chắc tay, nhưng "Trăm hay không bằng tay quen", bây giờ thực hành nhiều rồi nên vết thương cũng hạn chế hơn." Với một sản phẩm hoàn thiện như quả dưa, Tâm mất khoảng 30 phút - 1 tiếng để làm tùy độ chi tiết, còn với mô hình thì thời gian làm phải dành tới 12-20 tiếng.

nghệ thuật cắt tỉa rau quả

Võ Ngọc Tâm gây ấn tượng với những tác phẩm cắt tỉa rau củ độc đáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những sản phẩm cắt tỉa rau củ quả nếu "bày ra, cất vào cẩn thận thì để được khoảng 3 hôm, còn không thì chỉ một hôm thôi." Tâm quan niệm: "Những sản phẩm cắt tỉa giống như một món ăn tinh thần hay thức uống. Nó giống như việc người ta bỏ tiền ra họ mua 1 cốc cafe - họ uống họ cảm nhận thì đây là họ thấy bằng mắt. Bây giờ người ta không chỉ thích ăn ngon, mà còn thích bày biện sang trọng, đẹp mắt nữa!".

Giá của những sản phẩm cắt tỉa cũng đa dạng và phong phú, tùy vào tay nghề của người nghệ nhân: cùng một quả dưa được cắt tỉa tạo hình, nhưng sẽ có quả 100.000 nghìn đồng, có quả lên tới 500.000 đồng. Sản phẩm cắt tỉa từ rau củ được sử dụng linh hoạt và đa dạng từ trang trí món ăn, trang trí ở các dịp lễ hội,...

Cắt tỉa rau củ là nghề mới đầy triển vọng

Nghệ thuật cắt tỉa rau củ là một nghề có nhiều triển vọng để phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn ít được chú trọng. Cô Nguyễn Thị Mai - Giảng viên bộ môn Nghệ thuật cắt tỉa rau củ của trường Cao Đẳng Du Lịch Hải Phòng đánh giá: "Trong tương lai nghề cắt tỉa này sẽ còn tiếp tục phát triển do nhu cầu của khách hàng và cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên ở nước ta, nhân lực là đầu bếp theo chuyên nghiệp về mảng cắt tỉa không nhiều, và các đầu bếp được đào tạo phần nhiều mới chỉ dừng lại ở trang trí cơ bản".

nghề cắt tỉa rau quả

Cô Nguyễn Thị Mai - Giảng viên bộ môn Nghệ thuật cắt tỉa rau củ bên tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Ảnh: NVCC

Cũng theo cô Mai, hiện nay số lượng sinh viên theo học cắt tỉa khá ít. Đa phần các bạn chọn học làm đầu bếp sẽ nghĩ đến việc đứng bếp nhiều hơn. Mặt khác bộ môn này cũng hơi đặc thù, liên quan đến nghệ thuật nhiều, để theo đuổi cần đam mê cần khéo léo một chút, nếu không khéo thì phải rất kiên trì để luyện tập. Nó không như nấu ăn hay làm bánh, có công thức, làm theo chỉ dẫn sẽ ra. Người dạy cắt tỉa chỉ góp một phần để học viên hiểu về kỹ thuật, về quy trình để tạo ra sản phẩm, còn tùy thuộc vào rất nhiều vào cảm nhận, sự tưởng tượng của người học để ra được sản phẩm đó.

Cũng như những bạn đam mê nghệ thuật cắt tỉa, Võ Ngọc Tâm tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của nghề này và sẵn sàng trải nghiệm thêm vài năm nữa để học hỏi được nhiều cái mới. "Người trẻ như em có điểm mạnh nhất chính là tuổi trẻ, sức khỏe, bây giờ cũng chưa vướng bận về gia đình thì tại sao mình không thử sức mình chứ? Đối với người khác thì hiện tại em làm là rất ổn rồi, nhưng đối với người làm nghệ thuật thì em vẫn còn non lắm, càng học hỏi tay nghề lên cao thì sau mình càng có nhiều cơ hội hơn."

nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả

Tác phẩm cắt tỉa của Võ Ngọc Tâm được đánh giá cao. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về dự định sắp tới, Tâm hào hứng: "Sau khi tốt nghiệp xong, em sẽ làm trang trí thêm 1 năm để học hỏi kinh nghiệm; Sau đó ra ngoài học chuyên sâu về nghệ thuật cắt tỉa rau củ, từ cắm hoa lắp tráp, tỉa xốp, tỉa sâm... rồi đi thi… Chắc mất tầm 2-3 năm để xây dựng hình ảnh, rồi em sẽ đưa nó về Quảng Ninh quê em để làm".

Tâm hy vọng nghệ thuật cắt tỉa rau củ ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và thịnh hành hơn nữa để tạo thêm sự khác biệt, sinh động và độc đáo cho ẩm thực dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem