Phân tích những diễn biến mới trong căng thẳng Nga – Ukraine, Đại sứ, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN cho rằng, trong lịch sử Nga đã có hành động tương tự việc công nhận độc lập của vùng Donbass. Theo ông, các bên sẽ tìm kiếm giải pháp ngoại giao, xong từ nay đến khi đó sẽ còn "nhiều đòn cân não". 

Bài học Gruzia

Thưa Đại sứ, ông có bất ngờ khi Nga tuyên bố công nhận độc lập của Lugansk và Donetsk?

- Nếu theo dõi tình hình Ukraine, và quan hệ Nga giữa Nga với Ukraine, Mỹ và phương Tây trong những ngày qua, cũng như lịch sử vấn đề và các quan hệ này kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay thì chúng ta sẽ không mấy bất ngờ. Hành động này của Nga không phải là hành động mới. Trước đây năm 2008, Gruzia cũng tìm cách gia nhập NATO, xích lại quan hệ với Mỹ và phương Tây nên quan hệ Nga – Gruzia rất căng thẳng.

Tại Gruzia lúc đó cũng có 2 vùng lãnh thổ là Abkhazia và Nam Ossetia, nơi có số đông người Nga sinh sống và là khu vực nói tiếng Nga. 2 khu vực này cũng tuyên bố độc lập khỏi Gruzia và sự tuyên bố độc lập của họ cũng được Nga công nhận, sau đó Nga đưa quân sang ủng hộ độc lập của 2 lãnh thổ này. Do vậy những diễn biến gần đây ở Lugansk và Donetsk cũng có nhiều nét tương đồng như sự kiện đã diễn ra cách đây 15 năm.

Tuy nhiên, diễn biến tại Gruzia khác Ukraine bây giờ vì Gruzia không có biên giới sát với NATO và Châu Âu. Ukraine là quốc gia lớn hơn nhiều, chỉ đứng thứ hai sau Nga trong các quốc gia trong không gian "hậu Xô Viết". Ukraine lại có biên giới sát với Châu Âu và NATO, do đó những diễn biến và bất ổn an ninh ở Ukraine tác động nhanh, mạnh, trực tiếp hơn đến NATO so với tình hình Gruzia cách đây 15 năm.

Trên thực tế, các khu vực Lugansk và Donetsk đã tuyên bố ly khai khỏi Ukraine từ cách đây 8 năm. Nga đã có hoạt động hỗ trợ hoạt động các lực lượng dân quân thân Nga ở đây, cấp hộ chiếu cho người nói tiếng Nga và gần đây nhất là sơ tán người dân khu vực này sang lãnh thổ Nga… Tất cả những điều đó báo hiệu về tình hình căng thẳng mới ở Donbass.

Việc Nga công nhận 2 nước Cộng hoà ngày 21/2 vừa qua không khiến tôi bất ngờ vì đây là hành động đã được dự báo trước.

Căng thẳng Nga – Ukraine: Cuộc chiến thông tin và sự thiếu lòng tin chiến lược - Ảnh 1.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thưa ông, với hành động mà phương Tây xem là rất quyết liệt này của Nga, liệu các diễn biến tiếp theo sẽ là gì? Căng thẳng liệu có bùng phát thành xung đột hay không?

- Với những gì đang diễn ra tại Ukraine  hiện nay, có thể dự báo một số diễn biến với Ukraine và quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO xung quanh vấn đề này trong thời gian tới như sau:

Về quân sự, nhiều khả năng sẽ không xảy ra chiến tranh tổng lực giữa Nga với Ukraine, vì bản thân các khu vực Lugansk và Donetsk trên thực tế đang có sự độc lập tương đối với chính quyền trung ương Kiev từ 2014 đến nay. Hơn nữa, hành động quân sự của Nga hiện chỉ dừng ở mức hạn chế là ủng hộ các du kích thân Nga tại 2 nước cộng hoà để đối phó với cái họ cho là sự khiêu khích và tấn công từ phía Ukraine. Chúng ta cũng thấy Ukraine không đủ sức tiến hành chiến tranh tổng lực lấy lại vùng Donbass thân Nga và ủng hộ Nga.

Bản thân Nga cũng không có kế hoạch tấn công tổng lực chống Ukraine nếu không bị Ukraine tấn công. Còn Mỹ và các nước thành viên NATO cũng có nhiều tuyên bố trước đó là gần như mặc định để Ukraine đối phó với Nga, còn trường hợp Nga tấn công thì sẽ bị trừng phạt và NATO sẽ không gửi quân để giúp Ukraina vì việc này có thể gây ra sự đụng độ trực tiếp giữa Nga với Mỹ và NATO.

Khi căng thẳng không giải quyết được bằng biện pháp quân sự thì ngoại giao là cách duy nhất. Cho đến nay, các bên liên quan đều mong muốn có giải pháp ngoại giao để xuống thang, ngay cả khi tình hình trở nên căng thẳng.

Tại hội nghị An ninh Munich diễn ra từ 18-20/2 vừa qua, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi đối thoại để làm rõ ý định của Nga. Gần đây nhất, ngày 21/2, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố đã thu xếp cuộc gặp cao giữa Tổng thống Biden với Tổng thống Putin, và Ngoại trưởng Mỹ - Nga sẽ gặp nhau vào 24/2 để thu xếp cho cuộc gặp. Tuy nhiên, cả Nhà trắng lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố hủy hai cuộc gặp quan trọng này ngay sau khi Nga đưa quân vào Donbass và công nhận nền độc lập của Lugansk và Donetsk.

Về phía mình, Nga đã nhiều lần nói rõ muốn có cuộc họp lãnh đạo Nga – Mỹ - NATO bàn về các lo ngại an ninh của Nga trong khuôn khổ một thoả thuận an ninh mới ở châu Âu với các cam kết bằng văn bản rằng các lợi ích an ninh của Nga được đảm bảo và họ không bị Mỹ và NATO đe dọa về an ninh.

Tuy nhiên cho đến nay Nga cho rằng Mỹ và NATO vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu "chính đáng" của họ. Điểm sáng cho hy vọng là tình hình căng thẳng tuy được đẩy lên rất cao, nhưng đối thoại chưa phải là đã hết, và  các bên liên quan, hơn lúc nào hết phải tìm cách tháo ngòi nổ, không để căng thẳng và bất ổn lan rộng thành xung đột.

Căng thẳng Nga – Ukraine: Cuộc chiến thông tin và sự thiếu lòng tin chiến lược - Ảnh 2.

Xe tăng của bộ binh Ukraine tại làng Zaitseve ở Donetsk cuối tuần qua. Ảnh: Reuters.

Phương Tây bị bất ngờ

Những tuần vừa qua dường như Mỹ và phương Tây đã thổi phồng những mối đe doạ an ninh từ Nga. Liệu có phải việc Mỹ "làm quá" như vậy đã dẫn tới việc công nhận này không, thưa ông?

- Sự căng thẳng vừa qua xảy ra có liên quan đến nhiễu loạn và chiến tranh thông tin cũng như sự thiếu lòng tin chiến lược, sự nghi kỵ giữa Mỹ với Ukraine, Nga và NATO.

Những điều đó đến từ cả hai phía. Phía Nga cho rằng họ triển khai quân hoặc tập trận bên trong lãnh thổ nước Nga là công việc nội bộ của Nga, không ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia khác, do đó việc Mỹ và phương Tây cho rằng Nga chuẩn bị có hành động xâm lược là sự "thổi phồng".

Về phía Mỹ và phương Tây, họ liên tục đưa các thông tin cập nhật, thông tin tình báo, hình ảnh vệ tinh về việc Nga triển khai quân khí tài rầm rộ xung quanh Ukraine. Theo số liệu của Nhà Trắng, số quân Nga tập trung xung quanh Ukraine, cả trên bộ lẫn trên biển là 160.000 – 190.000 quân, đủ để Nga phát động cuộc chiến tổng lực. Thậm chí Nhà Trắng còn ấn định thời điểm Nga sẽ tấn công Ukraine là từ 16-19/2/2022.

Do đó, việc Nga công nhận độc lập của Lugansk và Donetsk cũng như đưa quân sang Donbass phía đông Ukraine để "gìn giữ hoà bình" là điều làm cho phương Tây khá bất ngờ.

Tất nhiên, đây chưa phải hành động cuối cùng mà chỉ là hành động mới nhất từ phía Nga. Từ nay cho đến khi đạt được một giải pháp ngoại giao giúp giải toả tình hình khu vực thì sẽ còn nhiều động thái, đòn cân não cũng như sự nhiễu loạn  thông tin về hành động và ý đồ của các bên liên quan.

Mục đích chính là để các bên liên quan như Nga, Ukraine, Mỹ và NATO đạt được mục đích tối đa của mình, trong khi giảm thiểu các yếu tố quân sự, cũng như các hệ quả tiêu cực mà tình hình căng thẳng hiện nay đem lại.

Căng thẳng Nga – Ukraine: Cuộc chiến thông tin và sự thiếu lòng tin chiến lược - Ảnh 3.

An ninh Châu Âu sẽ ra sao sau các sự việc này? Liệu Châu Âu có phải bên thiệt hại nhiều nhất hay không thưa ông?

- Chắc chắn an ninh châu Âu đang bị đe doạ và ảnh hưởng. Ukraine là một quốc gia lớn, tiếp giáp với toàn bộ khu vực Đông Nam Châu Âu. Những gì đang diễn ra tại Ukraine đang tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến cấu trúc và an ninh châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay cũng như những điều đã được ghi trong các điều khoản của Hiệp định Helsinki của Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE).

Những gì đang diễn ra ở Ukraine cũng đã phá vỡ thoả thuận 3 bên ký tại Moscow đầu năm 1994 giữa Nga – Mỹ - Ukraine trong việc đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine để đổi lại việc Ukraine từ bỏ sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà họ thừa hưởng từ Liên Xô sau Chiến tranh lạnh.

Tình hình hiện nay cũng đã phá vỡ thoả thuận an ninh Budapest 1994 ký giữa 6 bên là Anh, Nga, Mỹ với Kazakhstan, Belarus và Ukraine, trong đó Anh, Nga, Mỹ cam kết đảm bản toàn vẹn lãnh thổ Kazakhstan, Belarus, Ukraine, để đổi lại việc 3 nước này không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân và tham gia Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân NPT

Nguy hiểm hơn, sau những gì diễn ra, Ukraine đã bày tỏ ý định sẽ nghiên cứu khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình để tự đảm bảo an ninh, không phụ thuộc sự đảm bảo an ninh của các nước lớn, và các cấu trúc an ninh hiện hành và châu Âu. Nếu diễn ra, điều này không những tác động trực tiếp an ninh châu Âu, mà còn thúc đẩy các quốc gia khác tìm kiếm công nghệ vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho mình.

Căng thẳng Nga – Ukraine: Cuộc chiến thông tin và sự thiếu lòng tin chiến lược - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của Lugansk và Donetsk. Ảnh: TASS.

Thế và lực của Mỹ đã giảm

Ông có cho rằng Mỹ sẽ khó khăn hơn không khi đối đầu với Nga ở châu Âu và cả với Trung Quốc  khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?

- Là một siêu cường thế giới, từ năm 1945 đến nay, Mỹ luôn phải đối phó với các vấn đề an ninh từ các địch thủ, từ các điểm nóng cũng như từ các quốc gia mà Mỹ cho là "bất hảo". Trong gần 80 năm qua, kể từ sau khi trở thành cường quốc thế giới do kết quả của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ phải cùng lúc đối đầu với 2 cường quốc hoặc các mối đe doạ toàn cầu lớn nhất không phải là điều xa lạ.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ cùng lúc đối phó mối đe doạ từ Liên Xô và Trung Quốc. Thậm chí thời kỳ 1949 – 1959 Trung Quốc và Liên Xô còn liên minh với nhau chống lại Mỹ. Vì thế trong giai đoạn hiện nay Mỹ cùng lúc phải ứng phó Nga ở châu Âu và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải điều mới. Điểm khác nhau ở đây là thế và lực của Mỹ trong so sánh tương đối với Nga và Trung Quốc hiện nay giảm hơn nhiều so với thế và lực của Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh lạnh.

Trung Quốc là một cường quốc hàng đầu, hiện trỗi dậy rất mạnh mẽ, thậm chí có khả năng soán ngôi Mỹ và trở thành cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới vào năm 2035. Tuy Mỹ coi Trung Quốc là địch thủ nhưng Trung Quốc luôn khẳng định họ không tìm cách đối đầu hoặc thay thế vị thế số 1 của Mỹ hiện nay trên thế giới. Quan hệ Mỹ - Trung không chỉ có mặt cạnh tranh đối đầu chiến lược, mà có nhiều lĩnh vực 2 bên tăng cường thúc đẩy hợp tác.

Một điểm khác nữa là trong Chiến tranh lạnh, sự đối đầu giữa Mỹ và các địch thủ là về ý thức hệ, một mất một còn, nhưng trong cuốc chiến hiện nay Mỹ chỉ có nhu cầu làm suy yếu, không để đối thủ là mối đe doạ an ninh, trong khi vẫn "hợp tác" với các đối thủ như Trung Quốc, kể cả Nga, trong nhiều vấn đề toàn cầu.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Mỹ Hằng thực hiện

"Nhiều khả năng sẽ không xảy ra chiến tranh tổng lực giữa Nga và Ukraine… Song từ nay cho đến khi đạt được một giải pháp ngoại giao giúp giải toả tình hình khu vực thì sẽ còn nhiều động thái, đòn cân não cũng như sự nhiễu loạn của thông tin về tình hình đang diễn ra".

(Đại sứ, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn)


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem