Cần xử lý nghiêm những kẻ “ma giáo” trong “cuộc chiến” nước mắm

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ sáu, ngày 21/10/2016 10:03 AM (GMT+7)
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, thị trường nước mắm với doanh số 200 triệu lít và 7.000 tỷ mỗi năm nên có nhiều người “bâu vào”, trong đó có cả “con sâu làm rầu nồi canh”, cơ quan nhà nước phải nghiêm trị.
Bình luận 0

Thưa ông, ngay sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố kết quả khảo sát nước mắm, dù các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về arsen nhưng một số siêu thị đã hạ nước mắm truyền thống xuống khỏi kệ trưng bầy. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?

- Tôi chưa nắm được thông tin này nhưng nếu đúng như báo chí phản ánh, một số siêu thị đã gỡ nước mắm truyền thống khỏi kệ hàng thì đúng là đã quá vội vàng. Theo tôi, các siêu thị cần phải bình tĩnh, chờ kết luận của Bộ Y tế là loại nước mắm nào an toàn, loại nào không an toàn trước khi đưa ra những quyết định gỡ hàng khỏi kệ hay từ chối nhập hàng.

Thực tế, sau khi công bố thông tin nước mắm có chứa arsen, Vinastas cũng đã trả lời báo chí là arsen hữu cơ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế thì việc các siêu thị gỡ hàng khỏi kệ là vội vã, vừa thiệt hại cho nhà cung cấp, vừa thiệt hại cho siêu thị. Đặc biệt, sự việc sẽ không chỉ có nước mắm  mà tới đây còn có nhiều sản phẩm khác, nếu cứ để xảy ra tiền lệ gỡ hàng như thế thì siêu thị cũng bị thiệt hại.

img

Ngay sau khi Vinastas công bố nhiều nhãn hiệu nước mắm truyền thống chưa arsen, Masan đã quảng cáo và khẳng định 2 sản phẩm Chin-Su hương cá hồi và  Nam Ngư không chứa arsen. Theo ông, đằng sau sự việc này có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không?

- Theo tôi, doanh nghiệp Masan quảng cáo là theo quy định của Luật quảng cáo nên muốn xem xét có đúng hay không phải căn cứ theo luật. Còn liên quan tới cạnh tranh có lành mạnh hay không thì  vấn đề này thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Với sự việc này, cá nhân tôi thấy, công bố của Vinastas là quá vội vã, không đúng chức năng. Việc arsen hữu cơ không độc hại nhưng chưa có cơ quan nào kết luận về vấn đề này. Còn đối với nước mắm truyền thống hay công nghiệp theo tôi loại nào cũng được vì còn do khẩu vị của mỗi người, miễn là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên, trên thị trường vẫn có tình trạng làm ăn “ma giáo” gọi là nước mắm nhưng pha nước lã, hóa chất và cho một vài giọt nước mắm vào là trở thành nước mắm.

Mới đây là cuộc chiến của nước uống đóng chai, ngay sau đó là nước mắm, đều là những sản phẩm có thị phần béo bở, theo ông trong cuộc chiến này có “bàn tay ma giáo” đằng sau hay không?

- Cuộc chiến của nước uống đóng chai vừa qua thì ai cũng đều đã rõ với nhiều thủ đoạn, chiêu thức chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay, “cuộc chiến” thị phần nước mắm cũng khốc liệt không kém. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm với doanh số khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm nên có nhiều người “bâu vào”, trong đó có cả “con sâu làm rầu nồi canh”, cơ quan nhà nước phải nghiêm trị.

Còn có “bàn tay” ma giáo đứng ở đằng sau hay không theo tôi cơ quan quản lý cần phải làm rõ và xử lý nghiêm những kẻ “ma giáo”.

Hiện tại, Quy chuẩn về nước mắm cũng chưa xây dựng được, theo ông phải chăng vấn đề quản lý còn lỏng lẻo ở lĩnh vực này mới dẫn tới trong cuộc chiến thị phần vẫn còn “đất” cho những kẻ làm ăn gian dối?

- Qua theo dõi tôi nhận thấy, có đơn vị, hiệp hội làm nước mắm truyền thống đã đề xuất cơ quan chức năng điều tra làm rõ, thậm chí là đòi kiện ra tòa. Cá nhân tôi không bình luận cụ thể, cơ quan chức năng cần thực hiện công bằng, người làm tốt phải biểu dương, người làm xấu phải xử lý.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đừng chờ người tiêu dùng “thông thái”, mà phải có đẩy đủ các quy định để phát hiện và xử lý kẻ xấu, xử lý ổ nhóm làm ăn “ma giáo” để bảo vệ người tiêu dùng. Bây giờ, vào siêu thị cứ lẫn lộn “trắng đen”, có hàng trăm loại nước mắm thì làm sao người dân biết được loại nào an toàn bằng mắt thường.

Tôi phản đối việc để doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm, như hiện nay C2 Rồng đỏ khi kiểm nghiệm xong phát hiện ra là không an toàn thì đã vào bụng nhân dân hết rồi. Theo tôi, người sản xuất trước khi đưa ra thị trường phải qua kiểm nghiệm trước, nhất là đối với các sản phẩm vào bụng của người dân. Tất nhiên, kiểm nghiệm là phải miễn phí, làm nhanh và không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, từ đó bảo vệ được người tiêu dùng.

Trước đó, Vinastas đã công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh, thành phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, kết quả nhấn mạnh vào những loại mắm truyền thống có hàm lượng độ đạm cao, đồng nghĩa với arsen tổng cao. Ngay sau động thái này, Masan đã đưa ra quảng cáo khẳng định 2 sản phẩm nước mắm Chin-Su hương cá hồi và  Nam Ngư không chứa arsen. Nhiều nghi ngờ đằng sau cuộc chiến thị phần nước mắm có “bàn tay” của truyền thông tìm kiếm lợi nhuận trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem