Cần triệt để tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Thứ ba, ngày 04/12/2012 07:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2012 tổ chức ở Hà Nội ngày 3.12, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại rằng môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Doanh nghiệp lao đao

Ông Christopher Twomey - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham VN) nhận định: “Môi trường đầu tư VN đang đứng trước những thách thức thực sự do lạm phát quá cao, căng thẳng thị trường ngoại hối, lãi suất danh nghĩa cao, giảm thứ hạng trong bảng xếp hạng của tổ chức xếp hạng tín dụng”.

img
Sản xuất gạch tại Công ty Gạch gốm Cotto Quảng Ninh.

Ông Christopher Twomey dẫn chứng, quyết định về các mặt hàng được nhập khẩu, quy định về cách định giá sản phẩm, cá nhân nào có thể làm việc tại VN... chưa thực sự rõ ràng khiến các nhà đầu tư cảm thấy chưa an tâm khi đầu tư tại VN. Do đó, nhiều doanh nghiệp thấy cần phải xem xét kinh doanh ở một nơi khác và nếu không nỗ lực thay đổi, sẽ có nhiều bất lợi cho nền kinh tế VN.

Còn ông Đặng Đức Dũng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng: “Vấn đề quan trọng phải giải quyết là tồn công nợ. Có những doanh nghiệp không có hàng tồn kho và tồn kho thấp lại vướng phải công nợ. Hàng hóa đã bán cho các doanh nghiệp khác nhưng chưa thu hồi được nợ. Công nợ lớn và không thu hồi được thậm chí còn nguy hiểm hơn là tồn kho cao”.

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho biết, 2 năm qua số doanh nghiệp phá sản bằng một nửa con số của 20 năm trước cộng lại. Ông Lộc cho rằng cần phải cải cách thể chế kinh tế, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước: “Trước hết, phải đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh”.

Cải cách để thu hút đầu tư

Ủng hộ việc tái cơ cấu triệt để doanh nghiệp nhà nước, ông Kim Jung In - Chủ tịch phòng Thương mại Hàn Quốc kiến nghị cần phải định giá tài sản chính xác dựa trên công khai, minh bạch, hiệu quả, chế độ tài chính phù hợp với chuẩn mực quốc tế đối với doanh nghiệp nhà nước ở VN. Cải cách theo hướng này sẽ tạo điều kiện thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào VN.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận thách thức mà các doanh nghiệp VN đang vấp phải như lạm phát có thể quay trở lại, quản lý giá, vấn đề hàng tồn kho, tiếp cận tín dụng còn hạn chế. Song đại diện Chính phủ cho rằng đây chính là thời điểm rất cần sự đồng hành và nỗ lực của các doanh nghiệp.

“Quá trình tái cơ cấu không thể tiếp tục chỉ dừng lại ở mức thảo luận mà đã đến lúc phải có hành động cụ thể. Hơn nữa, doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào những ngành nghề kinh doanh và năng lực chính, thay vì dàn trải sang những lĩnh vực không liên quan khác, vì như vậy sẽ chỉ dẫn đến hoạt động không hiệu quả và đối mặt với rủi ro thua lỗ nặng nề” - đại diện nhóm công tác thị trường vốn nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá các khoản nợ xấu của ngân hàng, tạo điều kiện cho ngân hàng tự xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước đang tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho. Ngân hàng Nhà nước cũng đã hoàn thành đề án thành lập công ty mua bán nợ, đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về khoảng 3%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem