Cán bộ hội mạnh mẽ làm trước, nói sau

Hồng Vũ Chủ nhật, ngày 31/07/2016 06:10 AM (GMT+7)
Nhiều năm qua, trong các hoạt động tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, Hội Nông dân xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) luôn hành động theo phương châm “Cán bộ làm thật tốt rồi mới tuyên truyền cho nông dân”.
Bình luận 0

Chủ tịch Hội Nông dân đích thân làm thí điểm

Ông Bùi Thế Hiền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Xá chia sẻ: “Để nhận được sự tín nhiệm của hội viên, nông dân trong xã cũng như có thể tuyên truyền hiệu quả cho bà con, bất kỳ hoạt động nào, bản thân cán bộ hội; trưởng, phó chi hội thôn cũng phải nêu gương tiên phong làm trước, làm thí điểm”.

img

Nông dân xã Đặng Xá đã có ý thức thu gom và bỏ vỏ bao thuốc BVTV đúng chỗ.  Ảnh: Hồng Vũ

 “Bản thân mỗi cán bộ Hội Nông dân của xã Đặng Xá phải xác định làm tốt trước rồi mới tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân làm theo. Phương châm này của Hội đang góp phần hiệu quả trong việc giữ thương hiệu nông sản an toàn trên địa bàn...”.

Ông Bùi Thế Hiền

Tại xã Đặng Xá, khi trên đồng ruộng xuất hiện các mô hình trồng củ cải Hàn Quốc, ngô nếp hương Thái Lai, su hào trái vụ… người thực hiện đầu tiên là cán bộ hội, trong đó tiên phong là ông Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ngay cả khi Hội Nông dân xã thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân người dân trong xã cũng đánh giá qua ruộng lúa, màu của các gia đình cán bộ hội.

Là hộ tiêu biểu có kinh tế ổn định, thu nhập tăng hàng năm, bà Đoàn Thị Thể, thôn Cự Đà chia sẻ: “Nhận thấy hiệu quả mô hình rau trái vụ thí điểm ở nhà Chủ tịch Hội Nông dân xã, tôi đã mạnh dạn nhận thuê ruộng để làm theo. Từ 12 sào rau trái vụ, mỗi năm sau khi trừ chi phí đã đem về cho gia đình tôi khoản lãi 100 triệu đồng”.

Ông Bùi Thế Hiền cho biết, để hội viên, nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp Trạm khuyến nông huyện, Hợp tác xã tập huấn, hội thảo ngay tại những mô hình thí điểm của cán bộ hội. “Thông qua đó, bà con nắm bắt nhanh hơn vì trực quan sinh động, người thật, việc thật. Người biết nhiều hỗ trợ người biết ít, kiến thức, kỹ năng được bà con nắm vững hơn…”- ông Hiền bày tỏ. Cũng qua thực tiễn hoạt động, Hội Nông dân xã Đặng Xá đã hình thành được 1 mô hình kinh tế tập thể có liên kết giữa nông dân và nông dân. Đó là mô hình trồng măng tây xanh với diện tích 20 sào. Bước đầu, mô hình đã cho thu hoạch khá và đang có thêm nhiều hộ muốn tham gia.

Môi trường tốt, sản phẩm mới an toàn

Ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Xá cho hay, là địa phương nổi tiếng về thương hiệu rau an toàn, song song với các hoạt động khuyến nông giúp bà con phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã đăng ký xây dựng mô hình “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và rác thải trên đồng ruộng”. “Để làm mô hình, Hội Nông dân đã tuyên truyền đến tận hộ việc giữ vững thương hiệu rau an toàn bằng cách sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); sử dụng xong phải thu gom đưa vào đúng nơi quy định. Đến nay, ý thức tự giác của người dân đã được nâng lên rõ rệt”-ông Đức cho biết.

Toàn xã Đặng Xá hiện đã đặt 30 bể chứa rác thải và vỏ bao bì, vỏ chai lọ, thuốc BVTV. Kinh phí lắp đặt bể là nhờ nguồn xã hội hóa do Hội vận động. Cùng với kinh phí hỗ trợ cho mô hình trồng rau an toàn của thành phố và huyện, mỗi hộ trồng rau an toàn còn đào giếng khoan, lọc nước tưới cho rau.

Chị Nguyễn Thị Thu Huệ -Chi hội trưởng thôn Đổng Xuyên cho hay: “Chỉ riêng trên cánh đồng của thôn Đổng Xuyên đã có đến hơn 50 thùng gom rác được đặt ở các vị trí thuận tiện nhất. Nếu như trước đây, sau các đợt phun thuốc BVTV, vỏ thuốc, túi nylon vứt bừa bãi trên các kênh mương, bờ ruộng thì nay người dân đã tự giác thu gom bỏ vào thùng. Lâu rồi, đồng ruộng của thôn không còn thấy rác thải từ vỏ bao thuốc BVTV nữa…”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem