Cai sữa cho trẻ: Thỏa thuận chứ không nên dọa nạt

Thứ ba, ngày 25/06/2013 19:35 PM (GMT+7)
Dân Việt - Báo Dân Việt vừa đăng bài “Cụ ông có biệt tài cai sữa cho trẻ bằng… “dọa nạt”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế lao động Hà Nội), việc doạ nạt là phản khoa học, có thể gây ức chế cho trẻ.
Bình luận 0

Dọa nạt là phản khoa học

Bác sĩ Kim Dung cho biết: “Việc cai sữa cho trẻ bằng cách dọa nạt khiến trẻ khóc thét lên, sợ hãi là hoàn toàn phản khoa học, gây ức chế tâm lý cho trẻ. Đó là một cư xử thô bạo, áp đặt. Khi trẻ đòi bú lại kêu tên ông Quyền (tên ông cụ dọa trẻ) thì cũng không khác nào “dọa ngáo ộp”, có thể khiên trẻ khiến trẻ bị ác mộng. Khi trẻ lớn, nếu được ăn dặm tốt, việc bú mẹ không còn để duy trì dinh dưỡng mà chỉ là nhu cầu được gần gũi, bế ẵm của trẻ. Đồng thời, phản xạ mút cũng gây hứng phấn khiến trẻ thích được bú tí. Vì thế, có nhiều cách thỏa thuận để trẻ “thông cảm” hơn là dọa nạt.

img
Nên cho trẻ ăn dặm đầy đủ trong thời gian cai sữa.

Ngoài ra, bà Dung cho biết, việc bôi các thứ “hầm bà lằng” lên ngực cũng không cần thiết, đôi khi còn gây ra các phản ứng nguy hiểm. “Mã tiền và mật cá trắm đều là những chất có thể gây độc, nếu mẹ bôi có thể gây dị ứng, ngấm vào da cũng chưa có kiểm chứng. Nếu chẳng may đứa trẻ ngậm phải ti mẹ thì càng nguy hiểm” - bác sĩ Dung cho biết.

Trong dân gian, nhiều bà mẹ còn bôi đen ti, bôi ớt cay, bôi thuốc kháng sinh đắng lên ngực để cho trẻ sợ hoặc bú vào thấy cay, đắng thì bỏ ti. Bác sĩ Dung cho rằng, việc tự dùng các loại thuốc đều có thể gây hại, gây bỏng cho trẻ do làn da của trẻ rất mỏng, nhạy cảm. Còn việc dọa cho trẻ sợ càng khiến trẻ lo lắng, ức chế hơn vì chúng sẽ sợ bị “mất mẹ” hơn là sợ “mất ti”.

Cai sữa không cai mẹ

Theo bác sĩ Dung, sự vỗ về ôm ấp trẻ càng lâu càng tốt, chứ không phải cai sữa xong là mẹ tách luôn trẻ, chạy trốn trẻ, không cho trẻ ngủ cùng sẽ khiến trẻ hụt hẫng, cô đơn, sợ hãi. Có cháu sau khi cai ti đã sợ cả mẹ chỉ vì những hình ảnh “gớm ghiếc” mà mẹ đã dùng để cai sữa.

Trước tiên, để cai sữa thành công, các bà mẹ cần đảm bảo con mình được ăn dặm đầy đủ, no nê để các con không đói, không thèm ti nữa. Người mẹ vẫn có thể gần gũi, ôm ấp trẻ nhưng không nên cho trẻ thấy ti, sờ ti. Nếu trẻ khóc đòi có thể tạm tránh mặt một lúc hoặc hướng trẻ đến các thú vui khác để con quên. Nếu trẻ vẫn nhớ “mút ti” thì có thể tạm thời cho con dùng ti giả để “nhai” thay thế ti mẹ.

TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết. Việc bú sữa không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn là sợi dây thắt chặt tình mẹ con. Vì thế, không nên cai sữa cho trẻ một cách đột ngột, khiến sức khỏe và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng. Có thể cai sữa từ từ bằng cách giãn thời gian bú mẹ, hạ dần từ 7-8 lần xuống 3-4 lần rồi 1-2 lần/ngày. Vào giữa thời gian đó nên cho trẻ ăn dặm và uống các loại sữa bổ sung.

Còn nếu như các trường hợp trẻ quá quấy khóc, đòi ti thì các bà mẹ cũng nên kiên nhẫn, không nên xót con mà cho bú lại, sờ ti lại. Như thế trẻ sẽ “quen” ăn vạ, lần sau cai sẽ càng khó hơn.

Bác sĩ Dung cho biết, đối với các bà mẹ căng tức ngực khi cai sữa, tuyệtnhiên không nên nặn sữa thường xuyên vì càng nặn, sữa càng ra. Cũng không nên dùng thuốc giảm đau nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Hiện thị trường có nhiều loại thuốc ức chế tiết sữa, do đó, các bà mẹ nên đi khám để được kê thuốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem