Cách Triều Tiên bí mật chống đỡ khủng hoảng kinh tế giữa đại dịch Covid-19

Phương Đăng (theo Al Jazeera) Thứ sáu, ngày 05/11/2021 17:42 PM (GMT+7)
Có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đã nới lỏng biên giới sau khi đóng cửa, ngừng toàn bộ giao thương với Trung Quốc để chống dịch Covid-19 khiến nền kinh tế lao dốc nghiêm trọng.
Bình luận 0
Cách Triều Tiên bí mật chống đỡ khủng hoảng kinh tế giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Quyết định đóng cửa biên giới của Triều Tiên để ngăn đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này. Ảnh Reuters

Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, Triều Tiên đã trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới nước họ với thế giới.

Sau gần 2 năm gần như tự cô lập hoàn toàn, khiến nền kinh tế lao dốc nghiêm trọng, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng có thể đang thực hiện các bước dự kiến để nới lỏng kiểm soát, nối lại giao thương với Trung Quốc.

Theo Aljazeera, nền kinh tế Triều Tiên dựa dẫm đáng kể vào Trung Quốc với hơn 90% giao dịch thương mại của nước này là đến từ nước láng giềng khổng lồ. Triều Tiên nhập khẩu các mặt hàng quan trọng như ngũ cốc, phân bón và thiết bị nông nghiệp từ Trung Quốc. Ngoài ra, không ít người Triều Tiên từ lâu cũng dựa vào buôn lậu xuyên biên giới với Trung Quốc để kiếm sống.

Cơ quan tình báo của Hàn Quốc tuần trước nói với các nhà lập pháp rằng, Triều Tiên đang đàm phán với Trung Quốc và Nga về việc nối lại các tuyến đường tàu xuyên biên giới quan trọng vào đầu tháng này. Các nhà chức trách trong những tháng gần đây cũng chấp nhận lượng hàng hóa thiết yếu tăng lên.

Cuộc họp được đưa ra sau khi dữ liệu hải quan của Trung Quốc được công bố  cho thấy tổng kim ngạch thương mại với Triều Tiên đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 9 lên 69,9 triệu USD.

Tuy nhiên, con số trên vẫn chỉ là một phần nhỏ so với mức đỉnh trước đại dịch. Tổng thương mại trong 9 tháng đầu năm nay giữa Trung Quốc và Triều Tiên đạt 185,3 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với 1,95 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2020.

Tim Peters, một nhân viên cứu trợ Cơ đốc giáo điều hành tổ chức Help Hands Korea ở Seoul, nói với Al Jazeera rằng anh đã quan sát thấy "việc mở cửa giao thông xuyên biên giới rất hạn chế" giữa Trung Quốc và Triều Tiên kể từ mùa hè.

"Tôi nhận thức được điều này vì một số chuyến hàng nhân đạo của chúng tôi đã có thể được đưa qua biên giới vào khoảng thời gian đó", Peters nói và cho biết thêm rằng tổ chức của anh hoạt động bên ngoài các kênh của chính phủ và dựa vào "các phương pháp không chính thức".

Trong khi đó, một nhân viên cứu trợ giấu tên khác tiết lộ với Al Jazeera rằng, tổ chức của họ đã không thể đưa viện trợ vào Triều Tiên và bất kỳ sự nới lỏng nào của các hạn chế dường như chỉ giới hạn trong các hoạt động thương mại chính thức cấp cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem