Các nước ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và có lợi trong hợp tác với ASEAN

Mỹ Hằng thực hiện Thứ bảy, ngày 30/10/2021 07:35 AM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19, sự ra đời của Đối thoại an ninh Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS), vấn đề Myanmar... tác động đến vai trò trung tâm ASEAN thế nào qua phân tích của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007 - 2014), Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Bình luận 0

Những biến đổi sâu sắc

* Thưa Đại sứ, bối cảnh thế giới hiện nay đặt ra những thách thức gì với vai trò trung tâm ASEAN?

- Nhìn lại những năm gần đây, cục diện thế giới và đặc biệt là Châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD) có những biến đổi cực kỳ sâu sắc, ảnh hưởng đến hoà bình hợp tác phát triển trong khu vực, trong đó có vai trò trung tâm ASEAN, buộc ASEAN phải cân nhắc và tính toán các nỗ lực của mình.

Nổi lên các diễn biến khu vực có mấy điểm chính: Thứ nhất, dịch Covid-19 ảnh hưởng kéo dài đến khu vực và thế giới, tác động đến hoạt động của ASEAN và đến kinh tế, chính trị, an ninh.

Năm  2021 khi các nước bắt đầu có dấu hiện kiểm soát đại dịch bằng vaccine thì Đông Nam Á lại trở thành tâm dịch, đặt ra nhiệm vụ cấp bách với ASEAN kiểm soát thế nào, nếu không sẽ tụt hậu trong việc chậm nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi, rồi sẽ ảnh hưởng đến ASEAN trên nhiều lĩnh vực, kể cả nỗ lực xây dựng cộng đồng hay kinh tế khu vực.

Thứ hai, cạnh tranh nước lớn tiếp tục gia tăng, trong đó có cạnh tranh Mỹ - Trung, đặt ra một loạt câu hỏi ASEAN phải ứng xử thế nào. Cuộc cạnh tranh kinh tế, thương mại, công nghệ tiếp tục, làm cho chuỗi cung ứng dịch chuyển và phân tách. Cuộc cạnh tranh an ninh đặt ra câu chuyện ASEAN có chọn bên hay không. Việc dịch chuyển về tập hợp lực lượng như Bộ tứ kim cương (QUAD - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ) hay liên minh quốc phòng 3 bên Úc, Anh, Mỹ (AUKUS) đặt ra vấn đề ASEAN có ở vị trí trung tâm được nữa hay không.

Thứ ba, trong nội bộ ASEAN có những vấn đề mà nổi lên là Myanmar, đây là vấn đề nội bộ nhưng Myanmar là thành viên ASEAN, cuộc chính biến 11/2/2021 ảnh hưởng đến cả Myanmar và khu vực. ASEAN xử lý thế nào cũng là chuyện các nước bên ngoài nhìn vào xem vai trò ASEAN đến đâu.

Bên cạnh đó là vấn đề Biển Đông – vốn ảnh hưởng đến hoà bình an ninh của Đông Nam Á nói riêng và CA-TBD nói chung, bất kỳ lúc nào cũng có những rủi ro, vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Các nước ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và có lợi trong hợp tác với ASEAN - Ảnh 1.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu ASEAN xử lý được các thách thức thì sẽ có nhiều cơ hội. Ảnh: Phạm Hưng.

Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, nếu ASEAN có thể định vị, nắm bắt, xử lý được thì có rất nhiều cơ hội. Trong cạnh tranh nước lớn nếu ASEAN có thể chơi với cả 2 bên, tranh thủ sự hợp tác, dịch chuyển của chuỗi cung ứng, vẫn có cả CPTPP, cả RCEP thì vẫn là tốt, hay là cuộc cách mạng số, cách mạng khoa học công nghệ nếu ASEAN không theo được sẽ tụt hậu.

Vai trò trung tâm ASEAN được các nước công nhận

Song cần hiểu đúng về vai trò trung tâm ASEAN. ASEAN là tập hợp 10 nước Đông Nam Á nhỏ và vừa, hoạt động trên cơ sở đồng thuận, không phải người đi ra lệnh cho các nước khác.

Nhìn lại hơn 50 năm lịch sử, vai trò trung tâm của ASEAN không phải có cùng khi ra đời của tổ chức, mà do quá trình phấn đấu phát triển mới có được và  được các nước công nhận.

Sau 5 thập kỷ, điểm lớn nhất của ASEAN là trở thành một Hiệp hội bao gồm cả 10 nước ĐNA, cùng chung tay xây dựng cộng đồng, trở thành hạt nhân của hoà bình, ổn định, an ninh khu vực. Nếu không là tập hợp của cả 10 nước mà vẫn chia rẽ thì ASEAN không thể đại diện cả 10 nước ĐNA vươn ra CA-TBD.

ASEAN phát huy vai trò trung tâm thông qua tham vấn các đối tác, trong đó có những đối tác ở các trung tâm quyền lực chính trị kinh tế của thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Liên Hợp Quốc… Qua các quan hệ đó, họ thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN và cùng ASEAN hợp tác.

ASEAN có vai trò trung tâm và được công nhận là do ASEAN đã hình thành và xây dựng được các cơ chế do ASEAN dẫn dắt để đưa ra các chủ kiến, chương trình nghị sự trong tham vấn với các nước và các trung tâm khác.

Để duy trì vai trò trung tâm thì cùng với tham vấn, ASEAN thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Nhiều vấn đề trong khu vực không thể giải quyết theo cường quyền hay ý chí của một nước, từ biến đổi khí hậu, Biển Đông, Mekong, việc duy trì hoà bình ổn định an ninh khu vực…, mà phải thông qua chủ nghĩa đa phương. Qua đó ASEAN chủ động đưa ra các quy tắc ứng xử, chuẩn mực ứng xử  trong khu vực được các nước khác chấp nhận và ủng hộ, ví dụ Hiệp ước thân thiện Đông Nam Á TAC, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương AOIP, Tuyên bố ứng xử các bên trên Biển Đông DOC, những tuyên bố của ASEAN về Biển Đông, đồng thuận 5 điểm về Myanmar…

* Vậy ASEAN đã xử lý thế nào với những vấn đề nổi lên trong năm qua để đảm bảo vai trò trung tâm của mình?

- Về cạnh tranh nước lớn và bây giờ là cạnh tranh Mỹ - Trung, ASEAN nói rõ muốn quan hệ tốt với cả hai bên, không muốn rơi vào bẫy cạnh tranh này. ASEAN muốn 2 nước cạnh tranh nhưng tuân thủ luật pháp, không ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực. Vì vậy ASEAN ra tuyên bố tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói lên được quan điểm của A, được Mỹ - Trung và các nước đều ủng hộ.

Các nước ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và có lợi trong hợp tác với ASEAN - Ảnh 2.

Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 38. Ảnh: BNG.

Trong cạnh tranh Mỹ - Trung,  đến nay rõ ràng ASEAN không chọn bên mà vẫn chơi được với cả 2 nước và các nước khác, nhưng vẫn có tiếng nói với mọi vấn đề ảnh hưởng đến hoà bình ổn định của khu vực. Chẳng hạn trong vấn đề Biển Đông, ASEAN có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng vẫn có nguyên tắc của mình, các tuyên bố của ASEAN khẳng định ủng hộ hoà bình ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Luật Biển, tuân thủ DOC, xây dựng COC… cũng đều được các nước ủng hộ.

Về việc hình thành các liên minh như Tứ giác kim cương hay AUKUS, ASEAN đóng vai trò trung tâm thông qua các cơ chế, hợp tác với các đối tác nhưng ASEAN không loại trừ hợp tác của nước khác. ASEAN chỉ xem xét  khi việc cạnh tranh Mỹ - Trung hay các sự kiện khác xảy ra ở khu vực có ảnh hưởng đến xây dựng cộng đồng ASEAN, ảnh hưởng đến môi trường hoà  bình, ổn định, phát triển của khu vực. Những gì ASEAN thấy phù hợp, đặc biệt nếu soi vào Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thì ASEAN ủng hộ, nhưng nếu buộc ASEAN chọn bên thì chắc chắn không ủng hộ.

Ví dụ nếu QUAD đề xuất bảo đảm an toàn an ninh hàng hải thì ASEAN ủng hộ nguyên tắc đó. ASEAN ủng hộ QUAD sản xuất vaccine, xây dựng chuỗi cung ứng… nhưng nếu QUAD mở rộng ra khu vực thì ASEAN sẽ có tiếng nói bảo vệ hợp tác và liên kết khu vực.

Hoặc về liên minh AUKUS: Các quốc gia tìm kiếm khác nhau về việc bảo đảm tự vệ và an ninh của mình, trong đó có việc Úc tìm kiếm tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Đó là việc của Úc nhưng có thể ảnh hưởng đến khu vực. Tuy nhiên ASEAN đã nhận được cam kết của Úc trong đó khẳng định Úc tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, coi trọng hoà bình, ổn định, an ninh khu vực, tiếp tục ủng hộ quy tắc ứng xử của Hiệp ước thân thiện ĐNA TAC. Thêm nữa Úc cũng cam kết theo đuổi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Vấn đề Myanmar

Cho đến nay sự uyển chuyển của ASEAN, vừa cả về đảm bảo các nguyên tắc, vừa cả duy trì hợp tác của ASEAN với nước lớn, vừa xử lý các vấn đề nổi lên cho thấy ASEAN vẫn có tiếng nói và các nước vẫn đang cần đến ASEAN.

Khi các nước lớn cạnh tranh, khi càng nhiều có nhiều tổ chức hợp tác, rõ ràng ASEAN càng cần gia tăng đoàn kết nội bộ, xây lập trường chung và tương tác với nước lớn một cách phù hợp.

(Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Về vấn đề lãnh đạo quân sự Myanmar không được mời dự Hội nghị cấp cao lần này, thì đây là một quá trình. Từ tháng 2/2021 ASEAN đã đối mặt với 3 vấn đề quan trọng phải xử lý. Vấn đề Myanmar là vấn đề nội bộ nhưng ảnh hưởng đến cái chung của khu vực, do vậy ASEAN phải đồng thuận vừa không can thiệp vừa ứng xử thế nào để bảo đảm cộng đồng, bảo đảm uy tín ASEAN, bảo đảm Myanmar là thành viên ASEAN và quốc tế nhìn vào. ASEAN bày tỏ quan ngại nhưng sẵn sàng hợp tác với các bên ở Myanmar, bao gồm cả chính quyền và lực lượng cầm quyền sau chính biến. ASEAN đã đạt đồng thuận 5 điểm, trong đó đáng chú ý mấy điểm: ASEAN bày tỏ quan ngại, mong tình hình Myanmar trở lại bình thường; thúc đẩy đối thoại ở Myanmar để trở lại tiến trình dân chủ và hoà giải; ASEAN sẵn sàng hỗ trợ các bên Myanmar đối thoại giải quyết vấn đề của họ, hỗ trợ nhân đạo người dân gặp khó khăn do chính biến và dịch bệnh. Chính quyền quân sự Myanmar và các bên ở Myanmar cũng đồng ý những điều đó.

Đến Hội nghị cấp cao ASEAN, thì hội nghị bộ trưởng khẩn cấp ASEAN bàn về Myanmar ngày 15/10 cho rằng, ASEAN muốn giúp tất cả các bên ở Myanmar, nhưng không phải mặc nhiên công nhận tính chính danh của bất kỳ ai ở Myanmar mà phải thông qua xử lý nội bộ của Myanmar xem công nhận ai là đại diện. Không đạt được đồng thuận mời ai dự Hội nghị cấp cao thì đó là vấn đề nội bộ của Myanmar. Thứ hai, để tạo không gian và thời gian cho các bên Myanmar tìm giải pháp phù hợp thì ASEAN mời một đại diện không mang tính chính trị, việc Myanmar cử hay không là quyền của Myanmar. Thứ ba, con đường trước mắt ASEAN không phải là Myanmar có dự Hội nghị hay không, mà là đồng thuận 5 điểm có giúp các bên ở Myanmar giải quyết được câu chuyện của mình hay không, nếu được thì vừa có lợi cho Myanmar vừa có lợi cho ASEAN.

Tôi đọc được thông tin rằng chính quyền Myanmar rất không hài lòng với kết luận của Hội nghị bộ trưởng khẩn cấp. Nhưng sau đó Bộ Ngoại giao Myanmar ra thông báo tiếp, dù dự Hội nghị cấp cao hay không thì Myanmar vẫn hợp tác tiếp với ASEAN thực hiện đồng thuận 5 điểm.

Những ứng xử của ASEAN hiện tại, là làm sao đảm bảo nguyên tắc không can thiệp nội bộ và quan trọng nhất là thúc đẩy các bên Myanmar tự giải quyết vấn đề của mình. Thêm nữa ASEAN sẵn sàng hỗ trợ, nếu vậy các bên phải hợp tác kể cả chính quyền quân sự. Vấn đề còn phức tạp và ASEAN phải hành động rất nhiều.

Nhưng nếu đứng ở vai trò trung tâm, thì cho đến nay đồng thuận 5 điểm A ở cấp cao tháng 4.2021 đã được có sự nhất trí của của chính quyền sau chính biến và giành được ủng hộ của các nước trên thế giới. Điều đó rất quan trọng, không ai có tiếng nói được cả trong và ngoai khu vực ủng hộ như vậy. Vì thế ASEAN phải tranh thủ cả các bên Myanmar, cả nội bộ ASEAN và các nước khác để đi tới giải pháp chung thông qua đối thoại. Tính về vai trò trung tâm đến nay không có giải pháp nào ngoài giải pháp của ASEAN. Nhưng để đạt được đồng thuận 5 điểm thì còn nhiều thách thức.

Thứ ba là câu chuyện Biển Đông. Mong muốn lớn nhất của ASEAN là làm sao bảo đảm hoà bình ổn định an ninh an toàn hàng hải, dựa trên luật pháp quốc tế trong đó có Luật Biển 1982, không gây phức tạp tình hình. Quan điểm được tất cả ủng hộ. Cơ bản đến nay ASEAN vừa duy trì đối thoại với Trung Quốc thực hiện DOC nhưng vẫn tiếp tục đưa tiếng nói lên các diễn đàn để các bên ủng hộ việc không làm phức tạp môi trường hoà bình ổn định ở Biển Đông.

* Trong bối cảnh các quan hệ kinh tế - chính trị quốc tế đang tái định hình, việc ASEAN cần định vị chỗ đứng mới cần được hiểu thế nào, thưa Đại sứ?

- Đây không phải câu chuyện mới. Sự cạnh tranh nước lớn và những vấn đề cọ xát lợi ích ở CA-TBD không mới, trong và sau Chiến tranh lạnh đã có. Cạnh tranh và hợp tác Mỹ - Trung đã có và đã xuất hiện những sắc thái mới ngày nay… Trong ứng xử với nước lớn, từ những năm 1970 khi có Chiến tranh lạnh thì ASEAN trung lập. Nhưng khi ASEAN trở thành cộng đồng 10 nước từ giữa những năm 1990, thì ASEAN chủ động gắn kết, tham vấn với các đối tác và các trung tâm quyền lực mới của thế giới. Chỉ có thế mới đảm bảo hoà bình ổn định hợp tác ở CA-TBD trong đó có Đông Nam Á.

Năm 1994 hình thành ARF, năm 2005 là Cấp cao Đông Á, năm 2010 là ADMM cộng. Tất cả tạo thành mạng lưới khu vực để ASEAN gắn kết với các nước.

Trong điều kiện và bối cảnh mới, vấn đề là ASEAN cần ứng xử như thế nào trên cơ sở các nguyên tắc và các mối quan hệ đối tác, các khuôn khổ hợp tác khu vực mà ASEAN dẫn dắt. Chẳng hạn về chính trị an ninh, khi các nước lớn càng cạnh tranh, ASEAN càng phải tạo lập để họ tham vấn với mình và với nhau. Về kinh tế, ASEAN gắn kết và đa dạng hoá, vẫn xây dựng các kết nối và liên kết kinh tế, tạo ra lợi ích đan xen các nước. Khi có vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình ổn định và mục tiêu xây dựng cộng đồng thì ASEAN phải có tiếng nói như trong các vấn đề Biển Đông, Mekong, biến đổi khí hậu…

Lần nay ASEAN có những tuyên bố rất hay. Đó là tuyên bố hợp tác với các nước về phòng chống dịch bệnh, phục hồi, gắn kết chuỗi cung ứng…; hay việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, phát triển xanh và bền vững, hướng tới chuyển đổi số với các đối tác, nền kinh tế đại dương … đều được ủng hộ và có những sự đan xen lợi ích.

Với những Tầm nhìn ASEAN 2025, Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN, với việc phát huy mạng lưới đối tác và tổ chức khu vực, ASEAN đã định vị được cho mình, nhưng phải cập nhật, thể hiện ứng xử với các vấn đề mới nảy sinh.

Nhưng cũng phải thấy rằng ngay cả khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, khi các nước lớn cạnh tranh, thì các nước vẫn ủng hộ vai trò của ASEAN, trong đó có vai trò trung tâm, và họ vẫn có lợi ích cho chính họ trong phối hợp, hợp tác với ASEAN. Mỹ vẫn triển khai chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; Trung Quốc vẫn triển khai ngoại giao láng giềng, các sáng kiến hạ tầng, sáng kiến khu vực vẫn dựa vào ASEAN. Trong quản trị Biển Đông gồm cả quản trị các tranh chấp và bảo đảm an ninh an toàn hàng hải hàng không dưa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS  các nước vẫn phải dựa vào ASEAN. Hay các sáng kiến khác như hợp tác kinh tế thương mại, phòng chống dịch bệnh, BĐKH, nước biển dâng… cũng cần phối hợp với ASEAN. Một ASEAN với 600 triệu dân, thương mại 3000 tỷ USD, là nền kinh tế số 5 thế giới thì họ vẫn có lợi ích rất đáng kể.

Nhưng cũng phải thấy rằng ngay cả khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, khi các nước lớn cạnh tranh, thì các nước vẫn ủng hộ vai trò của ASEAN, trong đó có vai trò trung tâm, và họ vẫn có lợi ích cho chính họ trong phối hợp, hợp tác với ASEAN.

(Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Tóm lại, nếu nói định vị lại ASEAN thì trên cơ sở mạng lưới đối tác, những nguyên tắc ASEAN, các thể chế khu vực, với nhiều diễn biến mới phức tạp có thể ảnh hưởng đến ASEAN hiện nay như dịch bệnh, cạnh tranh nước lớn, Myanmar, Biển Đông thì A cần củng cố đoàn kết, chủ động hơn, nâng cao hiệu quả, tham vấn đối tác và các cơ chế của mình, dưuạ trên lợi ích chung khu vực, luật pháp quốc tế, nói được tiếng nói của mình...

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem