Vượt qua trầm cảm, “kình ngư” Ánh Viên đổi màu huy chương ASIAD?

Hoàn Minh Thứ tư, ngày 15/08/2018 14:10 PM (GMT+7)
Theo tiết lộ của thầy ruột Đặng Anh Tuấn, trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 2018, có giai đoạn “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhưng lúc này, cô gái Cần Thơ đã sẵn sàng đổi màu huy chương ASIAD ở tuổi 22.
Bình luận 0

Với những gì thể hiện trong 2 kỳ SEA Games 2015, 2017, Ánh Viên đã khẳng định mình là số 1 Đông Nam Á khi gần như cứ… bơi là có HCV kèm theo những kỷ lục trên đấu trường khu vực.

Tuy nhiên, ASIAD lại là một câu chuyện hoàn toàn khác khi đây là nơi tập trung nhiều VĐV hàng đầu châu lục của Nhật Bản, Trung Quốc…

img

"Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên quyết đổi màu huy chương ASIAD. Ảnh: I.T

4 năm trước, tại ASIAD 2014 (Incheon – Hàn Quốc), Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội nước nhà khi giành được 2 HCĐ 200m ngửa (2 phút 12 giây 25) và 400m hỗn hợp (4 phút 39 giây 65).

Tới ASIAD 2018, Viên sẽ thi đấu 2 nội dung 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp với quyết tâm đổi màu huy chương.

“Tôi đã nỗ lực, cố gắng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho ASIAD 2018. Tôi tin mình có thể đổi màu huy chương tại Indonesia. Quan trọng là vượt qua chính mình và tôi mong mình có thể giành thành tích tốt nhất”, Ánh Viên chia sẻ trước khi lên đường sang Indonesia dự ASIAD.

img

Nguyễn Thị Ánh Viên khẳng định đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho Á vận hội 2018. Ảnh: I.T

Theo thông tin từ đoàn Thể thao Việt Nam, sáng nay, Ánh Viên đã có buổi tập đầu tiên tại GBK Aquatar Center (Indonesia).

Theo lịch thi đấu, sáng 20.8, Ánh Viên sẽ thi đấu vòng loại 400m hỗn hợp. Nếu lọt vào chung kết, Ánh Viên sẽ so tài tranh huy chương tối 21.8.

Ngày 24.8, từ sáng tới tối, Ánh Viên sẽ đua tiếp nội dung còn lại là 200m hỗn hợp.

Nói về những bước chuẩn bị của cô học trò, HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ: “Sau SEA Games 2017, trở lại Mỹ tập huấn, do áp lực thành tích, Ánh Viên đã trải qua một giai đoạn bị trầm cảm và phải nhờ tới bác sĩ tâm lý điều trị trong khoảng 3 tháng. Nhưng đến thời điểm này, Ánh Viên đã là chính mình và sẵn sàng bước vào ASIAD”.

Theo ông Tuấn, đối thủ lớn nhất của Ánh Viên là VĐV người Nhật Bản Shimizu Sakiko – người giành HCB 400m hỗn hợp ASIAD 2014 với thành tích 4 phút 38 giây 63. Bên cạnh đó còn có các VĐV Trung Quốc cũng rất mạnh ở các cự ly hỗn hợp.

Nếu muốn có huy chương 400m hỗn hợp. Ánh Viên cần cán đích với thông số khoảng 4 phút 34 giây.

Cột mốc thành tích của Ánh Viên

-400m hỗn hợp: ASIAD 2014 ghi dấu với thành tích 4 phút 39 giây 65. Đến SEA Games 2015, Ánh Viên giành HCV với thông số 4 phút 42 giây 88. Cũng trong năm 2015, tại giải vô địch thế giới (Nga), Ánh Viên vươn tới mốc 4 phút 38 giây 78. Tại Olympic 2016, Ánh Viên cán đích ở vòng loại với thời gian 4 phút 36 giây 85 và là thành tích tốt nhất của cô tới thời điểm này. SEA Games 2017, Viên giành HCV với kết quả 4 phút 45 giây 82. Gần nhất, tháng 4.2018, Ánh Viên giành HCV giải Pro Swim Series (Mỹ) với thông số 4 phút 44 giây 68.

-200m hỗn hợp: Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) 2013, Ánh Viên giành HCV, lập kỷ lục với thông số 2 phút 10 giây 05. Tới AIMAG 2017, Viên bảo vệ HCV, phá kỷ lục của chính mình với thành tích 2 phút 09 giây 78. Ở đấu trường SEA Games, năm 2015 cô giành HCV với thông số 2 phút 13 giây 53. SEA Games 2017, về nhất với thành tích 2 phút 14 giây 15.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem